Hà Giang quyết tâm về đích sớm
(HGĐT)- Năm 2007 đã khép lại, phía trước chúng ta là chặng đường 365 ngày của năm 2008 với nhiệm vụ rất nặng nề: Vượt qua mọi khó khăn trở ngại, tăng tốc phát triển KT-XH và đời sống nhân dân, làm cơ sở vững chắc cho Hà Giang về đích sớm, hoàn thành các mục tiêu chủ yếu do Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đã đề ra của nhiệm kỳ 2006 - 2010 vào cuối năm 2009.
I. Từ kết quả năm 2007.
Vậy là với cách đi tự tin và sáng tạo, vừa biết khơi dậy và huy động các nguồn lực to lớn trong nhân dân và các thành phần kinh tế; vừa tranh thủ cao nhất sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ thiết thực, hiệu quả của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho mục tiêu “vượt khó, thoát nghèo” Hà Giang đã hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu KT-XH, AN-QP và nâng cao đời sống nhân dân của năm 2007.
Năm 2007, năm thứ hai chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội X của Đảng trong điều kiện, hoàn cảnh có quá nhiều khó khăn thách thức của một tỉnh nghèo: Quy mô kinh tế còn nhỏ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, mức sống nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc vùng cao còn rất thấp, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt. Đồng thời, “gánh nặng” nợ xây dựng cơ bản tồn đọng từ các năm trước vẫn đè lên “đôi vai” kinh tế tỉnh nhà, buộc chúng ta phải dành 70% vốn đầu tư cho trả nợ… Vượt lên khó khăn, với sức mạnh của tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, quyết tâm đột phá, Hà Giang đã tự tin đi tới. Thực hiện từng bước nhưng đồng bộ việc cải cách hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư; động viên, khơi dậy nguồn nội lực đa dạng, tiềm ẩn trong dân, lấy sức dân để chăm lo cho cuộc sống của dân, từ đó tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế 11,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 4,1 triệu/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 43,7% năm 2006 xuống còn 35,5%. Bố trí trả được gần một nửa số nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Đó chính là kết quả của sự vững vàng, quyết tâm, đoàn kết, dám chịu trách nhiệm; biết lo cho dân và hết lòng vì nhân dân của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh.
II. Đến quyết tâm của năm bản lề 2008
Bước sang năm mới 2008, năm bản lề quyết định việc thực hiện các mục tiêu do Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đề ra. Mục tiêu của năm được xác định rõ ràng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết kỳ họp thứ 10-HĐND tỉnh khoá XV: “Nâng cao hiệu quả lãnh đạo và quản lý, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội”. Đường đi và đích phải đến đã rất rõ ràng, quyết tâm của chúng ta cho năm 2008 là: Tăng trưởng kinh tế đạt trên 13%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên cho thương mại-dịch vụ và công nghiệp xây dựng, chuyển mạnh nông - lâm nghiệp sang sản xuất hàng hoá, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 5,5 triệu đồng/năm, giảm hộ nghèo xuống còn 31%; tạo việc làm mới cho 13.500 lao động. Huy động 98% trẻ em trong độ tuổi đến trường... Để đạt những mục tiêu quan trọng trên, phải đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp cho cấp huyện, cấp xã; gắn phân cấp với xác định rõ ràng, cụ thể quyền hạn và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; tạo nên ý thức tự chủ, chủ động, sáng tạo trong việc xác định tiềm năng, nguồn lực, nguồn vốn để đầu tư cho mục tiêu phát triển ở từng địa phương, đơn vị. Tiếp tục thực hiện các nội dung cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính nhanh, gọn, không phiền hà, đúng pháp luật. Xây dựng, bổ sung các quy định cụ thể, chính xác, phù hợp về chính sách thu hút đầu tư để kêu gọi nhanh nhất, nhiều nhất các nguồn lực từ các thành phần kinh tế; từ trong và ngoài nước đến với Hà Giang đầu tư cho sản xuất kinh doanh và làm giầu chính đáng. Đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, gắn sản xuất với các nội dung: Xây dựng thương hiệu, đưa hàng hoá vào thị trường và chiếm lĩnh thị trường. Tiếp tục mở mới và củng cố nội dung hoạt động của hệ thống chợ nông thôn, chợ trung tâm, chợ đầu mối để giới thiệu, trao đổi, mua bán sản phẩm hàng hoá. Đột phá và phát triển kinh tế của Hà Giang phải bắt đầu và trên nền của sản xuất nông - lâm nghiệp; Bởi vậy sản xuất nông nghiệp; trồng rừng, khai thác rừng và chăn nuôi khi được đầu tư đúng hướng trở thành hàng hoá có thương hiệu mạnh thì chắc chắn sẽ là yếu tố quyết định đảm bảo cho an ninh lương thực, ổn định vững chắc đời sống nhân dân, làm cơ sở thuận lợi cho các ngành nghề kinh tế khác phát triển. Thu hút đầu tư mà trọng tâm là thu hút vốn là vấn đề mang tính quyết định cho sự phát triển của Hà Giang. Các Hội nghị, Hội thảo chuyên đề để quảng bá, giới thiệu tiềm năng nguồn lực của tỉnh trong các lĩnh vực được tổ chức trong các năm trước, đến nay đã mang lại những kết quả tốt đẹp. Năm 2008 thu hút đầu tư của Hà Giang chắc chắn khởi sắc mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp trọng điểm, thuỷ điện, khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông - lâm sản, đầu tư nâng cấp cửa khẩu để phát triển kinh tế cửa khẩu.
Một loạt công trình đã khởi công xây dựng: Các Nhà máy thuỷ điện Nho Quế, Nậm Li I, Bát Đại Sơn, Phương Độ; Khai thác và chế biến chì - kẽm Na Sơn; Giấy Hải Hà; Cấp nước Vị Xuyên, Sảng Tủng (Đồng Văn). Khánh thành đưa vào hoạt động khu du lịch sinh thái Panhou (Hoàng Su Phì)… Những công trình trên là biểu hiện sinh động cho sức thu hút, sự năng động, cơ chế phù hợp, kích thích và làm vững tâm các nhà đầu tư khi đến với Hà Giang; hứa hẹn sự bứt phá thật sự vững chắc cho KT-XH tỉnh nhà. Tuy nhiên, ngân sách năm 2008 chúng ta vẫn phải tiếp tục bố trí 30% cho thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản từ các năm trước dồn lại, đây là bài toán hóc búa nhưng đã có lời giải rõ ràng đó là sự tổng hợp của hai yếu tố: Sự giúp đỡ hiệu quả của Trung ương và huy động nội lực tại chỗ của Hà Giang để trả dần, trả hết nợ đọng xây dựng cơ bản.
Năm 2007 đã khép lại, phía trước chúng ta là chặng đường 365 ngày của năm 2008 với nhiệm vụ rất nặng nề: Vượt qua mọi khó khăn trở ngại, tăng tốc phát triển KT-XH và đời sống nhân dân, làm cơ sở vững chắc cho Hà Giang về đích sớm, hoàn thành các mục tiêu chủ yếu do Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đã đề ra của nhiệm kỳ 2006 - 2010 vào cuối năm 2009.
Ý kiến bạn đọc