Điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát năm 2008
Tại phiên họp thường kỳ tháng 3-2008, Thủ tướng đề nghị tập trung ưu tiên kiểm soát lạm phát ở mức tương đương, hoặc thấp hơn năm 2007, và nhất trí với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế năm 2008.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận ngày thảo luận đầu tiên của Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2008 - Ảnh: Website Chính phủ |
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch quý I-2008, ngay từ đầu năm đã xuất hiện những khó khăn. Kinh tế Mỹ suy giảm kéo theo sự suy giảm của toàn bộ nền kinh tế thế giới (nhiều nước đã phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế); đồng USD mất giá, giá cả thế giới tăng cao; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp... đã tác động nhiều đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Chính vì vậy, tại phiên họp này, Chính phủ đã dành trọn ngày đầu tiên để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và Quý I, đề ra những giải pháp để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước những tháng tiếp theo.
Các báo cáo: tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư; tình hình hoạt động ngành Công nghiệp và Thương mại của Bộ Công thương; tình hình sản xuất nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tình hình tài chính, tiền tệ, tín dụng và điều hành vĩ mô của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cho thấy: Về tăng trưởng kinh tế quý I, tuy vẫn giữ được mức tăng trưởng khá (ước đạt 7,4%), nhưng thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra và thấp hơn tốc độ tăng trưởng quý I-2007 (7,7%). Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 8,1%, thấp hơn nhiều so quý I-2007 (9,1%).
Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 9,19% so với tháng 12-2007. Chỉ số giá Vàng tăng 18,46%, trong khi đó chỉ số tỷ giá VNÐ so với USD lại giảm 1,88%. Thị trường chứng khoán hoạt động không ổn định, chỉ số VN-Index xuống còn 521 điểm (ngày 24-3), giảm hơn 50% so với mức cao nhất đã đạt được trong năm 2007. Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bị đẩy lên cao, gây nhiều khó khăn cho đời sống nhân dân. Nhập siêu tiếp tục tăng cao, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu gấp 2,7 lần tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu.
Sau khi phân tích kỹ những nguyên nhân khách quan và chủ quan của tình hình; dự báo về khả năng tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước, các thành viên Chính phủ đã thống nhất kiến nghị điều chỉnh một số mục tiêu kế hoạch đã đề ra trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch năm 2008 sẽ là: Ưu tiên cho việc chống lạm phát, giữ vững ổn định chính trị, xã hội và đời sống nhân dân, duy trì tiềm năng phát triển của đất nước ở mức hợp lý; chuẩn bị cho sự phát triển cao hơn trong những năm sau.
Ðể thực hiện được mục tiêu này, nhất là việc kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã thống nhất tập trung vào tám giải pháp chủ yếu để chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới:
Một là, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động và linh hoạt, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm huy động các nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế.
Hai là, phấn đấu tăng thu, thắt chặt chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, hạn chế bội chi Ngân sách Nhà nước.
Ba là, bảo đảm cân đối cung cầu đối với các loại vật tư quan trọng như: Xăng dầu, điện, xi-măng, sắt thép, phân bón, thuốc trừ sâu và hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thuốc chữa bệnh...
Bốn là, tăng cường các biện pháp quản lý thị trường giá cả, tổ chức tốt thương mại trong nước, nhất là mạng lưới tiêu thụ, đại lý... kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá các sản phẩm độc quyền.
Năm là, đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu.
Sáu là, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm cho đầu tư và sản xuất kinh doanh phát triển ổn định.
Bảy là, tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách để hỗ trợ cho người nghèo bị thiệt hại do thiên tai và do việc đột biến tăng giá trong thời gian vừa qua gây ra.
Tám là, tạo ra sự thống nhất, nhất trí cao trong toàn bộ hệ thống chính trị trong toàn Ðảng, toàn dân để thực hiện các mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Phát biểu ý kiến kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí với đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội mà các bộ và các thành viên Chính phủ đã nêu tại cuộc họp.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới mà nền kinh tế nước ta lại đang hội nhập sâu, phải thấy rằng chúng ta có nhiều cố gắng lớn. Ngay từ đầu năm Chính phủ đã đề ra những giải pháp quyết liệt để kiềm chế lạm phát. Những biện pháp đó đã phần nào phát huy tác dụng. Tháng 3, mặc dù phải điều chỉnh tăng giá xăng dầu rất lớn nhưng đã kiềm chế được tỷ lệ lạm phát không cao hơn tháng 2. Trong khó khăn, Chính phủ cũng đã quan tâm chăm lo đời sống cho nhân dân, đề ra những chính sách hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế quý I thấp hơn cùng kỳ năm trước và có dấu hiệu giảm là đáng lo ngại. Việc giảm kim ngạch xuất khẩu trong tháng 3; lạm phát tăng cao; thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh và nhập siêu cao đang đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Về mặt xã hội, nhìn chung vẫn giữ được ổn định, nhưng cũng đã xuất hiện tâm tư, lo lắng về lạm phát tăng cao, mức tăng trưởng kinh tế và đời sống giảm là điều hết sức lưu ý.
Về dự báo, do kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vì vậy ảnh hưởng kinh tế thế giới rất lớn. Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới dự báo kinh tế thế giới phục hồi phải đến năm 2009, giá cả hàng hóa thế giới cũng khó có khả năng giảm. Do những khó khăn cả chủ quan và khách quan tác động, cho nên khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát nêu ra từ đầu năm là rất khó khăn, việc điều chỉnh mục tiêu là cần thiết.
Thủ tướng đề nghị, về kinh tế tập trung ưu tiên kiểm soát lạm phát ở mức tương đương, hoặc thấp hơn năm 2007, nhất trí như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế năm 2008.
Về xã hội, cần tập trung bảo đảm an sinh xã hội làm cơ sở cho ổn định và phát triển kinh tế đất nước.
Thủ tướng thống nhất tám giải pháp mà Chính phủ đã thảo luận, trong đó nhấn mạnh: Thắt chặt chính sách tiền tệ theo hướng kinh tế thị trường có sự kiểm soát của nhà nước, làm tốt nhiệm vụ kiểm soát lạm phát; thắt chặt chi tiêu, giảm đầu tư công trong toàn hệ thống chính trị, phấn đấu giảm bội chi ngân sách, tập trung vốn cho những công trình sắp hoàn thành, kiên quyết rà soát và dừng đầu tư những công trình kém hiệu quả, lãng phí; kêu gọi toàn dân tiết kiệm tiêu dùng; các bộ, ngành địa phương hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp Nhà nước phải cân đối đủ những mặt hàng chiến lược, thiết yếu, tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá cả, trước mắt chưa tăng giá than và điện, tiếp tục bù lỗ giá dầu.
Ðồng thời, tăng cường xuất khẩu để giảm nhập siêu và kiên quyết thực hiện những giải pháp kiểm soát nhập siêu; tích cực tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; rà soát và tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp; có cơ chế về cung cấp thông tin để nhân dân nhận thức đúng tình hình, động viên các tầng lớp nhân dân chung sức chung lòng để vượt qua khó khăn.
Phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ còn tiếp tục đến ngày 27-3.