Đảng bộ Yên Minh sau 2 năm thực hiện Nghị quyết XV
(HGĐT)- Nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Minh khóa XV (nhiệm kỳ 2005 - 2010) xác định: Tập trung chuyển đổi cây, con, phát triển đô thị hình thành 3 thị tứ, thúc đẩy dịch vụ, thương mại hướng ra mậu dịch biên giới.
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết XV, các mục tiêu đã dần hình thành, phát triển rõ nét. Trong sản xuất nông nghiệp, Yên Minh xác định đầu tư chuyển cây đậu tương thành cây “hàng hóa”. Lấy cơ chế chính sách hỗ trợ giống, một phần phân bón, lãi suất vay đầu tư (huyện trả lãi trong vòng 3 năm) để thúc đẩy cây hàng hóa, con hàng hóa (trâu, bò, dê). Riêng đối với cây đậu tương, sau hơn 2 năm tập trung chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, thâm canh, chuyển cơ bản diện tích đất trồng màu sang trồng đậu tương cả 2 vụ, kết quả cho thấy: Đến hết vụ mùa năm nay, diện tích đậu tương của Yên Minh cả năm là 3.736,7 ha, đạt 117% so với mục tiêu kế hoạch đề ra nhờ thâm canh tốt, giống tốt, chỉ đạo gieo trồng kịp vụ, năng suất bình quân đạt 12 tạ/ha. Khảo sát mới đây cho thấy, giá đậu tương thương phẩm trên thị trường huyện là 10-12.000 đồng/kg. Một nguồn thu rất đáng khích lệ đối với đông đảo bà con Yên Minh, làm cho họ yên tâm chuyển đổi và nhiều cơ hội để các hộ thoát nghèo. Từ chỗ cây đậu tương chưa có ưu thế trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây cây đậu tương của Yên Minh đã đạt và vượt cả về diện tích, năng suất so với một số huyện trọng điểm về trồng đậu tương thuộc miền Tây.
Chăn nuôi đại gia súc cũng “gặt” nhiều thành công. Đến thời điểm tháng 10.2007, Yên Minh có tổng đàn gia súc gần 76.000 con. Trong đó đàn trâu, bò, dê số lượng tăng mạnh, 2.100 con so với cùng kỳ, đạt 96% kế hoạch đề ra. Toàn huyện hiện có 56 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung có số lượng từ 10 - 50 con/trang trại. Chính các mô hình trang trại đã tạo ra “đầu kéo” khuyến khích và thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi, Yên Minh trồng trên 700 ha cỏ và luôn coi trọng công tác tiêm phòng chống dịch định kỳ để lưu đàn. Trong vài tháng gần đây, huyện đã tạo cơ chế hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng 3 năm cho 1.222 hộ nghèo được vay vốn, mua 1.017 con gia súc (chủ yếu là trâu, bò). Ngoài đàn đại gia súc, Yên Minh còn có các trang trại và mô hình nuôi: Gà đen, vịt, nuôi thỏ có số lượng lớn vài trăm con/hộ. Các chương trình nuôi cá, tôm càng xanh, nuôi ếch... đã đi vào thực tế được người dân tiếp tục đầu tư mở rộng tạo ra nhiều triển vọng lớn thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Điều đáng ghi nhận nhất để đàn gia súc, gia cầm phát triển, đi vào đời sống chính là sự kết hợp giữa các nguồn giống du nhập để lai tạo nguồn giống địa phương, giữ gìn được nguồn gen quý, có khả năng thích ứng cao trong tiểu vùng khí hậu, đất đai của Yên Minh trong chuyển đổi, tạo thành hướng đi mới.
Trong mục tiêu phát triển đô thị, hình thành thị tứ, Yên Minh coi trọng ngay từ khâu huy động nhân lực tại chỗ để mở đường giao thông nông thôn, tạo tiền đề hạ tầng hình thành, phát triển toàn diện. Qua 10 tháng năm nay, người dân Yên Minh đã mở mới 109 km đường, có 36 km đường loại B giao thông nông thôn. Hoàn thành đường giao thông nông thôn, mở chợ ở cả 18/18 xã đã đưa Yên Minh về trước Nghị quyết XV ngay giữa nhiệm kỳ đại hội đề ra.
Có đường, có chợ, có hàng hóa trong chăn nuôi, trồng cấy đã tạo cho bộ mặt nông thôn Yên Minh nhộn nhịp hơn, giao thông mậu dịch, dịch vụ sôi nổi hẳn. Nắm bắt cơ hội đó, Yên Minh đã, đang tập trung hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng Bạch Đích, Mậu Duệ, Lũng Hồ thành các trung tâm cụm xã, tiến tới hình thành các thị tứ, tạo “đầu tàu” lôi kéo các xã, vùng lân cận phát triển. Hiện nay, khu mậu dịch biên giới Bạch Đích đã cơ bản hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng và đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cho phép đầu tư bước đầu 5 tỷ đồng, để xây dựng chợ biên giới có quy mô. Tại xã Mậu Duệ đã cơ bản san ủi, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện điện, nước và quy hoạch dân cư, nâng cấp từ cụm xã lên thị tứ Mậu Duệ vào cuối năm 2008. Đi đôi với quy hoạch, nâng cấp Bạch Đích, Mậu Duệ, khu trung tâm cụm xã Lũng Hồ cũng đã hoàn chỉnh công tác đo đạc đất đai, đền bù, giải tỏa để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thành một trung tâm thị tứ, lôi kéo sự phát triển của các xã: Đường Thượng, Du Già, Du Tiến. Theo tiến độ hiện nay, đến cuối 2008, đầu năm 2009, Lũng Hồ sẽ được nâng cấp thành thị tứ. Ngoài việc tập trung xây dựng, thu hút dân cư, thu hút đầu tư để phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại trung tâm thị trấn Yên Minh, thì việc mở, quy hoạch, nâng cấp 3 xã thành thị tứ sẽ tạo “đòn bẩy” đưa ngành kinh tế thương mại, dịch vụ của Yên Minh phát triển đều khắp ở: Trung tâm, biên giới và khối các xã lân cận. Đồng thời cũng tạo nhiều cơ hội thuận lợi để thu hút đầu tư trong, ngoài nước vào huyện, nhằm thúc đẩy kinh tế, sớm đưa Yên Minh thoát khỏi huyện nghèo vào cuối năm 2010, đó cũng là mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện khóa XV đề ra.
Bằng định hướng đúng, có giải pháp thích hợp, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ Yên Minh đã cho những thành công đáng ghi nhận.
Ý kiến bạn đọc