Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nhật Bản cấp Nhà nước
09:16, 30/11/2007
Tối 29-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Nhà nước ta đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nhật Bản cấp Nhà nước theo lời mời của Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu. * Thúc đẩy hợp tác kinh tế từ chiều sâu văn hóa
Trong thời gian chuyến thăm từ ngày 25-11 đến 29-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã hội kiến với Nhà vua Nhật Bản Akihito; hội đàm với Thủ tướng Yasuo Fukuda; gặp Chủ tịch Hạ viện Kono Yohei và Chủ tịch Thượng viện Eda Satsuki; tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ma-xa-hi-cô Cô-mư-ra, Chủ tịch Ðảng CS Nhật Bản Ca-dư-ô Si-i, một số tổ chức và tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản. Chủ tịch nước cũng đã tham dự và phát biểu tại các Diễn đàn kinh tế Nhật Bản - Việt Nam ở Tokyo và Osaka; đi thăm cơ sở sản xuất của một số tập đoàn kinh tế của Nhật Bản. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân đã đi thăm cố đô Kyoto và thành phố Osaka.
Trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên đi theo đoàn, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá chuyến thăm đã thu được những kết quả hết sức tốt đẹp; hai bên đạt được sự nhất trí cao về những vấn đề đưa ra thảo luận, hứa hẹn triển vọng nâng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới trong tương lai.
Về triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho biết, các tập đoàn kinh tế của Nhật Bản mà Chủ tịch nước tiếp xúc trong chuyến thăm lần này đều bày tỏ cam kết mở rộng đầu tư tại Việt Nam và mong nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam.
Về các dự án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho biết: "Trước đây, Chính phủ Nhật Bản đã thỏa thuận tài trợ cho Việt Nam trong một số dự án quan trọng. Nhưng, trước tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng, gây bức xúc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Yasuo Fukuda, tôi đã đề nghị Nhật Bản tích cực tham gia dự án phát triển giao thông đô thị ở hai thành phố này và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Thủ tướng Nhật Bản. Nếu tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không được nhanh chóng giải quyết, điều này sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển chung của cả đất nước".
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói thêm rằng, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam tiến hành khảo sát và lên kế hoạch đầu tư cho hai dự án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cho đến nay, phía Nhật Bản chưa có cam kết cụ thể về hỗ trợ vốn xây dựng hai dự án này; nhưng tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước đã đề nghị trước mắt phía Nhật Bản có thể hỗ trợ vốn xây dựng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ 2-3 tuyến tàu điện ngầm. Nhưng, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, về tổng thể, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ hai dự án tàu điện ngầm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tin tưởng, những kết quả tốt đẹp của chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước, tăng thêm sự hiểu biết, sự tin cậy lẫn nhau và mong muốn hợp tác ngày càng nhiều hơn trong tương lai.
* Kết thúc chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi điện cảm ơn Thủ tướng Yasuo Fukuda. Bức điện viết: "Rời đất nước Nhật Bản tươi đẹp, kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước, một lần nữa, tôi xin gửi tới Nhà vua Akihito và Hoàng hậu, Ngài Thủ tướng và qua Ngài tới nhân dân Nhật Bản lời cảm ơn chân thành về sự đón tiếp trọng thị và thân tình đã dành cho tôi, nhà tôi và đoàn đại biểu Việt Nam.
Trở về Việt Nam, chúng tôi mang theo và trân trọng giữ gìn tình hữu nghị và tình cảm thân thiết của Nhà vua, Hoàng hậu và Hoàng gia Nhật Bản, của Ngài Thủ tướng và nhân dân Nhật Bản đối với đất nước và nhân dân Việt Nam, những ấn tượng hết sức tốt đẹp và sâu đậm về thành công của chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của tôi trên cương vị Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với lòng mong muốn và quyết tâm của chúng ta theo tinh thần của Tuyên bố chung "Làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản", tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước sẽ ngày càng được tăng cường và phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Chúc Quý quốc phồn vinh, nhân dân Nhật Bản hạnh phúc.
Chúc Ngài Thủ tướng mạnh khỏe, giành nhiều thành tựu trên cương vị cao cả của mình".
* Trước khi rời Nhật Bản, sáng 29-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm thành phố Osaka, chặng dừng chân cuối trong chuyến thăm Nhật Bản cấp Nhà nước. Thành phố Osaka nằm ở cửa sông I-ô-đô, bên Vịnh Osaka thuộc vùng Kansai, trước đây là thủ đô thương mại của Nhật Bản. Osaka hiện nay là trung tâm của vùng đô thị Osaka - Kobe - Kyoto, lớn thứ hai Nhật Bản, với dân số trên 19 triệu người.
Ngay khi đến Osaka, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Nhật Bản - Việt Nam tổ chức tại khách sạn New Otani. Diễn đàn do Liên đoàn kinh tế Kansai (Kankeiren), Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JEITRO), Phòng Thương mại Kansai và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức, thu hút khoảng 600 doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản tham dự.
Phát biểu ý kiến tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản những năm qua đang có sự tăng trưởng đáng kể cả về lượng và chất. Trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, Nhật Bản thực sự đã thể hiện là một đối tác toàn diện và tham gia, hỗ trợ tích cực vào phát triển kinh tế ở Việt Nam. Hai nước đã ký Hiệp định đầu tư, thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản và hiện đang nỗ lực để đạt được việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) Việt Nam - Nhật Bản. Chủ tịch nước tin tưởng, EPA sớm được ký sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam và mở rộng quan hệ thương mại song phương, đồng thời thúc đẩy sự giao lưu giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, giáo dục, văn hóa và du lịch.
Chủ tịch nước cho rằng, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển rất tốt đẹp và đem lại cho hai bên nhiều lợi ích. Tuy vậy, tiềm năng của hai bên còn rất lớn. Việc kết hợp các nguồn lực có thể bổ sung cho nhau là cơ hội hợp tác to lớn và hiệu quả giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản, trong đó có các nhà đầu tư từ Osaka đến tìm hiểu, đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, cùng với Việt Nam tạo ra sự thịnh vượng chung cho hai nước và cho toàn bộ khu vực.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: "Các tập đoàn kinh tế Nhật Bản có thể băn khoăn rằng, điều kiện và môi trường đầu tư ở Việt Nam có thuận lợi gì, khó khăn thế nào? Về những thuận lợi, thứ nhất, môi trường đầu tư ở Việt Nam đang ngày càng thông thoáng, cởi mở hơn; kế đến là Việt Nam có đội ngũ lao động trẻ, cần cù, siêng năng và nhanh chóng tiếp thu những cái mới mà doanh nghiệp yêu cầu; hơn nữa, chi phí đầu tư ở Việt Nam tương đối thấp. Một điều đặc biệt tự hào của Việt Nam là có môi trường chính trị ổn định, làm yên lòng các nhà đầu tư; và cuối cùng, Việt Nam luôn niềm nở chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, ở Việt Nam vẫn còn những yếu kém, tồn tại, và thậm chí cả khuyết điểm. Trước hết, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư; ngành công nghiệp phụ trợ để phát triển công nghiệp còn hạn chế; lực lượng cán bộ có năng lực quản lý, trình độ khoa học kỹ thuật cao còn thiếu. Tuy nhiên, những yếu kém này sẽ được bổ sung nhờ sự hợp tác, nguồn đầu tư của Chính phủ và các tập đoàn kinh tế Nhật Bản. Ðiểm tồn tại nữa của Việt Nam là thủ tục hành chính còn chậm. Ðây là khuyết điểm của Việt Nam, nhưng chúng tôi đang quyết tâm khắc phục nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam".
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá, hoạt động đầu tư của các tập đoàn kinh tế Nhật Bản đã được triển khai trên nhiều vùng miền kinh tế của Việt Nam và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Chủ tịch nước hy vọng, với vai trò là một trung tâm kinh tế lớn của Nhật Bản, Osaka sẽ có những hoạt động hợp tác gắn kết với các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam để đầu tư phát triển những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chế tác, công nghiệp phụ trợ, điện tử, thông tin, chế biến xuất khẩu, thương mại và dịch vụ...
Cùng ngày, tại Osaka, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp cựu Chủ tịch Liên đoàn kinh tế Kansai (Kankeiren) I-ô-si-hi-xa A-ki-y-a-ma, cựu nghị sĩ Oa-đa và Giám đốc Hội Hữu nghị Nhật - Việt vùng Kansai; dự chiêu đãi do Thống đốc tỉnh Osaka, Thống đốc tỉnh Hi-ô-gô, Thị trưởng thành phố Osaka, Thị trưởng thành phố Xa-cai, Kankeiren và Phòng Thương mại Osaka tổ chức chào mừng Chủ tịch nước. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã đi thăm Nhà máy sản xuất màn hình TV Plasma của hãng Panasonic, thăm cơ sở lọc dầu của Tập đoàn dầu khí Nhật Bản, thăm đường băng mới của sân bay Kansai.
nhandan
Ý kiến bạn đọc