Chỗ dựa tin cậy cho nạn nhân chất độc da cam
(HGĐT)- Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đang trên đường đổi mới nhưng đâu đó trên những làng quê, thành phố vẫn còn lay lắt những mảnh đời đau khổ cả về thể chất lẫn tinh thần do chất độc màu da cam/đioxin gây ra.
Lãnh đạo Tỉnh hội thăm hỏi gia đình đối tượng Lù Sào Kinh tại xã Thèn Phàng (Xín Mần). Ảnh: Tạ Xuân Lếch |
Để phần nào giảm bớt nỗi đau đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin được thành lập và trở thành niềm vui, niềm hy vọng, là chỗ dựa tinh thần của các hội viên.
Từ khi ra đời đến nay (29.9.2005), Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin tỉnh đã hoạt động hết mình và đạt được những kết quả đáng mừng. Khimới thành lập, Hội chỉ có 280 hội viên, đến nay, sau hơn 2 năm hoạt động đã có 6 đơn vị Đại hội thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/đioxin cấp huyện, thị là: Thị xã Hà Giang, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên và Quang Bình với tổng số hơn 1.666 hội viên. Trong tổng số hội viên này có 80% là các nạn nhân nhiễm chất độc da cam, 20 % là cán bộ các ngành, đơn vị tự nguyện gia nhập hội để góp phần quan tâm, chăm sóc nạn nhân. Nạn nhân chất độc da cam/đioxin và gia đình họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, hầu hết họ là những người sức khỏe yếu, luôn luôn ốm đau, con cái bị dị dạng, dị tật không thể tham gia lao động, sản xuất. Hiện nay số nạn nhân được hưởng trợ cấp ở tỉnh ta có gần 1.000 người. Tuy được hưởng trợ cấp nhưng cũng chỉ phần nào giúp đỡ họ bớt đi vô vàn những khó khăn trong cuộc sống. Những nạn nhân nhiễm chất động da cam vẫn rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội và cộng đồng.
Gặp ông Triệu Đức Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin tỉnh, được biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như quỹ hội hạn chế, thiếu trụ sở, thiếu biên chế và các phương tiện hoạt động... nhưng BCH Tỉnh hội đã tích cực phối hợp với các Hội cơ sở chăm lo đến đời sống và quyền lợi của hội viên. Thời gian qua, hội đã thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ tết, thăm những nạn nhân ốm đau phải điều trị tại bệnh việnđược 563 người với số tiền 44.700.000 đồng; hỗ trợ làm và sửa nhà cho 31 người trị giá 206.000.000 đồng; hỗ trợ khám, chữa bệnh và hỗ trợ về kinh tế cho 153 người với tổng số tiền 370.600.000 đồng...
Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin ra đời từ T.Ư đến địa phương không những để phục vụ cho vụ kiện 37 công ty hóa chất Hoa Kỳ mà còn đáp ứng lòng mong mỏi, niềm hy vọng của các nạn nhân chất độc da cam. Hội đã thực sự trở thành một tổ chức đại diện cho các nạn nhân, là chỗ dựa và bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân được Nhà nước quy định và thừa nhận. Hội đã tổ chức lấy được 8.897 chữ ký ủng hộ vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc hóa học sử dụng trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam; tổ chức phản đối phán quyết sai trái của Toà Phúc thẩm Hoa Kỳ về vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Theo Nghị định số 54 của Chính phủ, ban hành ngày 26.5.2006, trong khoản 2, điều 22 quy định những nạn nhân phải có con dị dạng, dị tật mới được hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Theo Nghị định này ở tỉnh ta có khoảng 500 người bị cắt chế độ vì không có con bị dị dạng, di tật. Để bảo vệ quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam gặp trường hợp trên, Hội đã có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Hà Giang, T.Ư Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam phản ánh với Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ xem xét, sửa đổi điều, khoản trên của Nghị định số 54 cho các trường hợp: Cựu chiến binh có bệnh do chất độc da cam gây ra nhưng con không bị dị dạng, dị tật; người mẹ nuôi con dị dạng, di tật; thế hệ thứ 3 của nạn nhân bị dị dạng, dị tật... được hưởng chế độ trợ cấp của nạn nhân chất độc da cam. Năm 2007, Hội đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh tiến hành rà soát các đối tượng nghi nhiễm chất độc da cam trong toàn tỉnh chưa được hưởng chế độ. Theo kết quả rà soát ở 7 huyện, 74 xã trong tỉnh có 633 đối tượng cần được lập hồ sơ khám, giám định làm thủ tục xét trợ cấp. Tỉnh hội cũng đã tranh thủ sự giúp đỡ của Sở Y tế, Quỹ Toàn cầu phòng, chống sốt rét, Hội CTĐ... tìm nguồn hỗ trợ từ các tổ chức này cho nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh.
Những gì mà Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin các cấp tỉnh Hà Giang đang làm, đã làm thực sự mang lại niềm tin, hy vọng cho các nạn nhân chất độc da cam. Hơn ai hết, họ hiểu rằng Hội luôn ủng hộ, giúp đỡ, là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy nâng đỡ họ vượt qua những khó khăn, thử thách của bệnh tật và cuộc cống đời thường để vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Ý kiến bạn đọc