Khai mạc Hội nghị quốc tế về kinh tế đối ngoại 2008
08:55, 09/01/2008
Sáng 8-1, Hội nghị quốc tế về kinh tế đối ngoại 2008, với chủ đề "Việt Nam - Ngôi sao đang lên ở châu Á", do Tạp chí Nhà kinh tế của Anh phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức, khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.
Chủ tịch, Tổng giám đốc, đại diện của hơn 70 tập đoàn xuyên quốc gia, công ty lớn trên thế giới; đại diện các tổ chức nước ngoài tại Hà Nội; cùng đông đảo đại diện doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về các vấn đề liên quan chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam.
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Trong hơn 20 năm thực hiện chính sách đổi mới, nền kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7,5%/năm; trong ba năm 2005, 2006 và 2007 đạt hơn 8,0%; dự kiến năm 2008 đạt 8,5%- 9%. Xuất khẩu đạt mức tăng bình quân 18%/năm, riêng ba năm gần đây tăng khoảng 22%/năm.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Bình quân GDP đầu người năm 2007 tăng khoảng 10 lần so với năm 1988; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 15%. Các lĩnh vực văn hóa xã hội đều có những chuyển biến tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Vai trò vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Việt Nam đang là một nền kinh tế thị trường năng động, có nhiều triển vọng phát triển, được sự quan tâm cao của các nhà tài trợ. Hơn 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đã cấp nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam với mức cam kết năm sau cao hơn năm trước, tổng cộng hơn 42 tỷ USD.
Tại Hội nghị, các nhà tài trợ tháng 12-2007, số vốn ODA cam kết là 5,4 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Ðến cuối năm 2007 đã có 9.500 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với số vốn đăng ký hơn 100 tỷ USD.
Thủ tướng cho rằng, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển có thu nhập thấp và phải đối mặt những khó khăn, thách thức rất lớn, trong đó nổi lên là chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp; tuy vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng giá cả năm 2007 tăng khá cao, kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc; cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, làm hạn chế khả năng hấp thụ nhanh các nguồn vốn; cải cách hành chính và chống tham nhũng đã có kết quả tích cực nhưng còn phiền hà, vướng mắc; đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai còn khó khăn; nạn ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và một số vấn đề xã hội khác đang là vấn đề bức xúc. Những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới và biến động bất thường của khí hậu, thiên tai cũng là thách thức lớn với Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định năm trọng tâm công tác là: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức cao là 9% cùng với thực hiện tốt các mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ và cải thiện môi trường; cải thiện đời sống nhân dân, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 11% - 12%; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội và đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.
* Tại cuộc trao đổi ý kiến ngay sau phiên khai mạc, Thủ tướng đã đối thoại với đại diện các tập đoàn lớn trên thế giới về các lĩnh vực mà các nhà đầu tư đang quan tâm, nổi bật là hạ tầng viễn thông, thiết bị điện, hạ tầng giao thông và đào tạo nguồn nhân lực, chống tham nhũng... Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng là nhu cầu lớn cho phát triển hiện nay, đặc biệt là hạ tầng giao thông, gồm đường bộ, đường sắt cao tốc, tàu điện ngầm, hàng không, cảng biển...
Chính phủ cam kết bảo đảm đủ điện năng cho phát triển, đồng thời thực hiện tiết kiệm điện, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Về phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ vừa trực tiếp đầu tư, vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển. Thủ tướng cho biết, tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh và thuận lợi, sẽ cơ bản được hoàn thành trong năm 2008 và 2009, theo nguyên tắc thị trường, khuyến khích đầu tư nước ngoài. Về chống tham nhũng, Thủ tướng khẳng định, công tác chống tham nhũng thời gian qua đã đạt những thành tựu bước đầu, được nhân dân ghi nhận và ủng hộ; Chính phủ cam kết tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng trên tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục và đồng bộ các giải pháp...
* Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì phiên đối thoại với các doanh nghiệp. Phó Thủ tướng khẳng định: Việt Nam coi trọng vai trò của các đối tác, đặc biệt là các thiết chế quốc tế và các doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam xác định việc thực hiện nghiêm túc các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là tiêu chuẩn để cải cách và đổi mới chính sách, luật pháp phù hợp luật lệ và quy định quốc tế, giảm thiểu chi phí giao dịch và tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vai trò của doanh nghiệp nước ngoài không chỉ tạo việc làm, chuyển giao công nghệ và vốn, tiếp cận thị trường thế giới và trình độ quản lý tiên tiến, mà còn chia sẻ ý tưởng mới để Việt Nam tiếp thu có chọn lọc cho sự phát triển của đất nước, phù hợp xu thế thời đại.
* Chiều cùng ngày, Hội nghị giao lưu doanh nghiệp giữa đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam và quốc tế được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về kinh tế đối ngoại. Các đại biểu chia thành năm nhóm thảo luận, trao đổi ý kiến trực tiếp về các vấn đề: đầu tư bất động sản, chế tạo máy, tài chính, du lịch, cơ sở hạ tầng, nhằm làm sáng tỏ năm chủ đề: Cuộc sống hiện đại mang sắc thái Việt Nam; Trung tâm công nghiệp và thương mại toàn cầu; Xu hướng phát triển của thị trường tài chính Việt Nam; Trẩy hội du lịch phương Ðông; Thúc đẩy Việt Nam đi lên trong thế kỷ 21. Ðây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và quảng bá thương hiệu, góp phần tăng cường vị thế đất nước trên trường quốc tế, đồng thời là dịp để các doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu sâu hơn môi trường kinh doanh ở Việt Nam, qua đó củng cố và tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài yên tâm làm ăn lâu dài và hiệu quả tại Việt Nam.
Nhân dân
Ý kiến bạn đọc