Ký ức về đồng đội đã hy sinh
Kỷ niệm 33 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 2008)
(HGĐT)- Đầu những năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta rất quyết liệt. Miền Bắc XHCN đã tích cực cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Hà Giang ta lúc đó rất khó khăn, nhưng cũng đã nỗ lực cố gắng đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến cùng cả nước, trong đó rõ nhất là từ khoảng 1970 đến 1975 mỗi năm thường có một đến hai đợt tuyển quân, mỗi lần tuyển quân cỡ 1 tiểu đoàn (500 - 600) thanh niên nam) quả là một sự cố gắng vượt bậc, vì lúc đó dân số Hà Giang còn rất ít.
Tôi nhớ, tháng 5 năm 1972 khi chiến trường Quảng Trị ác liệt 81 ngày đêm đổ lửa, đổ máu thì cũng là lúc tỉnh ta đưa một tiểu đoàn quân mang phiên hiệu d63 về F304B, quân khu Việt Bắc (huyện Phú Bình - Thái Nguyên) huấn luyện, sau đó vào miền Nam chiến đấu. Tôi rất vinh dự lúc đó là tiểu đội trưởng, lại được trực tiếp huấn luyện quân Hà Giang thuộc đơn vị nói trên.
Năm đó, ta đánh mạnh ở chiến trường, địch thua đau, chúng ta tăng cường đưa máy bay ra đánh phá ác liệt ở miền Bắc, đánh vào các cơ sở kinh tế, nhà máy, đường giao thông, trường học, bệnh viện, nhà thờ, đặc biệt là tìm diệt nơi bộ đội ta đóng quân, đường hành quân vào Nam của bộ đội ta.
Chiều ngày 8.10.1972, Mỹ cho máy bay đánh bom vào nơi huấn luyện của C1 - d63 tại xóm Đồng Vĩ, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên làm 6 chiến sỹ của ta hy sinh. Mộ các liệt sỹ được an táng tại địa danh trên, sau đó chúng tôi vào chiến trường và thuyên chuyển nhiều đơn vị. Sau 36 năm (ngày 1.4.2008), tôi mới có dịp quay lại nơi đóng quân cũ để tìm mộ các liệt sỹ thời ấy. Tới nơi, được xã cho biết mộ các liệt sỹ được quy tập vào nghĩa trang xã, tôi cùng 2 đồng chí cùng đi trong đoàn và lãnh đạo xã đến nghĩa trang thắp hương cho các liệt sỹ. Những điều làm tôi bất ngờ là trên bia mộ không ghi ngày tháng năm sinh, và ngày tháng nhập ngũ của liệt sỹ mà chỉ ghi năm sinh và năm nhập ngũ. Quê quán chỉ ghi huyện tỉnh (không ghi xã). Còn ngày tháng năm hy sinh thì ghi đầy đủ. Tôi hỏi xã sao liệt sỹ ta lại thiếu những nôi dung thông tin cần thiết... được xã trả lời khi quy tập, bia mộ cũ có thế nào thì ghi đầy đủ như thế. Tôi không sao cầm được nước mắt. Ân hận vì trước khi vào chiến trường không có dịp nào để đến thắp hương cho các liệt sỹ; ân hận vì không hiểu sao chiến sỹ ta hy sinh ở miền Bắc lúc đó mà mai táng lại thiếu một phần thông tin quan trọng như vậy. Ân hận vì sau đó tôi đã cùng các đồng đội, Sở Lao động - TBXH tỉnh, cùng các Phòng Lao động - TBXH và CCB các huyện tìm quê, tìm người thân cho các liệt sỹ ấy, nhưng đến nay mới tìm thấy được người thân và quê là xã của 3 liệt sỹ, còn 3 liệt sỹ nữa có họ tên, có quê ghi huyện tỉnh nhưng nay tìm không có danh sách họ tên, người thân ở xã huyện nào, chúng tôi vẫn đang tìm, nhất định sẽ tìm thấy những gì còn thiếu cho các liệt sỹ và ân hận nữa là theo như địa phương xã (nơi các chiến sỹ của ta yên nghỉ) nói rằng từ năm 1972 đến nay cũng chưa có 1 gia đình nào của các liệt hay 1 tổ chức nào của tỉnh ta đến tìm và thắp hương, viếng các liệt sỹ. Một cự ly không xa lắm, chỉ ở Thái Nguyên đây thôi, một thời gian không phải ngắn nữa mà đã 36 năm qua các liệt sỹ ta nằm ở đó vẫn biệt tin đồng đội, gia đình, quê hương.
Bây giờ đất nước đã hòa bình, thống nhất và hội nhập Quốc tế, kinh tế - xã hội đã phát triển, hậu quả chiến tranh vẫn còn. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đang cố gắng xây dựng đất nước, quan tâm rất lớn đến quân đội, CCB và các đối tượng chính sách sau chiến tranh. Chúng ta tin rằng, với truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, của Đảng ta, hy vọng những gì mất mát trong chiến tranh sẽ được bù đắp.
Ý kiến bạn đọc