Đồng chí K’sor Phước, ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch HĐDT Quốc hội làm việc tại Hà Giang
(HGĐT)- Trong các ngày từ 4-6.1, đồng chí K’sor Phước, ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch HĐDT Quốc hội lên thăm và làm việc tại tỉnh ta về việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc, trọng tâm kết quả thực hiện Chương trình 134, 135 (giai đoạn II).
Đồng chí K’sor Phước (người đứng thứ 3 hàng đầu từ trái sang) thăm trường Mầm non xã Lao Và Chải (Yên Minh).
|
Cùng đi có đồng chí Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch HĐDT Quốc hội, ĐBQH khóa XII tỉnh Hà Giang và các thành viên HĐDT Quốc hội. Sau khi kiểm tra thực tế tại huyện Quản Bạ, Yên Minh và 2 xã Thanh Vân (Quản Bạ), Lao Và Chải (Yên Minh), đoàn có buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Dự buổi làm việc có đồng chí Hoàng Minh Nhất, ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XII tỉnh; Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Bình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Báo cáo của UBND tỉnh nêu rõ: Việc triển khai các chính sách dân tộc, Chương trình 134, 135 trên địa bàn tỉnh có tác động sâu sắc, tạo chuyển biến lớn trong đời sống nhân dân. Hệ thống trường PTDT Nội trú phát triển từ tỉnh đến huyện với 13 trường, trong đó có 8 trường PTDT Nội trú cấp huyện, 2 trường cụm xã, 2 trường miền và 1 trường PTDT Nội trú tỉnh. Đối với Chương trình 134, từ năm 2005-2007, tổng vốn kế hoạch giao 122 tỷ đồng thực hiện các mục tiêu hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, bể nước sinh hoạt gia đình, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Chương trình 135 giai đoạn II, Hà Giang có 114 xã được thụ hưởng với tổng vốn giao trên 191,4 tỷ đồng. Trong đó, năm 2007 tổng vốn Chương trình 135 giai đoạn II được giao gần 143 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo, tập huấn cán bộ xã, hỗ trợ phát triển sản xuất. Kết thúc năm 2007, tổng giá trị thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng đạt 132 tỷ đồng, mở được 488 lớp với trên 22 nghìn lượt người tham gia và 27.120 hộ được hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất. Tổng giá trị khối lượng thực hiện 161,772 tỷ đồng, đạt 113% vốn kế hoạch năm.
Để thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc, tỉnh kiến nghị T.Ư tăng cường, bổ sung nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hàng năm, xây dựng thêm phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, các phòng đa chức năng, phòng học vi tính cho các trường PTDT Nội trú; tăng chỉ tiêu hàng năm đối với học sinh cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; bổ sung cơ chế, chính sách từ hệ thống các trường PTDT Nội trú đến hệ thống nội trú dân nuôi để phát triển giáo dục vùng dân tộc miền núi phù hợp với xu thế hiện nay. Cho phép tỉnh điều chuyển kinh phí từ mục tiêu hỗ trợ đất sản xuất, bể nước sinh hoạt phân tán sang hỗ trợ xóa nhà tạm cho 4.247 hộ dân, xem xét, bổ sung thêm kinh phí cho các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung có mức vốn đầu tư cao hơn mức dự toán trong đề án rà soát. Đề nghị T.Ư có cơ chế riêng trong công tác giải ngân, thanh quyết toán vốn, giao bổ sung kế hoạch vốn 2 năm 2007-2008 với tổng số tiền trên 164,3 tỷ đồng, bổ sung vốn để thanh toán cho các hạng mục công trình đã được đầu tư còn thiếu vốn tại các xã hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn I…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí K’sor Phước biểu dương kết quả thực hiện các chính sách dân tộc và Chương trình 134, 135 trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Các chính sách dân tộc được thực hiện tốt sẽ giúp đồng bào vùng khó khăn yên tâm trong cuộc sống và thêm tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Việc thực hiện các chính sách, chương trình dự án do T.Ư đầu tư trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm mới, mang tính sáng tạo, hiệu quả, có thể nhân ra diện rộng ở các vùng miền trên địa bàn cả nước. Cụ thể, việc thực hiện Chương trình 134 với mục tiêu hỗ trợ người dân làm nhà ở, Hà Giang đã huy động tốt tính tương trợ của cộng đồng. Tỉnh đã phân cấp mạnh đến huyện, xã việc thực hiện các chương trình dự án. Từ những kết quả thực tế của việc triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang, HĐDT Quốc hội sẽ có những đề xuất, kiến nghị với T.Ư trong việc xây dựng chính sách của Đảng, Nhà nước với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi khó khăn.
Ý kiến bạn đọc