Giải “bài toán” chất lượng cán bộ cơ sở ở Hoàng Su Phì

15:51, 31/10/2007

(HGĐT)- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở (CBCS) có năng lực, phẩm chất để chỉ đạo, điều hành, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ là một trong những việc rất quan trọng của công tác cán bộ. Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của công tác này, huyện Hoàng Su Phì đang thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm tạo sự chuyển biến căn bản cả lượng và chất của CBCS.


Sau nhiều nỗ lực nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác cán bộ, đến nay đội ngũ CBCS của Hoàng Su Phì bước đầu đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng. Tuy còn nhiều hạn chế nhưng CBCS đã chỉ đạo, điều hành công việc mang tính khoa học hơn. Chất lượng CBCS hiện nay so với trước năm 2005 có sự khác biệt rất lớn, trình chuyên môn, lý luận chính trị được nâng lên nhiều. Hoàng Su Phì hiện có trên 470 CBCS với khoảng 260 cán bộ chuyên trách, trên 210 cán bộ công chức xã. Nhiều CBCS đã có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp lý luận chính trị và quản lý nhà nước. CBCS đã tích cực tham gia các lớp đào tạo, tự trang bị kiến thức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. ở nhiều nơi, chính quyền địa phương đã cắt cử cán bộ tham gia các lớp đại học tại chức nông - lâm nghiệp, văn hóa và các lớp quản lý nhà nước, lý luận chính trị… Qua đó, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của CBCS từng bước được nâng lên. Các đợt đánh giá, xếp loại gần đây cho thấy đa số CBCS giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, có ý thức kỷ luật, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.


Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, một bộ phận CBCS chưa năng động, chưa trang bị cho mình kiến thức cần thiết để điều hành, thực hiện hiệu quả công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Số CBCS chưa có trình độ chuyên môn còn chiếm tỷ lệ cao. Lề lối, tác phong làm việc của nhiều cán bộ công chức xã chậm đổi mới, có lúc, có nơi xuất hiện biểu hiện trì trệ, ỷ lại, quan liêu dẫn đến việc chỉ đạo, nắm tình hình ở cơ sở không chặt chẽ, không giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh. Vấn đề giải quyết cho nghỉ việc, thôi không tham gia công tác đối với những cán bộ năng lực yếu, không đủ sức khỏe ở nhiều trường hợp còn gặp vướng mắc, trong khi đó cấp ủy, chính quyền cơ sở lại thiếu cương quyết. Trong đánh giá phê bình, tự phê bình của cán bộ nhiều nơi còn mang tính hình thức, tinh thần trách nhiệm và tính xây dựng chưa cao, có biểu hiện nể nang, né tránh... Những hạn chế trong công tác cán bộ và năng lực của CBCS đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT-XH của huyện. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải có sự đổi mới trong công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ CBCS có năng lực đủ mạnh để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ.

 

Nhận xét về đội ngũ cán bộ và công tác CBCS, Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì, Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Đã có chuyển biến nhưng chưa sâu, chưa chủ động tham mưu, đề xuất hướng giải quyết công việc của địa phương. Vấn đề này có nguyên nhân sâu xa do yếu tố lịch sử để lại. Trước đây, việc lựa chọn, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ ở nhiều địa phương không hợp lý, không được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến thực tế là khi thực hiện quy định chức danh cán bộ công chức xã, số cán bộ hiện đang công tác không đủ tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ cao. Nhiều cán bộ xã có biểu hiện của sự cục bộ, khép kín, dòng họ, nhiều công chức xã vẫn làm việc tùy tiện theo kiểu thích thì đến trụ sở, không thì ở nhà giải quyết việc riêng, ai cần đến gọi...


Nâng cao năng lực cán bộ và công tác CBCS là cuộc “thay máu” nhằm tạo chuyển biến sâu sắc trong mỗi cán bộ về lề nối, tác phong làm việc sao cho theo kịp với xu hướng của sự phát triển. Bí thư Huyện ủy Triệu Tài Vinh khẳng định như vậy. Và chắc chắn Hoàng Su Phì sẽ làm tốt điều này bởi lẽ, toàn huyện có khoảng 140 cán bộ không chuyên trách, trên 400 học sinh đã tốt nghiệp PTTH từ năm 2001 đến nay, khoảng 70 người trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chưa có việc làm, 14 tri thức trẻ hợp đồng công tác xã trình độ từ trung cấp trở lên chưa bố trí được vào cán bộ công chức xã. Đây là đội ngũ kế cận có trình độ cơ bản, có thể bố trí vào các chức danh ở cơ sở. Quan điểm của huyện đối với “bài toán” chất lượng CBCS phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn đội ngũ cán bộ hiện nay. Từ đó, có lộ trình, kế hoạch, bước đi vững chắc. Trên cơ sở đó, mục tiêu đặt ra trong thời gian tới phải đạt trên 70% cán bộ xã, thị trấn có trình độ từ THPT, trung cấp chuyên môn, trung cấp chính trị trở lên. Huyện sẽ điều tra, thống kê số học sinh tốt nghiệp THPT, trung học chuyện nghiệp, đại học là con em của huyện, đưa vào dự nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện kế hoạch đào tạo cán bộ, hàng năm có chương trình cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phấn đấu mỗi năm đào tạo, bồi dưỡng từ 30% cán bộ xã, thị trấn trở lên.


Chủ trương nâng cao năng lực cán bộ và công tác CBCS của Hoàng Su Phì đã được triển khai sâu rộng đến các cấp ủy đảng, chính quyền. Một số cán bộ không đủ năng lực đã xin thôi việc, nhiều cán bộ trẻ đã tự học, tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ. Đến nay, nhiều xã, cán bộ chủ chốt đã có trình độ đại học, lý luận chính trị… Vì vậy, nhận thức của họ trong việc ra nghị quyết, chỉ đạo, điều hành công việc đã có nhiều đổi mới. Với quyết tâm giải “bài toán” chất lượng CBCS và công tác cán bộ, hy vọng trong tương lai không xa, Hoàng Su Phì sẽ có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa Hoàng Su Phì ngày càng phát triển.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quốc hội thảo luận kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2007, phương án dự toán ngân sách năm 2008
Với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, trong chương trình làm việc ngày 30-10, Quốc hội đã thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2007, phương án dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, phân bổ ngân sách T.Ư và bổ sung ngân sách địa phương năm 2008.
31/10/2007
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Thủ tướng Chính phủ CHDCND Triều Tiên Kim Yong Il
Tại buổi tiếp thân mật Thủ tướng Chính phủ CHDCND Triều Tiên Kim Yong Il sáng 29-10, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt Nam - Triều Tiên, qua thử thách sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau không ngừng được nâng lên.
30/10/2007
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
Ngày 29/10, sau khi tham dự Hội chợ và Hội nghị Thượng đỉnh về Thương mại và Đầu tư ASEAN-Trung Quốc lần thứ 4 và thăm Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
29/10/2007
Đảng bộ Yên Minh sau 2 năm thực hiện Nghị quyết XV
(HGĐT)- Nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Minh khóa XV (nhiệm kỳ 2005 - 2010) xác định: Tập trung chuyển đổi cây, con, phát triển đô thị hình thành 3 thị tứ, thúc đẩy dịch vụ, thương mại hướng ra mậu dịch biên giới.
29/10/2007