Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Hiến chương ASEAN là một bước tiến quan trọng, góp phần đưa ASEAN lên tầm cao mới

07:41, 23/11/2007

Nhân dịp kết thúc thắng lợi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn phóng viên các báo tháp tùng về kết quả Hội nghị. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.


 
 
Phóng viên (PV): Xin Thủ tướng đánh giá kết quả nổi bật của Hội nghị cấp ASEAN lần thứ 13 và các Hội nghị Cấp cao liên quan và hướng phát triển của quan hệ giữa ASEAN với các nước đối thoại trong thời gian tới như thế nào?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hội nghị Cấp cao ASEAN hàng năm lần thứ 13 và  bảy  Hội nghị cấp cao là: Cấp cao ASEAN + 3 lần thứ 11 với ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, 3 cuộc họp cấp cao ASEAN + 1 giữa ASEAN với ba nước trên, Cấp cao ASEAN + 1 với Ấn Ðộ, Cấp cao Ðông Á lần thứ ba và Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN - EU được tổ chức tại Singapore từ ngày 20 đến 22-11-2007.

Các Hội nghị cấp cao lần này được tổ chức trong bối cảnh ASEAN và các nước thành viên đang tích cực kỷ niệm 40 năm thành lập Hiệp hội, với quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối phấn đấu cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Vì vậy, chủ đề chính của Hội nghị lần này là "Một ASEAN ở trái tim của châu Á năng động". Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thảo luận và cho ý kiến chỉ đạo về phương hướng thúc đẩy triển khai một cách hiệu quả và đồng bộ các chương trình, kế hoạch hành động hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo mục tiêu hoàn thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và phát huy được vai trò chủ đạo của ASEAN trong các cơ chế hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương.

Ðánh giá về Hội nghị Cấp cao ASEAN - 13 và bảy Hội nghị cấp cao liên quan, có thể nêu ra một số kết quả chính sau:

Một là, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thông qua và ký Hiến chương ASEAN. Ðây là sự kiện đặc biệt, một mốc lịch sử trong quá trình phát triển của Hiệp hội, góp phần đưa ASEAN trở thành một tổ chức liên chính phủ ở khu vực, có tư cách pháp nhân, hợp tác và liên kết chặt chẽ hơn, đoàn kết, thống nhất hơn. Hiến chương ASEAN là một trong những văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có giá trị tạo ra khuôn khổ pháp lý và thể chế cho hợp tác ASEAN trong tương lai, qua đó hỗ trợ thiết thực không chỉ cho quá trình hướng tới Cộng đồng ASEAN mà còn nâng cao vị thế của Hiệp hội với các đối tác và các tiến trình khác ở khu vực hiện nay, cũng như còn cho cả thời gian dài sau này. Nhân dịp này, các nhà lãnh đạo cũng ký Tuyên bố khẳng định quyết tâm chính trị của các nước sớm tiến hành các thủ tục phê chuẩn để Hiến chương có hiệu lực và đi vào cuộc sống. Có thể nói thêm rằng hiến chương là kết quả đúc kết các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của ASEAN, cũng như kết quả hoạt động và phát triển của ASEAN 40 năm qua, có sự đóng góp rất tích cực của Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) và của Nhóm các nhân vật nổi tiếng (EPG) trong suốt quá trình soạn thảo khẩn trương.

Hai là, Hội nghị cấp cao ASEAN đã thông qua Ðề cương thúc đẩy triển khai xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và ký Tuyên bố về Ðề cương cộng đồng kinh tế ASEAN, khẳng định quyết tâm xây dựng Cộng đồng kinh tế với các kế hoạch, lộ trình, biện pháp cụ thể. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng yêu cầu cần sớm hoàn tất Ðề cương về Cộng đồng Chính trị - an ninh (APSC) và Cộng đồng Văn hóa-xã hội (ASCC). Thu hẹp khoảng cách phát triển tiếp tục là một nhiệm vụ quan trọng, nếu thực hiện tốt, sẽ tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập và liên kết của Hiệp hội. Vì vậy cần gắn các chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển như Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) với các mục tiêu rộng lớn hơn của liên kết ASEAN.

Ba là, các hội nghị đều tập trung trao đổi về các vấn đề có tính toàn cầu như năng lượng, môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, trong đó đã đề ra phương hướng và biện pháp tăng cường hợp tác trong Hiệp hội cũng như mở rộng hợp tác với các bên đối thoại để phòng ngừa và đối phó với thảm họa thiên tai do quá trình biến đổi khí hậu gây ra, tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trên tinh thần đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký hai tuyên bố và cùng với các đối tác bên ngoài ký  tuyên bố  về chủ đề biến đổi khí hậu, môi trường và năng lượng.

Bốn là, ngoài các vấn đề hợp tác nội khối của ASEAN, trong các Hội nghị cấp cao với các bên đối thoại và Hội nghị cấp cao Ðông Á lần thứ 3 các nhà lãnh đạo cũng dành nhiều thời gian thảo luận về phương hướng và biện pháp nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa ASEAN với các bên Ðối thoại, thông qua việc đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận về đối tác, hợp tác toàn diện, với trọng tâm là hợp tác kinh tế - thương mại và hợp tác phát triển thông qua việc ký kết các thỏa thuận lập khu vực mậu dịch tự do (FTA)  giữa ASEAN với các bên đối thoại như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ấn Ðộ... Trong dịp này, Nhật Bản hứa sẽ hỗ trợ 300 triệu USD và đào tạo 300 chuyên gia  cho ASEAN trong lĩnh vực an toàn hàng hải, môi trường và khai thác bền vững các tuyến hàng hải. Nhật Bản cũng sẽ đóng góp thêm 500 nghìn liều  vắc-xin chống cúm gà. Hàn Quốc và ASEAN đã ký Hiệp định về thương mại dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa các nước ASEAN-Hàn Quốc và Bản ghi nhớ thành lập Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng thông báo dành năm triệu USD Mỹ cho IAI. Với Trung Quốc, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong thảo luận, các nhà lãnh đạo của các bên đối thoại đều ủng hộ những cố gắng của ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển và xóa đói, giảm nghèo để tăng cường liên kết và hội nhập khu vực; ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong các tiến trình hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng như ASEAN+3, Cấp cao Ðông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF); nhất trí cần tích cực phối hợp chặt chẽ để phát huy hơn nữa vai trò tại các diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng khác như ASEM, APEC, LHQ...

PV: Xin Thủ tướng cho biết những đóng góp của Việt Nam tại hội nghị lần này?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Trong quá trình hội nghị, với tinh thần chủ động, xây dựng và trách nhiệm, Ðoàn ta đã đóng góp tích cực vào các công việc trọng tâm của hội nghị và vào việc duy trì đoàn kết, thống nhất, củng cố các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, nhất là đồng thuận và không can thiệp; tập trung thúc đẩy hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các bên đối thoại, hướng theo mục tiêu hoàn thành việc xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 như đã thỏa thuận. Tại các hội nghị, chúng ta đều nhấn mạnh cần phải thúc đẩy việc thực hiện các chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển, thông qua  xây dựng kế hoạch hành động IAI và lập Quỹ đặc biệt, các chương trình hợp tác cũng như hỗ trợ từ bên ngoài, tạo điều kiện cho tất cả các thành viên cùng tham gia có hiệu quả vào quá trình liên kết khu vực.

Trước mối quan tâm chung của khu vực và thế giới về những vấn đề có tính toàn cầu như năng lượng, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, chúng ta đã cùng các nước ASEAN kêu gọi các nước đối thoại giúp đỡ và hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, trang thiết bị và chuyển giao kỹ thuật. Tại Hội nghị Cấp cao Ðông Á chúng ta đã nêu sáng kiến tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Ðông Á vào cuối năm 2008 tại Hà Nội, khi chúng ta đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN và ASEAN + 3.

Ðể có những kết quả như vừa nêu trên, ngoài những đóng góp ngay trên diễn đàn hội nghị, Việt Nam đã chủ động và tích cực ngay từ khâu chuẩn bị chương trình nghị sự cho các hội nghị và trong quá trình đàm phán, thỏa thuận nội dung các văn kiện vừa được ký tại Singapore.

Hiến chương ASEAN là văn bản quan trọng với sự nhất trí chung của mười nước thành viên ASEAN, trong đó có sự đóng góp tích cực của Việt Nam. Trong quá trình soạn thảo, chúng ta đã chủ động tham gia ngay từ những ngày đầu và đưa ra nhiều đề xuất, khẳng định tính chất liên chính phủ của ASEAN, về các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, về xây dựng cơ cấu, bộ máy hoạt động của ASEAN... Các đề nghị đó đã nhận được sự đồng tình và chia sẻ của các thành viên khác. Những đóng góp này của Việt Nam đã góp phần trở thành định hướng quan trọng cho quá trình soạn thảo nội dung Hiến chương, góp phần tạo điều kiện để Hiến chương đáp ứng tốt hơn và phù hợp hơn với những yêu cầu cấp thiết đang đặt ra cho ASEAN trong giai đoạn phát triển mới, được bạn bè hoan nghênh và đánh giá cao.

Tôi tin tưởng rằng việc thông qua và ký Hiến chương ASEAN sẽ là một bước tiến quan trọng góp phần đưa hợp tác ASEAN lên một tầm cao mới, chặt chẽ hơn, năng động và hiệu quả hơn, qua đó nâng cao vị thế, hình ảnh và vai trò của hiệp hội trong khu vực và trong con mắt của bạn bè quốc tế.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoạt động kỷ niện Ngày Nhà giáo Việt nam 20.11
(HGĐT)- Chiều 20.11, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức buổi gặp mặt cán bộ quản lý Giáo dục - Đào tạo nhân kỷ niệm 25 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.
21/11/2007
Quốc hội thông qua Luật Thuế Thu nhập cá nhân
Hôm qua 20.11, sau khi nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã biểu quyết tán thành (tỷ lệ 79,1%) thông qua dự án luật đặc biệt quan trọng này. Có 42 ĐB không tán thành và 14 ĐB không biểu quyết. Luật Thuế TNCN sẽ chính thức có hiệu lực từ 1.1.2009.
21/11/2007
Các nhà lãnh đạo ký Hiến chương ASEAN và thông qua Ðề cương thúc đẩy triển khai xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN
Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 20-11 tại Singapore, phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 đã khai mạc với chủ đề "Một ASEAN ở trái tim của châu Á năng động".
21/11/2007
Quốc hội thông qua năm dự án luật
Ngày 20-11, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XII, các đại biểu QH đã tiến hành xem xét, thông qua năm dự án luật. * Thông cáo số 21 Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII
21/11/2007