10 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về việc cưới, việc tang và lễ hội

16:08, 11/01/2008

(HGĐT)- Ngày 12.1.1998, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 27-CT/TW, về việc thực hiện xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.


Qua 10 năm thực hiện, đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào nhân dân các dân tộc Hà Giang đã có những chuyển biến tích cực, thúc đẩy KT-XH phát triển, nhiều hủ tục lạc hậu được xoá bỏ, đồng thời góp phần xây dựng, bảo tồn, phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.


Sau khi có Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Hà Giang đã xây dựng chương trình hành động số 08/Ctr-HNTW ngày 14.10.1998, về thực hiện Nghị quyết TW 5 BCH khoá VIII, đã gắn Chỉ thị 27 với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, mà trọng tâm là phong trào xây dựng Gia đình Văn hoá, Làng bản Văn hoá, cơ quan đơn vị Văn hoá, Khu dân cư tiên tiến phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán ở địa phương, để vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hà Giang là một tỉnh đa dân tộc, mỗi dân tộc lại có phong tục tập quán khác nhau trong việc cưới cũng như trong vịêc tang. Trước đây, nghi lễ cưới của các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hủ tục rườm rà, gây phiền hà, như xem tuổi, tảo hôn, thách cưới, tỷ lệ đăng ký kết hôn thấp, việc dựng vợ gả chồng chưa thực sự do đôi trai gái tự chọn, vẫn còn hiện tượng do bố mẹ, gia đình quyết định. Đến nay, việc tổ chức đám cưới có nhiều chuyển biến tích cực, hiện tượng tảo hôn, thách cưới bằng bạc trắng đã giảm, nhiều nơi đã loại bỏ hẳn, việc cưới đã thực hiện theo đúng quy ước nếp sống văn hoá đã đề ra, các đôi trai gái trước khi tổ chức đám cưới đều đến UBND xã, phường, thị trấn làm thủ tục đăng ký kết hôn và đăng ký thực hiện KHHGĐ, đi đôi với nét văn hoá mới ấy, là lễ phục của cô dâu, chú rể được lưu giữ, phát huy nét đẹp truyền thống của từng dân tộc. Tiêu biểu ở một số nơi có nhiều hình thức tổ chức cưới tiến bộ như tiệc trà hay báo hỉ, ở khu vực thị xã, thị trấn và ở những nơi có điều kiện, đám cưới được tổ chức tại các nhà hàng gọn nhẹ, hình thức này đang có xu thế phát triển và được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Việc tổ chức đám tang ở tỉnh ta, mỗi dân tộc cũng có hình thức tổ chức khác nhau, tuy nhiên các dân tộc đều quan niệm “con người sống nhờ, thác ở”, nên khi chết được thân nhân họ hàng mai táng rất chu đáo, có vùng tổ chức dài ngày, gây tốn kém tiền của. Chính vì vậy, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang được cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể quan tâm. Việc thực hiện quy ước nếp sống văn hoá của tỉnh ban hành năm 1999 và quy ước Làng Văn hoá của các thôn bản đã góp phần tích cực thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, từ đó, hiện tượng làm ma to, kéo dài nhiều ngày đã được khắc phục, tang lễ được tổ chức chu đáo, trang trọng, tiết kiệm và loại bỏ được các yếu tố mê tín dị đoan. Có thể nói, Chỉ thị 27 đã thực sự đi vào lòng dân, được nhân dân các dân tộc thực hiện hiệu quả. Trong nhiều năm qua, cùng với việc thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, ngành VHTT tỉnh đã xây dựng quy ước nếp sống văn hoá, nhất là quy chế Lễ hội, ngành đã có chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể như: Uỷ ban MTTQ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân...để quản lý Lễ hội. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, vịêc tang và lễ hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Một số lễ hội truyền thống được bảo tồn, duy trì và phát huy có hiệu quả, như: Lễ hội “Lồng tồng” của dân tộc Tày, Lễ hội “Chợ tình Khau Vai”, Lễ hội “Nhảy lửa” của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội “Khu cù tê” của dân tộc La Chí...Bên cạnh đó, việc xây dựng Gia đình Văn hoá, Làng Văn hoá và khu dân cư tiên tiến, được tỉnh ta xây dựng từ năm 1999 và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, phong trào xây dựng Làng văn hoá được nhân rộng trong toàn tỉnh, với gần 1.500 làng được công nhận Làng Văn hoá và 100% làng bản, tổ dân phố trong toàn tỉnh đăng ký xây dựng Làng Văn hoá. Đi đôi với phong trào xây dựng Làng văn hoá, phong trào xây dựng Gia đình Văn hoá cũng được coi trọng cả về chất và lượng. Nếu như năm 2000, toàn tỉnh mới chỉ có 10.130 Gia đình Văn hoá thì đến nay, đã có trên 90.890 hộ được công nhận Gia đình Văn hoá. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, với 6 nội dung thiết thực đã góp phần chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, những năm gần đây, Uỷ ban MTTQ tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, thu hút 100% khu dân cư tham gia, ngày hội đã thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn. Thông qua đó, truyền thống đại đoàn kết các dân tộc được tôn vinh, tạo không khí vui vẻ, thân ái trong mọi tầng lớp nhân dân, tình làng nghĩa xóm được tăng cường hơn...Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 27 ở tỉnh ta vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, như ở một số địa phương việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, chưa thường xuyên. Trong việc cưới, việc tang còn mang tính phô trương, lãng phí, nghi lễ vẫn còn rườm rà, một số hủ tục mê tín dị đoan chưa còn tồn tại. Việc bảo tồn có chọn lọc, cải tiến để nâng cao các lễ hội chưa được chú trọng, nhất là các lễ hội mang màu sắc tôn giáo, những trò chơi dân gian còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân.


Có thể khẳng định rằng, Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân và đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng. Với những giải pháp tích cực, việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27 trong những năm tiếp theo sẽ là động lực để các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, thực hiện thắng lợi công cuộc XĐGN trên miền đất địa đầu cực Bắc.


Đăng Vũ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm và làm việc tại Hà Giang
(HGĐT)- Chiều 7.1, Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã tới Hà Giang, bắt đầu chuyến thăm và làm việc chính thức tại Hà Giang từ ngày 7-9.1.
11/01/2008
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại tỉnh ta
(HGĐT)- Như tin đã đưa, trong khuôn khổ chương trình làm việc tại tỉnh ta từ ngày 7-9.1, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến cột cờ Lũng Cú, thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Lũng Cú (Đồng Văn); Đảng bộ, nhân dân 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc và các LLVT tại huyện Mèo Vạc, trồng cây lưu niệm tại huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Công viên Cây xanh thị xã Hà Giang.
11/01/2008
Hà Giang sẽ đi lên bằng chính đôi chân của mình
(HGĐT)- Trong các ngày từ 7 - 9.1.2008, đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Hà Giang.
11/01/2008
Khai mạc Hội nghị quốc tế về kinh tế đối ngoại 2008
Sáng 8-1, Hội nghị quốc tế về kinh tế đối ngoại 2008, với chủ đề "Việt Nam - Ngôi sao đang lên ở châu Á", do Tạp chí Nhà kinh tế của Anh phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức, khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.
09/01/2008
Chụp ảnh cưới Mimosa Wedding