Thăm, làm việc tại Lai Châu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Phát triển kinh tế - xã hội phải chú trọng xóa đói, giảm nghèo
Chiều 20-3, phát biểu với lãnh đạo chủ chốt tỉnhLai Châu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lưu ý, trong phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Lai Châu phải chú trọng kết hợp giải quyết các vấn đề bức xúc như xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số ít người.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh chiều 20-3, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vui mừng thấy Lai Châu phát triển khá nhanh và tương đối toàn diện, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Kể từ khi tái lập tỉnh hồi đầu năm 2004, tốc độ tăng GDP của Lai Châu luôn đạt hơn 10%, trong đó GDP năm 2007 đạt 15,5%; GDP bình quân đầu người hiện ở mức 4,8 triệu đồng (Năm 2003 chỉ đạt 2,1 triệu đồng); tỷ lệ nghèo còn 43,5%, trong khi lúc tái lập tỉnh là khoảng 65%.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng chia sẻ với những khó khăn mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đang ra sức khắc phục, như thiếu cán bộ, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế... còn yếu. Các yếu tố này đã hạn chế sức thu hút đầu tư và ảnh hưởng tốc độ phát triển của tỉnh.
Chủ tịch nước góp ý, là một tỉnh mới tái lập, Lai Châu cần đặt lên hàng đầu công tác quy hoạch. Phải nhìn toàn diện, từ xây dựng các thị trấn, thị xã mà sau này sẽ trở thành thành phố, đến quy hoạch hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng... Giao thông đang là vấn đề vướng mắc nhất, tỉnh cần có cơ chế, chính sách huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế trong lĩnh vực này. Ðồng vốn bây giờ không phải là điều trở ngại nữa, điều cần thiết nhất là phải có chính sách phù hợp, đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng cho rằng, Lai Châu cần tập trung vào bài toán "cây, con" để đi lên từ chính tiềm năng của mình, như phát huy hiệu quả loại cây chủ lực truyền thống của tỉnh là cây chè, đồng thời mở rộng diện tích trồng cây cao-su cho hiệu quả kinh tế cao, phát triển chăn nuôi đại gia súc. Dựa vào cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng để khai thác tối đa kinh tế cửa khẩu, bởi có giao thương tốt thì thu ngân sách cao, từ đó mới có thể phát triển.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, kinh tế cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đối với các tỉnh giáp biên giới như Lai Châu. Thủy điện cũng là một lĩnh vực cần khai thác hết lợi thế, bởi Lai Châu có tiềm năng thủy điện trên 2.000 MW nhờ diện tích lưu vực lớn, mạng lưới sông suối dày, độ dốc cao.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lưu ý, trong phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Lai Châu phải chú trọng kết hợp giải quyết các vấn đề bức xúc như xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số ít người. Yêu cầu trước hết là Ðảng bộ và Chính quyền các cấp phải tập trung chăm lo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc; tuyên truyền giáo dục nhân dân đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, vững tin vào sự lãnh đạo của Ðảng, vận động đồng bào cho con em đến trường. Lai Châu cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xóa đói, giảm nghèo. Thành tích những năm qua là khá ấn tượng, nhưng tỷ lệ nghèo của Lai Châu vẫn còn cao so với mặt bằng chung của khu vực Tây Bắc (33%).
Về lĩnh vực cải cách tư pháp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao ngành tư pháp tỉnh đã phối hợp tốt trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, qua đó hạn chế tối đa trường hợp án oan sai, lọt tội. Việc tổ chức tranh tụng tại tòa là một cố gắng lớn đối với một tỉnh mới tái lập và điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn như tỉnh Lai Châu. Chủ tịch nước mong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu và tôn trọng pháp luật, bởi có rất nhiều người phạm tội do không am hiểu pháp luật, dễ bị lợi dụng.
Trước đó, chiều 19-3, tới thăm Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu (thị xã Lai Châu). Nói chuyện với các em học sinh, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đất nước có 54 dân tộc, sinh sống ở khắp các vùng, miền trên cả nước, có nhiều khu vực điều kiện sinh hoạt, giáo dục rất khó khăn. Chủ trương mở trường dân tộc nội trú là mong các em có cơ hội tiếp cận tri thức, được bước vào ngưỡng cửa đại học để từ đó đồng bào các dân tộc có trình độ đồng đều. Chủ tịch nước mong các em học sinh không ngừng nỗ lực học tập, tu dưỡng, rèn luyện để sau này trở thành những công dân vừa có đức, vừa có tài, đóng góp hữu ích vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.