Thực hiện kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, đúng pháp luật trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng
Sáng 22/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chủ trì Hội nghị giao ban về công tác phòng, chống tham nhũng với lãnh đạo 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận tại Hội nghị |
Coi công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận những thắng lợi bước đầu, sự chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý tham nhũng, đặc biệt là trong năm 2007 (năm đầu tiên thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng) mà các Bộ, ngành trung ương và địa phương đã giành được. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ ý nghĩa của năm 2008, năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2006-1010) và cho rằng, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm bản lề, thì công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng phải luôn được coi trọng, không thể chủ quan, lơ là. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra một số nhiệm vụ trọng điểm mà các Bộ, ngành trung ương và địa phương cần phải tập trung thực hiện một cách quyết liệt trong năm 2008 như:
Coi công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Thực hiện công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng theo phương châm kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, đúng pháp luật; chống tham nhũng phải được tiến hành bằng những hành động cụ thể, thiết thực, có hiệu quả, không phải là việc chỉ hô hào trên các diễn đàn, hội nghị.
Thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Trung ương 3 (Khoá X), các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng thể chế về phòng, chống tham nhũng theo hướng đồng bộ, toàn diện, tăng cường hơn nữa công tác cải cách hành chính nhất là ở những khâu, những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như quản lý đất đai, cấp phép xây dựng...
Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra tại các bộ, ban, ngành, địa phương. Khi phát hiện ra các vụ việc tham nhũng, các hành vi tham nhũng thì kiên quyết xử lý đúng người, đúng tội để răn đe những người khác. Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm 2008, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải được làm mạnh mẽ hơn so với năm 2007, quyết tâm không để vụ việc tham nhũng nào bị lọt, không được đưa ra xét xử.
Không ngừng phát huy vai trò của nhân dân, đoàn thể, mặt trận các cấp, báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó phải thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng giáo dục về bản lĩnh chính trị, kỷ luật, kỷ cương, ý thức phê bình, tự phê bình, thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức
Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2008 mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề ra, đồng thời nêu lên một số nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng như: các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, các chủ trương, chính sách về phòng chống tham nhũng đang ở bước hoàn thiện, việc đấu tranh với các hành vi tham nhũng trong nội bộ của nhiều cơ quan, tổ chức, chưa mạnh và chưa thường xuyên ... Các đại biểu cũng kiến nghị một số giải pháp nhằm tăng tính hiệu quả của công tác đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, tập trung chủ yếu vào các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức với các hình thức như niêm yết thông báo công khai tại trụ sở, công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm hạn chế tối đa tiêu cực phát sinh.
Ý kiến bạn đọc