Giá gạo đã chững lại và có xu hướng giảm
Trong cuộc họp ngày 28-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm kẻ xấu tung tin thất thiệt, gây rối, đầu cơ trục lợi, mua vét gạo; Bộ Công thương tăng cường quản lý thị trường, ngăn chặn buôn lậu gạo qua biên giới. Bộ Công thương cho biết, Lượng gạo trong kho hiện còn 1,3 triệu tấn.
Cửa hàng Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ đóng cửa đã 3 ngày. (Ảnh chụp 10h sáng 28-4). |
Thứ trưởng Công an Lê Thế Tiệm đã có điện gửi các tổng cục, cục thuộc bộ và công an các địa phương tập trung xử lý các trường hợp đầu cơ tăng giá và buôn lậu lúa, gạo, góp phần ổn định thị trường lúa, gạo.
Ngày 28-4, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định: Giá gạo sẽ giảm trong vài ngày tới. Theo Thứ trưởng, việc định hướng thông tin là rất quan trọng, phải giải thích cho người dân hiểu rõ thực chất tình hình chứ không tập trung vào những hiện tượng bất thường để làm nóng vấn đề lên. Ðối với xuất khẩu gạo, tạm thời xác định lại chỉ tiêu xuất khẩu năm 2008. Ðến hết quý III-2008 sẽ xuất khẩu khoảng 3,2 triệu tấn, sau đó xem xét tùy tình hình cụ thể bảo đảm an ninh lương thực, nhưng cũng sẽ không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu khi gạo đang có giá. Thực tế hiện nay theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hợp đồng đã ký mới là 2,8 triệu tấn, còn rất xa so với chỉ tiêu đó, nên gạo chắc chắn là không thiếu.
Thị trường TP Hồ Chí Minh đã hạ nhiệt
Trong hai ngày 26 và 27-4 ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, giá gạo tăng đột biến. Giá gạo thường từ 7.000 - 8.000 đồng lên 12.000 đồng/kg. Giá gạo ngon từ 11.000 đồng lên 14.000 đồng/kg. Gạo xuất khẩu 5% từ 16.000 đồng lên 22.000 đồng/kg. Trong khi vụ đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long vừa thu hoạch xong, lúa đầy sân, đầy kho, lượng gạo tồn kho trong dân và doanh nghiệp hơn 1,3 triệu tấn. Riêng các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tổng công ty lương thực miền nam có tới gần 500.000 tấn gạo trong các kho. Vì sao lại có chuyện ngược đời giá gạo tăng trong khi kho đầy hàng và xuất khẩu đang tạm ngưng?
Nguyên nhân không có nhiều, song chủ yếu do thông tin chưa đầy đủ về biến động gạo thế giới khiến nhiều doanh nghiệp trong cả nước, nhất là doanh nghiệp không chuyên lương thực xuất khẩu, dồn về miền tây thu mua gạo dự trữ phục vụ xuất khẩu. Các nhà máy xay xát gạo, tiểu thương miền tây và TP Hồ Chí Minh ghìm hàng không bán (chờ gạo tăng giá).
Ngay sáng 27-4, khi giá gạo có chiều hướng tăng, TP Hồ Chí Minh vừa báo cáo Chính phủ, vừa triển khai ngay các biện pháp tuyên truyền giải thích trên các phương tiện thông tin để nhân dân hiểu rằng, lượng gạo cung ứng cho thành phố không thiếu. Hỗ trợ thành phố, Tổng công ty Lương thực miền nam chỉ đạo các công ty lương thực TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An, Nhà máy xay xát Satake chuyển ngay 5.000 tấn gạo trong đó 2.000 tấn gạo đã về TP Hồ Chí Minh trong ngày 28-4, kéo giá gạo chợ Trần Chánh Chiếu từ 19.000 đồng xuống còn 14.000 đồng/kg, gạo thường từ 16.000 đồng xuống còn 13.000 đồng/kg.
Theo ông Phạm Hoàng Hà, Giám đốc Sở Thương mại TP Hồ Chí Minh lúc 8 giờ sáng 28-4, giá gạo bình quân giảm 2.000 đồng/kg và đến 10 giờ sáng giảm 6.000 đồng/kg. Ông Hà cũng cho biết, Sở đang kiến nghị với thành phố cho phép vận chuyển gạo về thành phố trong giờ cao điểm (trong hai ngày 26 và 27-4, do quy định cấm xe vận tải nặng vào thành phố, hơn nữa lại rơi đúng vào hai ngày nghỉ cuối tuần, nên nhiều cơ quan chức năng không làm việc, là một nguyên nhân đẩy giá gạo lên).
Nhằm hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh, đồng thời ổn định giá cả vùng, sáng 28-4, Tổng công ty lương thực miền nam đã họp và nghe các doanh nghiệp thành viên triển khai các biện pháp bình ổn giá gạo. Theo Giám đốc Công ty lương thực TP Hồ Chí Minh Dương Tú Trinh, Công ty đã dự trữ 12.000 tấn gạo, ngay trong sáng 28 đưa gạo đến tận các điểm, đại lý bán lẻ. Sẽ mở điểm bán ổn định cho các công ty, xí nghiệp, trong tháng 4 đến giữa tháng 5 và sẽ bán ra 6.000 tấn gạo.
Ông Lê Minh Nam, Giám đốc Công ty lương thực Tiền Giang cho biết, công ty thực hiện bán gạo ra trên địa bàn tỉnh từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối; giá gạo thường 10.000 đồng/kg. Dự định bán ra 250 tấn, nhưng mới bán được 50 tấn. Sức mua sáng 28-4 chậm. Hiện công ty dự trữ 46.000 tấn gạo sẵn sàng bán ra. Ðồng chí Trương Văn Ánh Giám đốc Công ty lương thực Long An cũng cho biết, ngay khi giá gạo ngày 27-4 tăng, công ty dồn dập bán ra với giá thấp hơn thị trường 5.000 - 7.000 đồng/kg. Hiện còn dự trữ 67.000 tấn gạo các loại.
Giám đốc Công ty lương thực Bạc Liêu Nguyễn Thanh Ngọc phản ánh: "Giá gạo tăng chủ yếu ở thị xã, Ghềnh Hào và Sông Ðốc, nhờ đẩy mạnh bán ra cũng như thông tin địa chỉ bán gạo và giá cả, nên giá sáng 28 không "nóng" như ngày 27-4. Tuy nhiên, do các nhà máy xay xát ở đây 1 tuần chỉ hai ngày có điện, nên ảnh hưởng đến chế biến gạo. Vụ đông xuân lúa chứa đầy kho, vụ hè thu tới, nếu điện cứ cắt giảm, thì rất khó khăn cho việc chế biến gạo thành phẩm. Hiện công ty còn 14.000 tấn gạo dự trữ".
Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty lương thực Ðồng Tháp phản ánh: "Giá gạo nóng ở Sa Ðéc, Cao Lãnh, Hồng Ngự vào sáng 27-4 chủ yếu do xe ở thành phố về thu gom nhất là ở các doanh nghiệp thuộc các KCN-KCX về mua gom. Ða số nông dân Ðồng Tháp không dự trữ gạo, vì vụ đông xuân trúng mùa lại chuẩn bị thu hoạch hè thu. Chiều 27, gạo đã trở lại giá cũ. Hiện Ðồng Tháp dự trữ 54.000 tấn". Giám đốc các Công ty XNK Kiên Giang, Lương thực Cần Thơ cũng cho biết, giá gạo ngày 26 bình thường, 27-4 vọt tăng gấp hai lần. Ở Phú Quốc (Kiên Giang), gạo tăng giá chủ yếu do giao thông cách trở. Giá gạo ở Trà Nóc, Cái Răng, Thái Lai tăng, song sáng 28-4 đã giảm. Cần Thơ hiện dự trữ 40.000 tấn gạo...".
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền nam: Giá gạo tăng trong hai ngày 26 - 27 tháng 4 chủ yếu do đầu cơ ghim hàng của cả chủ vựa, lẫn tiểu thương; thông tin biến động lúa gạo thế giới và Việt Nam chưa đầy đủ. Việt Nam không thiếu gạo và bảo đảm đủ cho tiêu dùng trong nước, an ninh lương thực và vẫn xuất khẩu trong năm 2008 từ 3,5 đến 4 triệu tấn gạo, tùy theo tình hình cụ thể. Vụ đông xuân này ÐBSCL đạt 9,4 triệu tấn lúa hàng hóa, tăng 300.000 tấn so với năm 2007. Tồn kho 1,2 triệu tấn gạo. Riêng các doanh nghiệp thành viên thuộc Tổng công ty (TCT) dự trữ 450.000 tấn. Từ nay đến cuối năm sẽ xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo. Vì vậy, TCT giao nhiệm vụ cho Công ty lương thực các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An và Nhà máy Xay xát Satake bảo đảm cung ứng kịp thời cho thị trường. Theo đó, quy định giá gạo cao nhất ở ÐBSCL là 11.000 đồng, ở TP Hồ Chí Minh là 13.000 đồng; các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ không quá 15.000 đồng/kg; Phú Quốc (Kiên Giang) không quá 12.000 đồng/kg. Giám đốc các công ty lương thực thành phố, tỉnh phải chịu trách nhiệm về nguồn hàng và giá cả ở địa phương, bảo đảm không để giá gạo có biến động và phải trực 24/24.
Các địa phương nỗ lực bình ổn giá gạo
Do tập trung đông người, lượng tiêu thụ lớn, nên giá gạo ở TP Lào Cai có tăng nhẹ. Tiếp theo là thị trấn Sa Pa, các khách sạn, nhà hàng dự trữ một số gạo chất lượng cao (như Séng Cù, Bắc Thơm, Tám xoan) để phục vụ khách du lịch trong dịp nghỉ 30-4 và 1-5 tới đây tham dự "Tuần văn hóa- du lịch Sa Pa 2008", nên giá gạo có nhích lên chút ít, không đáng kể. Còn ở các huyện như Bảo Yên, Bắc Hà, Văn Bàn, giá gạo bán ra vẫn ổn định, không có tăng giá. Riêng huyện biên giới Bát Xát, Mường Khương, giá gạo tẻ thông thường đã giảm 500 đồng, ở mức 7.500 đồng/kg.
Từ ngày 24 đến ngày 28-4, giá gạo trên các chợ Giếng Vuông, Ðông Kinh, chợ Chi Lăng, TP Lạng Sơn (Lạng Sơn) có tăng nhẹ 300-500 đồng/kg. Cụ thể như: giá gạo bao thai loại ngon, chất lượng cao từ 10 nghìn đồng/kg đến ngày 28-4 lên 10.500 đồng/kg, gạo nếp loại ngon từ 13.500 đồng/ kg lên 14.000 đồng/kg. Nhìn chung giá lương thực tăng nhẹ so với tuần trước, không có sự xáo trộn lớn.
Trong ba ngày vừa qua, giá lương thực trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tăng mạnh và chủ yếu là giá gạo. Những nơi giá tăng cao là thị xã Tuyên Quang và huyện Yên Sơn, Sơn Dương. Cụ thể gạo tám Thái Bình, Hải Dương tăng từ 10.000đồng/kg lên 16.000đồng/kg; gạo miền trung tăng từ 6.000 lên 9.500đồng/kg; gạo Dương vũ Long An tăng từ 9.000 đồng lên 13.000đồng/kg. Các loại gạo sản xuất tại tỉnh cũng có mức tăng từ 4 đến 6 nghìn đồng/kg. Sở Công thương tỉnh đang tiến hành các biện pháp chỉ đạo quyết liệt nhằm tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá để bảo đảm sớm bình ổn thị trường.
Giá gạo trên thị trường Hà Nội ngày 28-4 có xu hướng tăng so với ngày 27-4, trung bình mỗi kg tăng 1-2 nghìn đồng. Một số người bán hàng cho biết, cửa hàng liên tục nhận được điện thoại từ các đại lý thông báo về việc tăng giá gạo nguyên liệu. Sau ngày 27-4, nhiều người tìm mua gạo, khiến thị trường bị "cháy" hàng, nhiều cửa hàng đóng cửa sớm, nhưng ngày 28-4, lượng người mua đã giảm đi nhiều.
Thị trường gạo tại Nam Ðịnh chiều 28-4 tăng giá đột biến. Qua khảo sát tại một vài của hàng, đại lý phân phối gạo trên địa bàn thành phố Nam Ðịnh chiều 28-4 cho thấy, tại đại lý bán buôn, bán lẻ gạo lớn phố Hàng Dầu giá gạo Bắc thơm lên tới 13.500 đồng/kg, còn gạo tám Thái 20.000 đồng/kg... Với giá cả gạo trên thị trường Nam Ðịnh tăng cao như hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tổ chức các đoàn kiểm tra tại các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối, các cửa hàng lương thực để chấn chỉnh kịp thời việc tăng giá không bình thường nêu trên.
Tại Nghệ An, trong hai ngày 26 và 27-4, giá gạo tăng mạnh, hầu hết gạo ngon miền nam trước có giá 9.200 đồng/kg nay tăng lên từ 12 đến 15 nghìn đồng/kg, gạo quê thường 11-15 nghìn đồng/kg. Ðến ngày 28-4, tại thị trường TP Vinh giá gạo đã có dấu hiệu giảm. UBND tỉnh đã giao cho ngành quản lý thị trường và một số ngành chức năng tăng cường kiểm tra để sớm bình ổn giá và xử phạt những kẻ đầu cơ trục lợi.
Ðể kiểm soát giá gạo trên thị trường, UBND thành phố Huế đã chỉ đạo Chi cục thuế thành phố tăng cường giám sát tại các điểm bán gạo giá cao để tăng mức thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Ðồng thời, cũng đã phối hợp Chi cục quản lý thị trường tiến hành kiểm tra tại các điểm kinh doanh. Hiện các điểm bán gạo ở Huế đang niêm yết giá cao hơn mức bình thường 5.000-7.000 đồng/kg.
Nhằm nhanh chóng bình ổn giá gạo, từ 14 giờ ngày 28-4, Công ty Cổ phần lương thực tổ chức năm điểm bán gạo tại các chợ chính của Ðà Nẵng. Giá gạo bán ra chỉ 9.500 đồng/kg và bán không hạn chế. Ðội Quản lý thị trường Ðà Nẵng tăng cường kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ nhằm ngăn chặn các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá gạo, phát hiện các đối tượng phao tin thiếu gạo. Kiên quyết áp dụng các biện pháp mạnh đối với các đối tượng vi phạm, như thu hồi lượng gạo dự trữ không rõ nguồn gốc, bất minh; thu hồi giấy phép kinh doanh và có thể áp dụng các biện pháp hình sự nếu cố tình vi phạm.
Thị trường gạo ở Quảng Ngãi sau hai ngày (26 và 27-4) tăng giá đột biến thì đến chiều 28-4 đã bình ổn trở lại. Hầu hết các đại lý và các quầy bán gạo đã mở cửa hoạt động bình thường. Theo số liệu báo cáo nhanh của Sở Công thương Quảng Ngãi thì hiện nay giá gạo trên địa bàn tỉnh đã "hạ nhiệt", với gạo thơm Sài Gòn 15.000đồng/kg trong ngày 27 thì nay chỉ còn dưới 11.000 đồng/kg; còn gạo địa phương giá chỉ còn 8.000/kg (giảm 4.000 đồng/kg)...
Trong ngày 27-4, tại thị xã Tây Ninh, huyện Hòa Thành và nhiều nơi khác trong tỉnh Tây Ninh giá gạo bắt đầu tăng đột biến. Sáng 28-4, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành ra quân đồng loạt kiểm tra các kho chứa lúa, gạo, các nhà máy xay xát lúa, yêu cầu hoạt động không để xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ. UBND tỉnh cũng chỉ thị cho Công an tỉnh điều tra, xử lý nghiêm những trường hợp đầu cơ và nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh lương thực mua vét, đầu cơ lúa, gạo. Cùng ngày, giá gạo tại các chợ và cửa hàng bán lẻ đã giảm 1-3 nghìn đồng/kg.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá gạo, sáng 28-4, Công ty Xuất nhập khẩu và Lương thực Trà Vinh đã tổ chức bốn điểm bán gạo lẻ trên địa bàn tỉnh. Tại thị xã Trà Vinh hai điểm, một điểm tại huyện Duyên Hải và một điểm tại huyện Càng Long, đây là những địa bàn hiện nay giá gạo đang tăng mạnh. Theo Công ty Xuất nhập khẩu và Lương thực Trà Vinh, công ty đủ khả năng đáp ứng nhu cầu gạo ăn cho toàn thể cán bộ, công chức, công nhân, người lao động. Giá bán gạo hiện nay của công ty là 11.000 đồng
Ý kiến bạn đọc