Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về việc cưới, việc tang và lễ hội (1998-2007)
(HGĐT)- Sáng 27.12, tại Hội trường lớn Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội (1998 - 2007).
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Trần Bắc và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Mí Vàng, Trưởng ban chỉ đạo Chỉ thị 27 của tỉnh, chủ trì. Về phía T.Ư có đồng chí Hà Thị Liên, ủy viên Thường trực ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư tới dự.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị (khóa VIII), đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân Hà Giangchuyển biến tích cực, thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển, nhiều hủ tục được xoá bỏ, góp phần xây dựng, bảo tồn, phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã vận dụng sáng tạo việc gắn các nội dung Chỉ thị 27 với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, trọng tâm là xây dựng Gia đình Văn hóa, Làng, bản, tổ dân phố Văn hóa, Cơ quan Văn hóa, Khu dân cư tiên tiến phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán ở địa phương để vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đã giảm được các hủ tục trong cưới xin. Các thôn bản, tổ dân phố đã có Ban tang lễ cùng với tang chủ tổ chức tang lễ chu đáo, trang trọng, tiết kiệm. Việc thăm viếng, chia buồn cũng được tổ chức gọn nhẹ, thiết thực. Một số lễ hội truyền thống được bảo tồn, duy trì và phát huy, như Lễ hội “Lồng tồng” của dân tộc Tày, Lễ hội “Chợ tình Khau Vai”, Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội “Khu cù tê” của dân tộc La Chí... Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 90.895 Gia đình Văn hoá, gần 1.500 Làng Văn hoá và trên 650 cơ quan, đơn vị Văn hoá. 100% khu dân cư đã tổ chức thành công Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 27 ở tỉnh ta còn một số hạn chế, như: Việc thực hiện còn thiếu đồng bộ, ở một vài nơi cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chưa xây dựng được chương trình cụ thể hoặc không tổ chức kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời. Trong việc cưới, việc tang vẫn còn mang tính phô trương, lãng phí. Việc bảo tồn, cải tiến nâng cao các lễ hội mang màu sắc tôn giáo chưa được chú trọng, những trò chơi dân gian, hoạt động văn hoá còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân...
Tại hội nghị, đồng chí Hà Thị Liên đánh giá cao việc thực hiện Chỉ thị 27 trên địa bàn tỉnh Hà Giang và triển khai sâu rộng hơn nữa, nhân rộng kinh nghiệm, cách làm hay ở cơ sở; tiếp thu những tinh hoa văn hoá thế giới, nhưng phải giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc; ngành VHTT tăng cường công tác quản lý, có biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn sự lợi dụng trong việc cưới, việc tang và lễ hội để trục lợi.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trần Bắc nhấn mạnh: Việc cưới, viêc tang và lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần hết sức quan trọng của nhân dân; trong những năm tiếp theo, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh cần tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, trước hết là cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức phải gương mẫu thực hiện; phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể như Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp, đời sống văn hoá phong phú, lành mạnh, đầy lùi các tệ nạn xã hội, giúp nhau phát triển kinh tế, XĐGN...
Ý kiến bạn đọc