Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13
Các nhà lãnh đạo ký Hiến chương ASEAN và thông qua Ðề cương thúc đẩy triển khai xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN
08:47, 21/11/2007
Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 20-11 tại Singapore, phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 đã khai mạc với chủ đề "Một ASEAN ở trái tim của châu Á năng động".
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang tích cực kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Hiệp hội, với quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối thông qua việc thúc đẩy mục tiêu xây dựng Cộng đồng và Hiến chương ASEAN.
Trong bài phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long đã nêu bật những thành tựu của ASEAN trong 40 năm qua và phương hướng hội nhập sâu rộng hơn cũng như vai trò cầu nối trong hợp tác phát triển của ASEAN trong thời gian tới.
Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, vào tuổi 40, ASEAN nhìn lại với lòng tự hào về hòa bình và sự ổn định đã mang đến một khu vực thống nhất và đa dạng. Kể từ Tuyên bố Bangkok (Thái-lan) năm 1967, ASEAN đã đi được một chặng đường dài. Ngày nay, sự hợp tác trong khu vực đã mở sang rất nhiều lĩnh vực, ASEAN được công nhận như là một tổ chức khu vực bền vững và không thể tách rời trong cấu trúc của toàn vùng.
Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh: "Ðể bảo đảm ASEAN vững mạnh và thích nghi với tình hình mới, chúng ta phải tăng tốc độ hội nhập sâu hơn vào khu vực. Hiến chương ASEAN là một bước then chốt trong quá trình này, làm cho ASEAN gắn kết và hiệu quả hơn với một khuôn khổ cơ bản dựa trên các luật định, cũng như làm thông thoáng hơn quá trình ra các quyết định, và tất cả điều này giúp cho toàn ASEAN hội nhập nhanh hơn trong những năm tới đây. Hiến chương cũng thể hiện mong muốn của chúng ta về một cộng đồng ASEAN mạnh mẽ và gắn kết dựa trên ba trụ cột chính kinh tế, xã hội và an ninh".
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng cho rằng, một ASEAN hội nhập sẽ có vị trí mạnh mẽ hơn với các đối tác bên ngoài cũng như củng cố mối liên kết của ASEAN với các nền kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới. Bằng việc thể hiện sự gắn kết, ASEAN có thể tìm kiếm cơ hội đang mở ra, đồng thời ASEAN cũng phải chịu trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và có khả năng đáp ứng sức ép của toàn cầu.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thảo luận và cho ý kiến chỉ đạo về phương hướng thúc đẩy triển khai một cách hiệu quả và đồng bộ các chương trình, kế hoạch hành động hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm mục tiêu hoàn thành Cộng đồng vào năm 2015.
Theo đó, các nhà lãnh đạo đã thông qua Ðề cương thúc đẩy triển khai xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và ký Tuyên bố về Ðề cương Cộng đồng kinh tế ASEAN, khẳng định quyết tâm xây dựng Cộng đồng kinh tế theo đúng lộ trình. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng giao cho các bộ trưởng và các cơ quan chức năng nghiên cứu sớm hoàn tất Ðề cương về Cộng đồng Chính trị - an ninh (APSC) và Cộng đồng Văn hóa-xã hội (ASCC). Các nhà lãnh đạo đồng ý rằng thu hẹp khoảng cách phát triển vẫn là một nhiệm vụ quan trọng, tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập và liên kết của Hiệp hội, vì vậy cần gắn các chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển như Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) với các mục tiêu rộng lớn hơn của hội liên kết ASEAN.
Các nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh cam kết của Singapore đóng góp 30 triệu dollar Singapore cho giai đoạn ba của IAI và 500.000 USD cho Quỹ phát triển ASEAN.
Một nội dung quan trọng được các nhà lãnh đạo quan tâm là Dự thảo Hiến chương ASEAN do Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) đệ trình sau quá trình một năm soạn thảo khẩn trương, tích cực.
Các nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng với kết quả làm việc của Nhóm HLTF, đồng thời đánh giá cao những đóng góp của Nhóm các nhân vật nổi tiếng (EPG) cho tiến trình xây dựng Hiến chương.
Các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua dự thảo và ký Hiến chương ASEAN, coi đây là một bước ngoặt quan trọng, góp phần đưa ASEAN trở thành một tổ chức liên chính phủ ở khu vực, có tư cách pháp nhân, hợp tác và liên kết chặt chẽ hơn, đoàn kết, thống nhất hơn.
Nhân dịp này, các nhà lãnh đạo cũng ký Tuyên bố khẳng định quyết tâm chính trị của các nước sớm tiến hành thủ tục phê chuẩn để Hiến chương có hiệu lực cũng như cam kết thực hiện Hiến chương.
Với các vấn đề có tính toàn cầu như năng lượng, môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tập trung thảo luận về phương hướng và biện pháp tăng cường hợp tác trong Hiệp hội cũng như mở rộng hợp tác với các bên đối thoại để phòng ngừa và đối phó với thảm hoạ thiên tai do quá trình biến đổi khí hậu gây ra, tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Trên tinh thần đó, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua và ký Tuyên bố ASEAN về Môi trường bền vững, Tuyên bố ASEAN về Phiên họp lần thứ 13 của Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) và Phiên họp lần thứ ba Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Kyoto, thể hiện cam kết chính trị của ASEAN thực hiện các mục tiêu đề ra trong các công ước quốc tế này.
Bên cạnh các vấn đề hợp tác nội khối ASEAN, các nhà lãnh đạo cũng dành thời gian thảo luận về phương hướng và biện pháp nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa ASEAN với các bên đối thoại, thông qua việc đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận về đối tác-hợp tác toàn diện, với trọng tâm là hợp tác kinh tế - thương mại và hợp tác phát triển thông qua việc ký kết các thỏa thuận lập khu vực mậu dịch tự do (FTA) với các bên đối thoại quan trọng.
Các nhà lãnh đạo khẳng định ASEAN cần tiếp tục giữ vững vị trí chủ đạo của mình trong các tiến trình hợp tác khu vực do chính ASEAN khởi xướng như ASEAN+3, Cấp cao Ðông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), đồng thời cần tích cực phối hợp chặt chẽ để phát huy hơn nữa vai trò tại các diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng khác như ASEM, APEC, LHQ.
Về tình hình khu vực và quốc tế thời gian qua, các nhà lãnh đạo đã nghe Thủ tướng Myanmar thông báo tình hình và kết quả làm việc với ông Gambary, Ðặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ. Các nhà lãnh đạo nhất trí Myanmar cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổng Thư ký LHQ và đặc phái viên Gambary để giải quyết những vấn đề khó khăn hiện nay. Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Myanmar.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh việc ASEAN ký bản Hiến chương, coi đó là một mốc quan trọng trong sự phát triển của ASEAN, nhằm tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế để ASEAN tăng cường đoàn kết, thống nhất và đẩy mạnh liên kết nội khối, tiến tới hoàn thành mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ khẩn trương tiến hành các thủ tục phê chuẩn cần thiết, để cùng với các nước thành viên làm cho Hiến chương có hiệu lực, đồng thời nhất trí trong giai đoạn tới, ASEAN cần tăng cường hợp tác và đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực hướng tới xây dựng Cộng đồng một cách hiệu quả và đồng bộ trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, theo đúng lộ trình và mục tiêu đã đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ sự ủng hộ và tham gia tích cực của Việt Nam vào các nỗ lực chung của ASEAN trong việc đối phó các vấn đề toàn cầu đang nổi lên như biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường vì những ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và đời sống của người dân.
Nhân dân
Ý kiến bạn đọc