Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ

14:54, 18/11/2007

Ngày 17-11, kỳ họp thứ hai, QH khóa XII bước sang ngày làm việc thứ 22. Tại hội trường, với sự điều khiển của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, QH nghe bốn Bộ trưởng trả lời chất vấn của các đại biểu QH.


 
 
Thực hiện tốt giải ngân cho các công trình xây dựng cơ bản và kiềm chế tăng giá

Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời các chất vấn của đại biểu QH Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Ðặng Văn Xướng (Long An) chung quanh vấn đề giá cả và điều hành thị trường, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc giải ngân khống Ðề án 112...

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: Ðến hết tháng 10-2007, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước ta  tăng  cao  ở  mức  8,12% là do các nguyên nhân chính: giá thế giới tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay, như giá gạo tăng 17,2%, hạt tiêu  tăng 104,6%, nguyên liệu sản xuất thuốc tăng 75%, phân bón tăng 19%... hầu hết các mặt hàng đều tăng. Trong khi đó để bảo đảm  tốc độ tăng trưởng 8,5%, nước ta vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu. Năm qua, nước ta liên tục xảy ra  thiên tai ảnh hưởng đời sống, sản xuất. Thời gian qua, nguồn  vốn đầu tư FDI và ODA tăng mạnh, dư nợ tín dụng tăng, biểu hiện của việc tăng trưởng tốt, nhưng lại tạo áp lực tăng giá. Thu nhập của dân tăng, thu nhập bình quân sau trừ trượt giá tăng 5,8%.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính  đã đề xuất Chính phủ  thực hiện một loạt các giải pháp như tăng mua ngoại tệ dự trữ;  thu hút tiền trong lưu thông về; yêu cầu  các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất; dãn lộ trình tăng giá; điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra trong niêm yết giá, kiểm tra thuế... Do đó, chỉ số giá đã chững lại, một số mặt hàng đã giảm giá, tuy không nhiều .

Bộ trưởng cho biết, thuế chỉ chiếm một phần trong giá hàng hóa, điều hành giảm  thuế thì cũng chỉ điều chỉnh được một phần  trong giá mặt hàng. Thí dụ thuế chỉ chiếm 6 - 7% giá sữa, giảm thuế thì chỉ giảm 3 - 4% giá thành, nhưng giá sữa đến cuối năm đã tăng gấp đôi. Công tác dự báo  giá cả rất khó khăn, vì nhiều mặt hàng tăng giá không chỉ vì thị trường mà còn các nguyên nhân khác. Giá dầu từ đầu năm đến nay đã tăng gấp hai lần, lên 100 USD, ngoài dự báo của tất cả các chuyên gia.

Trả lời các câu hỏi của đại biểu: Võ Tiến  Trung (Phú Yên)  và Ðặng Văn Xướng,  về xử lý của Bộ Tài chính đối với các doanh nghiệp đã được miễn giảm thuế, nhưng vẫn không giảm giá, đặc biệt với ngành lắp ráp ô-tô?  Bộ trưởng  Vũ Văn Ninh cho biết, đã  cử nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và  xử phạt các doanh nghiệp  vi phạm theo Pháp lệnh giá. Ðối với giá ô-tô, vì đây là mặt hàng nằm trong chính sách lớn của Nhà nước, Chính phủ hiện đang chỉ đạo các bộ, ngành đánh giá lại chính sách này. Mặt khác, giá ô-tô đã hạ nhất định sau khi Bộ Tài chính hạ thuế nhập khẩu ô-tô.

Ðại biểu  Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, việc chỉ giảm giá một số mặt hàng thì doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn là người tiêu dùng. Hơn 60 triệu nông dân ở nước ta hầu như không được hưởng lợi gì từ việc giảm giá sữa. Nên chăng Chính phủ và Bộ Tài chính chỉ cần giảm một loại mặt hàng là giá  điện, thì tất cả mọi người dân đều được hưởng lợi, giá các mặt hàng cũng sẽ giảm theo. Bộ trưởng Tài chính cho biết, giá điện là vấn đề rất lớn nằm trong lộ trình điều hành của Chính phủ,  những năm tới, nhu cầu điện của nước ta còn liên tục tăng cao, cả cho sản xuất và tiêu dùng. Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu lộ trình giảm giá để bảo đảm đời sống của nhân dân, đồng thời vẫn đủ điện phục vụ cho tăng trưởng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) về việc có hiện tượng giải ngân khống trong Ðề án 112 hay không? Bộ trưởng Tài chính cho biết, Kiểm toán Nhà nước về  Ðề án 112 đã phát hiện một số khoản tạm ứng, nhưng chưa chi, chưa thực hiện  là 22,4 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị thu hồi vào ngân sách. Chức năng nhiệm vụ của cơ quan tài chính căn cứ vào hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu, thanh toán theo chế độ. Kho bạc Nhà nước (KBNN) không tham gia nghiệm thu sản phẩm, vì vậy không chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng các dự án này. Nếu có chuyện thông đồng của chủ đầu tư và nhà thầu, thì KBNN không thể biết được. Mặc dù trong Ban điều hành dự án có thành viên của Bộ Tài chính, nhưng các thành viên này không quyết định việc chi tiêu của từng mục trong dự án.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Phạm Lễ Chi (Quảng Ninh), Lê Quốc Dung (Thái Bình) và nhiều đại biểu khác, về việc giải ngân vốn đầu tư XDCB  chín tháng đầu năm đạt thấp so với kế hoạch, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, có năm nguyên nhân chính giải ngân chậm thời gian qua là: Công tác kế hoạch hóa và chuẩn bị dự án chưa tốt, xây dựng kế hoạch năm chưa căn cứ vào khả năng của chủ đầu tư. Ở một số dự án, giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm. Cơ chế chính sách thay đổi, làm cho quá trình thực hiện bị chậm. Giá vật tư tăng cho nên phải điều chỉnh hồ sơ, phê duyệt lại dự án. Năng lực nhà đầu tư, nhà thầu hạn chế, đặc biệt là năng lực tài chính.

Ðể khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã rà soát lại cơ chế chính sách GPMB: Sửa đổi các cơ chế không còn phù hợp, đối với các dự án quan trọng, tách việc GPMB thành tiểu dự án riêng, giao cho UBND địa phương tổ chức thực hiện. Giao cho các bộ tiếp tục rà soát các quy trình thủ tục về Luật Ðầu tư, Luật Xây dựng, Luật Ðấu thầu, Luật Ðất đai... để báo cáo Chính phủ, QH xem xét sửa đổi các nội quy không còn phù hợp. Chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường giải ngân vốn...

Bộ Tài chính đã ban hành  các Thông tư hướng dẫn quản lý vốn đầu tư, trong đó nội dung chính là công tác giải ngân. Mở cơ chế tạm thanh toán cho các dự án chưa có tổng dự toán được duyệt của các dự án nhóm A và dự án quan trọng, đến 70% giá trị. Giao cho KBNN triển khai thủ tục một cửa trong thanh toán, tin học hóa thanh toán, thông qua cổng điện tử. Quy định cơ chế tạm ứng trong vòng năm ngày, thanh toán trong vòng bảy ngày. Tổng khối lượng gửi đến KBNN đã thanh toán được 91%, còn 9% trong quá trình kiểm tra kiểm soát.

Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Cao Ðức Phát trả lời bằng văn bản các kiến nghị của cử tri và chất vấn của các đại biểu, cho biết, tại kỳ họp này bộ nhận được 15  chất vấn từ các đại biểu QH. Cuối giờ chiều qua đã nhận thêm sáu câu hỏi.

Tại Hội trường, Bộ trưởng tập trung  trả lời  hai vấn đề chính là đời sống nông dân và hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp. Còn các câu hỏi khác, xin trả lời bằng văn bản. Bộ NN và PTNT đã gửi đến  các đại biểu QH ba báo cáo chuyên đề về dự án trồng mới năm triệu ha rừng, về tình hình dịch bệnh  gia súc, gia cầm và phương pháp phòng, chống; về tình hình thiên tai, công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả từ đầu năm tới nay.

Bộ trưởng cho biết, đến nay chưa có số liệu điều tra cụ thể về tình hình  thu nhập, đời sống của nông dân. Trong thực tiễn, đời sống nông dân thấp hơn và tăng chậm hơn (chỉ khoảng 3,5-4%) so với các ngành khác, dẫn đến tình trạng chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Vì thế, trong năm 2007, Chính phủ có một số biện pháp như rà soát miễn giảm các loại phí, thuế nông nghiệp, phòng, chống dịch bệnh trong trồng trọt và chăn nuôi, phòng, chống và hạn chế thiệt hại do thiên tai, tiếp tục thực hiện chương trình phát triển nông thôn. Nhìn chung năm 2007 là năm được mùa, được giá của nông nghiệp. Tuy nhiên, thiên tai, bệnh dịch... đã ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, đời sống của nông dân.

Về hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, nước ta phải giảm thuế 500/1.185 dòng hàng nông sản với tỷ lệ trung bình 10,6%, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, bỏ khoản trợ cấp nông nghiệp hơn 1.100 tỷ đồng/năm. Do đó, Chính phủ phải xây dựng biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Một số biện pháp như tuyên truyền, phổ biến ý thức về cạnh tranh trong nông nghiệp với bà con nông dân, địa phương, điều chỉnh chính sách nông nghiệp, xây dựng đề án và thực hiện nâng cao tính cạnh tranh của từng ngành hàng...

Trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Nguyễn Ngọc Ðào (Hà Nội) tại hội trường: Trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thì khối cán bộ, công chức đã có chính sách cải cách tiền lương, vậy thì đối với nông dân có chính sách gì? Bộ trưởng có thể phác họa bức tranh nền kinh tế nông thôn Việt Nam đến năm 2020? Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho biết, trong thời kỳ hội nhập, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp là phải nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông dân. Những ngành nào có khả năng cạnh tranh cao thì đầu tư phát triển, những ngành khả năng cạnh tranh thấp, khi nước ngoài vào ta có thể khó cạnh tranh, thậm chí nông dân có thể không thể tiếp tục sản xuất.

Trong trồng trọt, Bộ xác định mấu chốt chính vẫn là giống cây trồng, vật nuôi,  đang tổ chức các chương trình nghiên cứu lai tạo ra các loại giống tốt để chuyển giao cho nông dân. Ở miền nam, Bộ đang triển khai chương trình ba tăng ba giảm. Ở miền bắc, chương trình thâm canh đồng bộ cũng đang thực hiện có hiệu quả. Về chăn nuôi, nông dân vẫn mang dáng dấp chăn nuôi truyền thống, phân tán nhỏ lẻ, tận dụng thả rông, không hiện đại, nên khó bảo đảm  an toàn sản xuất và an toàn thực phẩm.

Hiện bộ đang phối hợp các bộ, ngành chức năng, đoàn thể và các địa phương  tập trung xây dựng chính sách cùng các địa phương hỗ trợ phát triển các hình thức chăn nuôi tập trung, tăng cường hệ thống thú y giúp bà con nông dân chăn nuôi an toàn và hiệu quả. Về phát triển thủy sản, bộ đang triển khai  điều chỉnh  chương trình đánh bắt ngoài khơi và phát triển chăn nuôi bền vững trên đất liền.Về phát triển lâm nghiệp, tập trung hỗ trợ trồng rừng, mỗi địa phương chọn những giống cây phù hợp để có hiệu quả cao hơn.

Trả lời câu hỏi về bức tranh nền kinh tế nông thôn Việt Nam đến năm 2020, Bộ trưởng cho rằng, đây là một vấn đề lớn. Bộ đang xây dựng đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân và chậm nhất đến ngày 30-3-2008 sẽ trình Chính phủ và cố gắng đến ngày 30-12-2007 sẽ đưa bản dự thảo để lấy ý kiến các địa phương, các nhà khoa học nhằm điều chỉnh, hoàn thiện để trình Chính phủ và Trung ương.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình) về nguyên nhân tình trạng chậm phát triển công nghiệp chế biến ở vùng đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho rằng, vấn đề này có liên quan những hạn chế chung của công nghiệp nông thôn. Ðó là về khách quan. Còn về chủ quan Bộ trưởng thừa nhận, đúng là do cơ chế, chính sách của chúng ta còn có những điều bất cập. Vì thế, sắp tới phải tập trung tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách có liên quan, nhất là trong quá trình xây dựng Ðề án về tam nông.

Ðối với vấn đề nông dân bỏ ruộng mà đại biểu này nêu ra, Bộ trưởng cho biết, đúng là đang có hiện tượng này xảy ra và diễn ra nhiều ở những nơi có cơ sở hạ tầng khó khăn, sản xuất lúa thu nhập thấp, trong khi đó chuyển sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ có thu nhập cao hơn. Ngày càng nhiều thanh niên đi về thành phố tìm việc làm. Ðể giải quyết vấn đề này cần phải hỗ trợ bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất bằng giống tốt, kỹ thuật cao, hạ tầng thuận lợi. Tiếp tục điều chỉnh cơ chế chính sách để đưa công nghiệp về với nông thôn để: "Ly nông bất ly hương".

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An)  về sản lượng sữa của đàn bò sữa chiếm bao nhiêu phần trăm nguồn nguyên liệu sữa cung cấp cho các nhà máy chế biến sữa? Quy hoạch phát triển các nhà máy chế biến sữa có gắn liền với quy hoạch phát triển các đàn bò sữa hay không và giải pháp nào để phát triển đàn bò sữa trong thời gian sắp tới? Bộ trưởng Cao Ðức Phát nói, về lượng sữa, năm 2006, Việt Nam sản xuất 215 nghìn tấn, chiếm 22% tổng nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy. Quy hoạch phát triển đàn bò sữa gắn liền với phát triển các nhà máy chế biến sữa. Ðã phối hợp Bộ Công nghiệp (trước đây) về tiến hành phát triển chăn nuôi bò sữa. Mấy tháng gần đây, đời sống, thu nhập của bà con nông dân nuôi bò sữa đã được cải thiện nhiều do giá sữa tăng cao, người dân đã có lãi.

Tuy nhiên, do lo ngại hiện tượng chạy theo phong trào, bộ đã có văn bản hướng dẫn nông dân làm đúng kỹ thuật để bảo đảm hiệu quả kinh tế.Về việc làm chủ công nghệ sản xuất giống lúa, theo Bộ trưởng, hiện các nhà khoa học  đã nắm được công nghệ, tuy nhiên số lượng còn ít, cần cố gắng nhiều để đến năm 2010 bảo đảm  70% lượng giống cây trồng, vật nuôi trong nước.

Ðại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt vấn đề: Ðến bao giờ có chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, nhằm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị đang ngày càng bị giãn rộng? Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho biết, hiện bộ đã có chiến lược cho nông dân. Cụ thể, một số chương trình đã được áp dụng tập trung nâng cao hiệu quả cạnh tranh, như đối với cây lúa, chọn giống lúa mới, chuyển giao các giải pháp kỹ thuật. Ðối với rau quả tập trung chọn tạo, phổ biến giống mới có chất lượng cao, tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ðối với chăn nuôi, sẽ tập trung cơ chế chính sách cùng địa phương hỗ trợ các biện pháp chăn nuôi tập trung. Ðiều chỉnh đối với đánh bắt hải sản ngoài khơi, xây dựng nuôi thủy sản bền vững ở đất liền.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu: Bùi Thị Bình (Hòa Bình), Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), Y-a-đúc (Lâm Ðồng) về vấn đề  vốn cho chương trình năm triệu ha rừng  bố trí còn thiếu, Bộ trưởng Cao Ðức Phát nêu rõ, do nhiều nguyên nhân, cho nên việc bố trí vốn cho chương trình này mới bảo đảm hơn 80%. Bộ sẽ báo cáo và kiến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả chương trình này theo Nghị quyết của QH. Bộ trưởng Cao Ðức Phát cũng đã trả lời các câu hỏi về giải pháp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, về việc "sống chung" với lũ và việc hỗ trợ vốn cho nông dân xóa đói, giảm nghèo.

Vấn đề cơ bản nhất vẫn là kết cấu hạ tầng giao thông

Trước khi trả lời chất vấn của các đại biểu QH, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng cho biết, lần trước, sau khi trả lời chất vấn của các đại biểu QH, Bộ trưởng đã được lưu ý về ba vấn đề: Trật tự an toàn giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và ùn tắc giao thông. Lần này Bộ trưởng đã nhận được nhiều ý kiến cử tri và đại biểu QH chất vấn về xây dựng cơ bản, giải ngân, chống ùn tắc giao thông và sự cố sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Bộ trưởng đã có văn bản trả lời đến các đại biểu có câu hỏi chất vấn.

Về tiến độ giải ngân các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông chậm so với kế hoạch, khả năng thực hiện giải ngân nguồn vốn từ Trái phiếu Chính phủ trong năm 2008, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, đến hết tháng 10-2007 đã giải ngân đạt 58,7% kế hoạch, vốn đối ứng ODA giải ngân được 10% kế hoạch, Trái phiếu Chính phủ giải ngân được 22% kế hoạch. Như vậy, kết quả thực hiện và giải ngân đều thấp, nhất là Trái phiếu Chính phủ.

Nguyên nhân, theo Bộ trưởng là do sự yếu kém của cơ quan quản lý Nhà nước và chủ đầu tư, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Yếu kém thứ hai là về khả năng tài chính của các nhà thầu (đây là nguyên nhân chính). Tiếp đó là thủ tục đầu tư xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều yếu kém, bất cập, chậm trễ, lúng túng, nhất là việc áp giá đền bù giải phóng mặt bằng. Rồi sự trượt giá sắt thép, vật liệu xây dựng (đều tăng 30-40%). Vì vậy phải điều chỉnh lại dự toán. Chất lượng, thủ tục giải ngân còn nhiều bất cập. Năm 2008, Chính phủ sẽ có quy định riêng về giải phóng mặt bằng, hy vọng sẽ tốt hơn.

Về trật tự an toàn giao thông, bộ đã có báo cáo tương đối toàn diện trình trước QH. Nguyên nhân của những yếu kém là do công tác quản lý Nhà nước còn bất cập, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân còn thấp. Giải pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài đã được thể hiện trong Nghị quyết 32 của Chính phủ. Theo đó, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, xây dựng chiến lược an toàn giao thông quốc gia đến năm 2020.

Về sự cố sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ, Bộ trưởng cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn đã được tiến hành. Bộ đã thành lập Tổ điều tra để tìm nguyên nhân sự cố, tham gia cùng Ủy ban điều tra Nhà nước điều tra nguyên nhân sự cố. Bộ đã lập phương án tháo gỡ hiện trường và rà soát lại thiết kế đoạn cầu này. Trách nhiệm thuộc về ai (nhà thầu, cơ quan quản lý đến đâu?) sau khi Ủy ban điều tra Nhà nước kết luận, sẽ báo cáo QH.

Sau khi trả lời các chất vấn gửi đến trước, nhiều đại biểu QH tiếp tục nêu chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại hội trường. Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ðức Hiền (Quảng Ngãi) về biện pháp hạn chế tai nạn giao thông do mô-tô, xe gắn máy gây ra (chiếm 75% tổng số vụ tai nạn giao thông), Bộ trưởng cho rằng, phải tiếp tục tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với người sử dụng phương tiện này tham gia giao thông; kiên quyết xử phạt và tăng mức xử phạt; phải tính đến khả năng giảm số lượng xe máy thay thế bằng các phương tiện giao thông công cộng (tàu điện trên không, tàu điện ngầm, xe buýt); giải phóng vỉa hè cho người đi bộ quãng đường ngắn và tăng lệ phí bảo trì đường bộ, môi trường nhằm hạn chế loại phương tiện này.

Về câu hỏi của đại biểu Danh Út (Kiên Giang): Các đường số 61, 63 và N1: trên địa bàn Kiên Giang làm chậm, gây ách tắc, tai nạn giao thông, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, nguyên nhân do lúc đầu bố trí vốn không đủ, phải chờ vốn, các nhà thầu khảo sát không kỹ do đó phải điều chỉnh thiết kế. Một số nhà thầu yếu về tài chính. Bộ sẽ kiểm tra thực tế hiện trường để có biện pháp giải quyết.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng đã lần lượt trả lời các câu hỏi của nhiều đại biểu khác nêu lên chung quanh vấn đề giải ngân, trật tự, an toàn giao thông, ùn tắc giao thông. Ðáng chú ý là, đại biểu Lương Phan Cừ (Ðác Nông) đề cập vấn đề ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở hai thành phố lớn: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trách nhiệm thuộc về ai (Chính phủ, Bộ GTVT, UBND các địa phương đến đâu?) và giải pháp tháo gỡ?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã thẳng thắn nhận: Bộ GTVT chịu trách nhiệm về quản lý Nhà nước về giao thông vận tải, trực tiếp là về cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông; Bộ Công an về hướng dẫn, cưỡng chế thi hành pháp luật về an toàn giao thông. Trong đô thị thì chính quyền địa phương chịu trách nhiệm. Bộ đã bàn với chính quyền hai thành phố nói trên để giải quyết tình trạng này như xây dựng tàu điện trên không, tàu điện ngầm, cầu vượt...

Ðại biểu Lương Ngọc Bính (Quảng Bình) quan tâm vấn đề đời sống của nhân dân hiện đang sống trong hành lang an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh, được trả lời rằng, phải di dời, nhưng hiện chưa có kinh phí thực hiện, vì chưa bố trí được nguồn vốn và cũng chưa bố trí được địa bàn chuyển đến, mà chỉ dừng lại ở việc yêu cầu dân không xây dựng nhà ở kiên cố. Sẽ báo cáo Chính phủ tìm cách giải quyết vốn.

Kết thúc phần trả lời của Bộ trưởng GTVT, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận xét các ý kiến nêu lên chủ yếu tập trung vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm, hứa sẽ xem xét, có giải pháp khắc phục. Ðây là vấn đề rất lớn, liên quan cả vấn đề quy hoạch. Lần sau, Bộ trưởng cần cho biết những gì đã làm được như đã hứa hôm nay.

Hạn chế việc nhập siêu, khuyến khích xuất khẩu hàng sản xuất trong nước

Lần đầu trả lời chất vấn trước QH, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nhận được câu hỏi của 12 đại biểu QH chung quanh các vấn đề nhập siêu còn lớn; việc cung ứng điện và đầu tư cho phát triển ngành điện, chiến lược phát triển của ngành ô-tô Việt Nam và một số vấn đề khác. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận việc nhập siêu mười tháng đầu năm 2007 là lớn, tỷ lệ tăng 27% so với năm 2006, nhưng theo Bộ trưởng, hiện tượng nhập siêu như hiện nay là không quá lo ngại, bởi nền kinh tế tăng trưởng cao, chủ yếu là nhập nguyên liệu, vật liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ nhập hàng tiêu dùng rất ít (giá trị chỉ hai tỷ USD trên hàng chục tỷ USD nhập nguyên, vật liệu).

Bên cạnh đó, hàng hóa nhập khẩu chịu tác động của việc tăng giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới, công tác dự báo thị trường của ta cũng chưa tốt, làm cho việc nhập siêu tăng cao so với trước.

Trước tình hình đó, Chính phủ và Bộ Công thương đang áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế, tiến tới cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu như: tăng xuất khẩu các mặt hàng truyền thống chủ lực, tìm các mặt hàng xuất khẩu mới; phát triển các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, phụ liệu (nhất là cho dệt may, xăng dầu, phân bón...); nghiên cứu, xây dựng các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ hàng sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu hàng trong nước đã sản xuất được; khuyến khích các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, tiêu hao nguyên vật liệu.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, theo kế hoạch phát triển ngành điện, từ nay đến năm 2015, ngành điện phát triển 18% mỗi năm, cố gắng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thông qua việc xây dựng và đưa vào hoạt động hàng chục nhà máy điện chạy bằng thủy điện, than, khí. Về phát triển ngành sản xuất ô-tô Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển của ngành này đến năm 2020, trong đó, dành ưu tiên cho sản xuất các loại xe tải, xe buýt, xe chuyên dụng. Ở thời điểm này, Việt Nam đã đáp ứng 80% nhu cầu các loại xe kể trên, tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 50%.

Các đại biểu: Vũ Hoàng Hà (Bình Ðịnh), Lê Thanh Liêm (Long An) và Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chung quanh việc làm thế nào hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng xuất khẩu mặt hàng nào "bù" vào việc nhập siêu; vấn đề hỗ trợ nông dân sản xuất hàng nông sản sau khi Việt Nam gia nhập WTO; làm thế nào có thể tự lo nguyên vật liệu trong nước cho ngành dệt may, hạn chế nhập khẩu?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Chính phủ và Bộ Công thương đều thấy rõ sự thua thiệt khi xuất khẩu nguyên liệu thô, nhưng trong điều kiện Việt Nam hiện nay, chúng ta phải chấp nhận xuất khẩu nguyên liệu thô một thời gian nữa, tiến tới giảm dần (nhất là khoáng sản); đồng thời sớm hoàn thành các công trình lọc dầu, tăng tỷ lệ sản xuất bông và sợi ở trong nước. Bên cạnh hàng nông sản là các mặt hàng xuất khẩu chính, Việt Nam đã có thể xuất khẩu các mặt hàng điện tử, máy vi tính, dây cáp điện...

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta vẫn hỗ trợ được nông dân và sản xuất nông nghiệp thông qua công tác khuyến nông, hỗ trợ giống, chuyển giao ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, mức hỗ trợ có thể cho phép tới 10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, đối với ngành dệt may, hiện nay chúng ta chỉ bảo đảm được 30% nguyên vật liệu là sản xuất trong nước, 70% còn lại phải nhập khẩu. Bài toán đặt ra là, chúng ta phải có cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất bông, sợi, các phụ liệu ngành may ở trong nước, hạn chế nhập khẩu.

Ðại biểu Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) nêu vấn đề cụ thể là điện lực Nghệ An yêu cầu địa phương phải lo đầu tư trạm và đường dây hạ thế đến các hộ sử dụng điện, mà theo luật, trách nhiệm đầu tư, xây dựng này thuộc ngành điện? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận việc này xảy ra ở một số địa phương, và không đúng luật! Ngành điện ở một số địa phương còn khó khăn về vốn đầu tư, cho nên đã đề nghị địa phương hỗ trợ đầu tư trước, sẽ thu hồi trả lại sau.

Các đại biểu Huỳnh Hoài Thu (Ðồng Tháp), Nguyễn Quốc Trị (Quảng Bình) nêu vấn đề tổ chức việc xúc tiến thương mại sao cho hiệu quả; việc bảo đảm an toàn điện, nhất là ở vùng lũ và nơi có đường dây điện 500KV chạy qua? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: Việc Việt Nam gia nhập WTO mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà kinh doanh, kể cả hộ nông dân có hàng hóa được giao thương xuất khẩu sản phẩm, cho nên công tác xúc tiến thương mại được đặc biệt coi trọng, giúp các nhà sản xuất giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu, gắn sản xuất với thị trường.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương khuyến khích và tổ chức các hội chợ, triển lãm về hàng hóa, tập huấn cho các nhà sản xuất, kinh doanh tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài, tăng hơn nữa hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận do quản lý còn lỏng lẻo, tình trạng nhiều loại hóa chất trôi nổi trên thị trường được sử dụng nhiều trong việc bảo quản, chế biến thực phẩm đã gây hại cho người tiêu dùng. Bộ Công thương sẽ sớm khắc phục vấn đề này, nhất là khi dự án Luật Hóa chất được QH xây dựng, thông qua và ban hành. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận "an toàn điện" đang là vấn đề bức xúc ở một số đô thị, ở vùng lũ, nơi có đường dây 500KV đi qua, sẽ có các giải pháp kỹ thuật khả thi để khắc phục.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận xét, tuy lần đầu được chất vấn trước QH, nhưng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trả lời gọn và rõ các vấn đề được nêu, đưa ra các giải pháp khắc phục có tinh thần trách nhiệm, mặc dù, nhiều câu hỏi chất vấn của đại biểu QH còn chưa tập trung.

Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với các sở, ngành và các trường học trên địa bàn thị xã
(HGĐT)- Ngày 16.11, tại phòng họp BTV Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với các sở, ngành và các trường học để nắm tình hình học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn thị xã Hà Giang.
17/11/2007
Khai mạc Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh lần thứ V
(HGĐT)- Sáng 14.11, tại sân vận động C10 thị xã Hà Giang, đã diễn ra Lễ khai mạc Hội khoẻ Phù Đổng lần thứ V.
15/11/2007
Họp Ban tổ chức Lễ hội Văn hóa Trà và Hội chợ Thương mại - Khuyến nông
(HGĐT)- Ngày 14.11, dưới sự chủ trì của đồng chí Trịnh Duy Quyền, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Văn hoá Trà và Hội chợ Thương mại - Khuyến nông của tỉnh, Ban tổ chức Lễ hội Văn hoá Trà và Hội chợ Thương mại - Khuyến nông của tỉnh đã họp để nghe các ngành báo cáo công tác chuẩn bị.
14/11/2007
Cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Ðảng
Sáng 13-11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh làm việc với Ủy ban Kiểm tra T.Ư Ðảng. Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
14/11/2007