Phong trào thi đua “Lao động giỏi” đã khơi dậy, phát huy lòng say mê, tính sáng tạo của cán bộ, CNVC-LĐ
(HGĐT)- Nhân dịp Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Lao động giỏi” trong cán bộ, CNVC- LĐ giai đoạn 2003-2007, phóng viên Báo Hà Giang có cuộc trao đổi với đồng chí Ấu Xuân Chiểu, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.
Những năm qua, đặc biệt từ năm 2003 đến nay, trong điều kiện là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thử thách, song trên tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang giành được những kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân có bước cải thiện đáng kể... Hà Giang đang vững vàng phát triển đi lên trong sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập Quốc tế. Trong thành tích chung đó, có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, CNVC-LĐ thông qua phong trào thi đua “Lao động giỏi”.
Thực hiện Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh, những năm qua các cấp chính quyền và Công đoàn đã tổ chức xây dựng phong trào thi đua “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo – Vượt khó đi lên” thu hút hàng vạn cán bộ, CNVC-LĐ hăng hái, nhiệt tình hưởng ứng, từ đó phát huy vai trò tiên phong, tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt khó đi lên, xây dựng con người mới XHCN, hạn chế, đẩy lùi cái ác, cái tiêu cực, lạc hậu trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên tất cả các lĩnh vực.
Đạt những thành tích như ngày hôm nay, có sự lãnh, chỉ đạo sát sao, sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đặc biệt là sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân trong tỉnh, sự đóng góp tích cực của phong trào thi đua “Lao động giỏi”. Có thể khẳng định: Phong trào đã khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm của giai cấp công nhân, phát huy tài năng sáng tạo, sự say mê nhiệt tình của hàng vạn bàn tay, khối óc của cán bộ, CCVC các cấp, các ngành, của công nhân lao động trên các công trường, nhà máy, của đội ngũ cán bộ giáo viên các cấp học, ngành học, của đội ngũ y, bác sỹ đang bám trụ tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa... tất cả họ đều đang cố gắng vượt lên những khó khăn, tích cực, hăng say trong công tác lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Ghi nhận những thành tích của các phong trào thi đua yêu nước nói chung và phong trào thi đua “Lao động giỏi ” nói riêng, 5 năm qua, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho 9 tập thể, 3 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Ba cho 26 tập thể, 48 cá nhân; Chính phủ tặng Cờ thi đua cho 17 tập thể, tặng Bằng khen cho 33 tập thể, 75 cá nhân; Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Cờ thi đua cho 10 tập thể, tặng Bằng khen cho 25 tập thể, 49 cá nhân; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 2.798 tập thể, 4.698 cá nhân, công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cho 1.383 tập thể, danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cho 949 cá nhân; LĐLĐ tỉnh tặng Cờ thi đua cho 75 tập thể, tặng Bằng khen cho 679 tập thể, 1.562 cá nhân.
Từ những kết quả trên, LĐLĐ tỉnh rút ra những bài học kinh nghiệm gì cho giai đoạn tiếp theo?
Từ thực tiễn công tác tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua những năm qua, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm: Cần tiếp tục quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua-khen thưởng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, CNVC-LĐ về vai trò quan trọng của công tác thi đua-khen thưởng trong tình hình mới. Phải xác định rõ đối với nhận thức của cán bộ các cấp: “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”. Tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp đồng bộ của chính quyền và các đoàn thể, phát huy tốt vai trò của Công đoàn trong việc tổ chức phong trào thi đua mà tuyên truyền, vận động cán bộ, CNVC-LĐ với lòng yêu nước và trách nhiệm của giai cấp tiên phong để hăng hái hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi”. Phát huy và chấn chỉnh việc tổ chức phong trào thi đua theo các cụm, khối giao ước thi đua; nội dung thi đua phải phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng cấp, từng ngành và từng cơ quan, đơn vị; nhằm mục tiêu chung là hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua-khen thưởng các cấp. Tổ chức sơ kết, tổng kết hàng năm; phát hiện và xây dựng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để nhân diện rộng; công tác khen thưởng phải kịp thời để động viên và khích lệ phong trào, chống tư tưởng bình quân và bệnh thành tích trong khen thưởng thi đua...
Đồng chí cho biết phương hướng, nhiệm vụ của phong trào thi đua “Lao động giỏi” giai đoạn 2008 - 2012?
Đất nước ta đã hội nhập vào nền kinh tế Quốc tế, là thành viên chính thức của tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước để nâng cao trình độ mọi mặt về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, về KHCN để có thể tận dụng tốt thời cơ, vững vàng vượt qua thách thức, hoàn thành các mục tiêu thực hiện CNH-HĐH của tỉnh, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Để hoàn thành tốt mục tiêu các cấp chính quyền, tổ chức Công đoàn và mỗi cán bộ, CNVC-LĐ cần tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “ Lao động giỏi ”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn ở từng người, từng vị trí công tác. Đối với các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần cụ thể hoá thành các phong trào với tên gọi riêng cho phù hợp, động viên cán bộ, CNVC-LĐ phát huy hơn nữa những tri thức khoa học áp dụng vào thực tế công tác, sản xuất nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội X Công đoàn Việt Nam, chào mừng Đại hội XV Đảng bộ tỉnh; vì mục tiêu “Dân giàu, nướcmạnh, xã hội công bằng, dân chủ,văn minh ”, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang.
Xin cám ơn đồng chí!