Từ Cách mạng Tháng Mười đến quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nga

07:23, 07/11/2007

Nhân kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao PHẠM GIA KHIÊM đã có bài viết, trong đó nêu rõ, Cách mạng Tháng Mười là khởi đầu của quan hệ hữu nghị truyền thống Việt – Nga.


 
 
Ngày 7-11-2007, những người cộng sản, người lao động tại Việt Nam và trên thế giới long trọng kỷ niệm lần thứ 90 Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. 90 năm qua, thế giới và nhân loại đã chứng kiến biết bao thay đổi, song có lẽ Cách mạng Tháng Mười đã mang lại sự thay đổi lớn lao nhất cho dân tộc Nga nói riêng và cho nhân  loại nói chung trong thế kỷ 20. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế".(1)

Cuộc Cách mạng làm thay đổi nước Nga và thế giới

Cách mạng Tháng Mười là thắng lợi vĩ đại của lực lượng cách mạng và quần chúng lao động đối với chế độ quân chủ và tư sản ở nước Nga, đồng thời cũng mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử loài người - "thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội". (2)

Sau Cách mạng Tháng Mười dưới sự lãnh đạo của Ðảng Bolshevik do V.I.Lenin đứng đầu, giai cấp vô sản Nga, liên minh vững chắc với nông dân lao động, đã dựng lên Nhà nước Soviet, mở ra một thời kỳ mới cho nước Nga. Nhân dân lao động Nga đã bắt tay vào xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa - một xã hội mới không có bóc lột và áp bức. Người dân Liên Xô đã lao động quên mình để đưa một nước Nga nông nghiệp thành một cường quốc công nghiệp. Hơn 20 triệu người đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong chiến tranh thế giới thứ hai để cứu châu Âu và cả loài người khỏi thảm họa phát-xít và giúp nhiều dân tộc giành độc lập và tự do.

Từ tro tàn và đổ nát của chiến tranh, bằng sức lao động quả cảm và trí sáng tạo lớn lao, người dân Soviet đã xây dựng lại và đưa đất nước đi lên, đồng thời đã nhường cơm sẻ áo, hỗ trợ nhân dân nhiều nước khôi phục và xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Liên Xô đã nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp lớn, có nền khoa học và kỹ thuật hiện đại và là hậu phương vững chắc cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Trải qua những khó khăn của thời kỳ chuyển đổi trong suốt thập kỷ 90 của thế kỷ 20, từ năm 2001 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V.Putin, với chiến lược chấn hưng đất nước đúng đắn, kết hợp hài hòa chính sách cải cách thị trường với việc bảo tồn và tôn trọng những giá trị dân tộc, quốc gia, kế thừa các ưu việt và thành tựu từ thời Soviet, LB Nga đã dần dần từng bước khôi phục lại vị trí cường quốc. Nước Nga ngày nay có tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%/năm, có dự trữ ngoại tệ  đứng thứ ba trên thế giới, là cường quốc năng lượng với  lực lượng trí thức hùng hậu và nền khoa học - công nghệ hiện đại đang được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Vai trò và tiếng nói của Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế được nâng cao.

Dù có nhiều thay đổi trong đời sống chính trị nước Nga, những giá trị cơ bản, mục tiêu cao cả, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười vẫn được người dân và Chính phủ Nga nâng niu trân trọng. Các biểu tượng chiến thắng của thời Soviet vẫn được duy trì, ngày 7-11 được gọi là ngày lễ Hòa hợp dân tộc và được đông đảo người lao động  và đảng viên  Ðảng Cộng sản Liên bang Nga tổ chức một cách trọng thể.

Cách mạng Tháng Mười - Sự khởi đầu của quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Nga

Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của Liên Xô đã tác động sâu sắc lên số phận của các dân tộc ở phương Ðông, trong đó có Việt Nam. Vào những năm 20 của thế kỷ trước, người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã đến nước Nga, đến với chủ nghĩa Marx-Lenin và đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc.

Ðược Cách mạng Tháng Mười vĩ đại soi đường và cổ vũ, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, ngay sau chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhân dân Việt Nam đã tiến hành thành công Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên tại Ðông - Nam Á. Trong cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ suốt 30 năm tiếp sau đó để bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, Việt Nam đã nhận được từ nhân dân Liên Xô sự ủng hộ to lớn về cả tinh thần và vật chất. Liên Xô là một trong những nước đầu tiên công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 30-1-1950), đã viện trợ hào hiệp cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã giúp đào tạo hơn 50.000 cán bộ và chuyên gia, những người đã và đang làm việc trong nhiều lĩnh vực và các cơ quan chính quyền, các viện nghiên cứu của Việt Nam. Ngày nay, trong bối cảnh thế giới đã có nhiều thay đổi, tình hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và LB Nga vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển lên một tầm cao mới. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2001 của Tổng thống Nga V.Putin, hai nước đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, thể hiện sự quyết tâm tiếp tục phát triển mối quan hệ truyền thống tốt đẹp và nhu cầu hợp tác cùng có lợi giữa hai nước trong tình hình mới.

Quan hệ Việt Nam và LB Nga - hiện tại và tương lai

Trên cơ sở tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược năm 2001, một khuôn khổ quan hệ mới giữa hai nước đã được tạo dựng và quan hệ hai nước chứng kiến nhiều bước phát triển mới. Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển; sự tin cậy lẫn nhau tăng lên; trao đổi cấp cao, giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước diễn ra thường xuyên. Việt Nam và LB Nga có đồng quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như LHQ, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). LB Nga ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ khóa 2008 - 2009 và Việt Nam ủng hộ Nga sớm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.

Quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển tương đối ổn định, kim ngạch thương mại từ  350 - 400 triệu USD vào giữa những năm 90 đã lên tới hơn một tỷ USD vào năm 2005, trung bình tăng 15%/năm, sáu tháng đầu năm 2007 đã tăng 26% so với cùng kỳ năm 2006. Ðặc biệt sự hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam và Nga, đang được hai bên tích cực mở rộng và nâng cao hiệu quả. Vietsovpetro là một liên doanh thành công, hàng năm đem lại gần hai tỷ USD cho ngân sách Việt Nam và 500 triệu USD cho ngân sách Nga. Về  đầu tư, LB Nga hiện có 52 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 299 triệu USD, trong quá trình thực hiện đã bổ sung và nâng lên mức hơn 600 triệu USD. Việt Nam hiện có 13 dự án đầu tư sang Nga với tổng số vốn 73 triệu USD (chiếm 6,4% số dự án của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài).

Hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch và hợp tác giữa các địa phương vẫn tiếp tục được duy trì và tăng cường. Nga vẫn là nước hàng đầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho Việt Nam. Các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước được duy trì và mở rộng thông qua tổ chức những ngày văn hoá, làm tăng thêm sự hiểu biết giữa hai dân tộc. Việt Nam ngày càng là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách Nga.

Hiện nay, có gần 100 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn và học tập tại LB Nga và cũng có nhiều công dân Nga đang làm ăn, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam và LB Nga đánh giá cao đóng góp của công dân hai nước vào sự phát triển quan hệ Việt-Nga, đồng thời bày tỏ sẵn sàng cùng nhau thảo luận ký kết các Hiệp định liên quan để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ làm ăn, sinh sống hợp pháp, mở rộng hợp tác sử dụng nguồn lao động của hai nước.

Với mong muốn và quyết tâm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, theo sáng kiến của Tổng thống V.Putin nêu ra trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11-2006, hai bên đã thống nhất được một Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và đã bắt tay vào triển khai thực hiện.

Chuyến thăm chính thức LB Nga mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là mốc mới quan trọng trong quan hệ Việt-Nga, trong đó hai bên đã ký hơn mười thỏa thuận và hợp đồng kinh tế trị giá khoảng 2,5 tỷ USD. Tại buổi tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống V.Putin khẳng định ông luôn quan tâm theo dõi và chỉ đạo sát sao việc phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Tổng thống Putin cũng tái khẳng định, chính sách của LB Nga trong quan hệ với Việt Nam là nhất quán, lợi ích hợp tác với Việt Nam mang tính chiến lược và lâu dài. Kết quả tốt đẹp của chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả của quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư.

Với truyền thống hợp tác tốt đẹp trong quá khứ và mối quan hệ đang phát triển khả quan, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng tình hữu nghị truyền thống thủy chung, sâu đậm và sự hợp tác nhiều mặt cùng có lợi trên cơ sở đối tác chiến lược giữa Việt Nam và LB Nga sẽ ngày càng được củng cố và phát triển, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát  triển ở châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. 

PHẠM GIA KHIÊM
Ủy viên Bộ Chính trị,
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giải “bài toán” chất lượng cán bộ cơ sở ở Hoàng Su Phì
(HGĐT)- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở (CBCS) có năng lực, phẩm chất để chỉ đạo, điều hành, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ là một trong những việc rất quan trọng của công tác cán bộ. Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của công tác này, huyện Hoàng Su Phì đang thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm tạo sự chuyển biến căn bản cả lượng và chất của CBCS.
31/10/2007
Quốc hội thảo luận kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2007, phương án dự toán ngân sách năm 2008
Với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, trong chương trình làm việc ngày 30-10, Quốc hội đã thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2007, phương án dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, phân bổ ngân sách T.Ư và bổ sung ngân sách địa phương năm 2008.
31/10/2007
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Thủ tướng Chính phủ CHDCND Triều Tiên Kim Yong Il
Tại buổi tiếp thân mật Thủ tướng Chính phủ CHDCND Triều Tiên Kim Yong Il sáng 29-10, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt Nam - Triều Tiên, qua thử thách sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau không ngừng được nâng lên.
30/10/2007
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
Ngày 29/10, sau khi tham dự Hội chợ và Hội nghị Thượng đỉnh về Thương mại và Đầu tư ASEAN-Trung Quốc lần thứ 4 và thăm Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
29/10/2007