Cải cách nền hành chính Nhà nước

Kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước: Những tiến bộ và những vấn đề đặt ra

08:20, 26/10/2007

Qua bảy năm thực hiện cho thấy, hiệu lực, hiệu quả quản lý của hệ thống hành chính đã được nâng lên, không chỉ thể hiện trong điều kiện bình thường mà còn được bảo đảm trong những tình huống cấp bách như thiên tai, dịch bệnh.


Cải cách tổ chức bộ máy nhà nước là một bộ phận của chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2001 - 2010. Qua bảy năm thực hiện cho thấy, hiệu lực, hiệu quả quản lý của hệ thống hành chính đã được nâng lên, không chỉ thể hiện trong điều kiện bình thường mà còn được bảo đảm trong những tình huống cấp bách như thiên tai, dịch bệnh. Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính từ T.Ư đến địa phương đã từng bước được sắp xếp lại.

Một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện

Trước năm 2001, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được rà soát, sắp xếp lại nhiều lần, qua đó, đã loại bỏ nhiều khâu trung gian. Trong chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2001-2010, một nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là điều chỉnh, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong hệ thống hành chính, khắc phục những chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Ở cấp T.Ư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đi đầu thực hiện theo hướng này.

Ngay những năm đầu triển khai thực hiện chương trình tổng thể, một số loại công việc trước đây do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết, đã được chuyển cho các bộ, ngành ở T.Ư và phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện. Ở nhiệm kỳ trước, Chính phủ đã xây dựng và ban hành đầy đủ các Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành T.Ư. Việc làm này, trên thực tế đã mang lại kết quả kép.

Ðó là vừa khắc phục được một bước những chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước, thực hiện nguyên tắc: Một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện; vừa phân cấp tiếp một số việc cho chính quyền địa phương các cấp thực hiện. Việc phân cấp đã được thực hiện trong thực tế trên nhiều lĩnh vực, theo xu hướng chọn đúng việc để phân cấp và khi đã phân cấp thì chính quyền địa phương chịu trách nhiệm.

Thí dụ, thẩm quyền giao đất, cấp đất, thu hồi đất trước đây vừa thuộc Thủ tướng Chính phủ vừa thuộc Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thì nay đã giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Chính phủ cũng phân cấp thẩm quyền cho địa phương quyết định các dự án đầu tư, phân cấp về ngân sách, giáo dục, y tế, về quyết định tổ chức bộ máy và biên chế sự nghiệp.

Cho đến nay, có thể nói, so với trước đây, thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp đã có sự gia tăng và mở rộng đáng kể. Ðặc biệt là, đối với hai thành phố lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Chính phủ đã ban hành các Nghị định riêng về phân cấp cho hai thành phố này. Qua đó, phát huy tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của thành phố được phân cấp.

Ở cấp độ thứ hai, các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tiếp tục thực hiện việc phân cấp cho huyện và xã trên một số lĩnh vực. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các tỉnh, thành phố đã phân cấp cho cấp huyện phê duyệt dự án đầu tư dưới năm tỷ đồng, phân cấp về nguồn thu và nhiệm vụ chi, về cấp phép xây dựng, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Có tỉnh như Lâm Ðồng còn mạnh dạn phân cấp cho cấp huyện trực tiếp quản lý Trạm thú y, Trạm bảo vệ thực vật...

Trong quá trình cải cách tổ chức bộ máy, bước đầu chúng ta đã phân biệt hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, đơn vị dịch vụ công; đã tạo lập được những cơ sở để tiếp tục quá trình tách rõ hành chính với doanh nghiệp, hành chính với sự nghiệp. Ðây là những kết quả rất có ý nghĩa khi mà trong tổ chức bộ máy hành chính ở nước ta còn nhiều tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công thuộc các bộ, ngành và chính quyền các cấp ở địa phương.

Nhờ đạt được những kết quả trong việc phân định chức năng, thẩm quyền và phân cấp nói trên mà tổ chức bộ máy hành chính đã được sắp xếp lại tinh gọn hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Ở T.Ư, tổng số đầu mối của Chính phủ nhiệm kỳ 1997 - 2002 là 48, trong đó có 24 bộ, cơ quan ngang bộ, đến nhiệm kỳ 2002 - 2007 rút xuống còn 39 đầu mối, trong đó có 26 bộ, cơ quan ngang bộ và 13 cơ quan trực thuộc. Nhiệm kỳ mới này (2007 - 2011), Chính phủ chỉ còn 30 đầu mối, gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và tám cơ quan trực thuộc.


Như vậy là tổ chức bộ máy ở T.Ư đã sắp xếp theo hướng hình thành các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tách dần chức năng quản lý nhà nước với quản lý sản xuất, kinh doanh; phân biệt chức năng của cơ quan hành chính công quyền với chức năng của các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công cộng. Ở các địa phương, theo đó, tổ chức các cơ quan chuyên môn cũng được đổi mới, sắp xếp phù hợp với tổ chức ngành ở T.Ư và điều kiện cụ thể của địa phương.

Trong những tháng tới đây, chắc chắn Chính phủ sẽ ban hành các Nghị định mới quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Nghị định quy định về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo hướng tinh gọn hơn, hiệu quả hơn.

                   

                  Thủ tục thông quan tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái
                     (Quảng Ninh) ngày càng được thực hiện nhanh.

Những vấn đề quan tâm

Theo báo cáo về triển vọng môi trường kinh doanh năm 2008 do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 26-9-2007, Việt Nam tăng 13 bậc so với năm ngoái. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn xếp thứ 91/178 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ thuận lợi trong môi trường kinh doanh. Một số lĩnh vực như đóng thuế hay giải thể doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện được nhiều.

Chẳng hạn, trong đóng thuế, Việt Nam vẫn chỉ xếp vị trí 128. Các doanh nghiệp còn phải mất rất nhiều thời gian để hoàn tất các thủ tục liên quan đến đóng thuế. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, có phần bất cập của bộ máy các cơ quan nhà nước vẫn còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Ðặc biệt là trong việc phối hợp, kết hợp giải quyết công việc của dân, của doanh nghiệp.

CCHC giờ đây đã có mô hình "một cửa" và "một cửa liên thông", nhưng trên thực tế còn không ít trường hợp hồ sơ đầy đủ rồi nhưng vẫn bị ách tắc vì "liên thông" chỉ mới dừng lại ở cấp tỉnh. Mỗi khi có việc phải đến cơ quan công quyền, thay vì tìm hiểu thủ tục hành chính cần thiết, thì thao tác đầu tiên của nhiều người vẫn là tìm kiếm, hoặc cố nghe ngóng xem trong gia đình, bạn bè có ai quen biết chỗ mình sắp đến. "Nhất thân, nhì quen" là con đường để giải quyết thủ tục hành chính mà nhiều người vẫn ưa dùng.

Bệnh quan liêu, cửa quyền nơi công sở cũng rất phê phán. Ðể thực hiện việc điều tra, nắm lại quỹ nhà đất trên địa bàn, đầu tháng 9-2007, UBND phường Hòa Khê, (quận Thanh Khê, TP Ðà Nẵng) gửi giấy thông báo tới các hộ dân, trong đó ghi rõ ngày giờ phải có mặt tại trụ sở ủy ban, "khi đi nhớ mang theo "sổ đỏ" và các giấy tờ có liên quan". Ông Lộc, một công dân của phường, bức xúc: - "Sao họ không xuống tận nơi mà điều tra. Chúng tôi còn phải đi làm, lo miếng cơm manh áo, đâu có thời gian để phục vụ họ".

Ðề cập hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính hiện nay cũng không thể không đề cập trường hợp của Hải Phòng trong việc triển khai Luật Công chứng. Luật ghi rõ, kể từ ngày 1-7-2007, việc chứng thực bản sao, bản dịch thuộc thẩm quyền của UBND các quận, huyện, xã, phường. Thế nhưng, thật khó hình dung, một thành phố như Hải Phòng lại không thể đáp ứng được yêu cầu này cho dân. Sau ngày 1-7-2007 cả tháng trời mà người dân đất Cảng vẫn phải chen chúc ở các phòng công chứng để làm bản sao, bản dịch.

Vì sao? Quyền Trưởng phòng Hỗ trợ Tư pháp (Sở Tư pháp TP Hải Phòng) Trần Quang Minh cho biết: "Bên cạnh điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, bộ máy thừa hành công vụ, nhất là ở cấp cơ sở cũng chưa thể đáp ứng được công việc. Với biên chế chỉ có một người nhưng cán bộ tư pháp ở cơ sở phải kiêm nhiệm quá nhiều việc, ngoài chuyên môn còn phải đảm trách cả việc thi hành án dân sự ở mức dưới 500 nghìn đồng". 

Cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế, giờ đây đã có thể tính bằng tiền. Tổ chức "Sáng kiến nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam - VNCI" tính toán: Nếu giảm 40% số thủ tục hành chính, Việt Nam sẽ tiết kiệm được từ 2,8 đến 6,5 tỷ USD/một năm.

Thực tế cho thấy, bộ máy hành chính nhà nước đã được cải cách đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của cơ chế quản lý mới và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Số bộ, ngành ở T.Ư tuy có giảm, nhưng tổ chức bên trong nhiều bộ, ngành vẫn tăng. Ðặc biệt là xu hướng nâng cấp tổ chức: phòng lên vụ, vụ lên cục, cục lên tổng cục, trường trung cấp lên cao đẳng, trường cao đẳng lên đại học đang diễn ra phổ biến, trong khi hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc tinh giản biên chế cũng chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình hình phân cấp T.Ư - địa phương chậm và còn tư tưởng không muốn phân cấp trong không ít cán bộ, công chức ở cấp trên.

Tiếp tục phân cấp, đề cao tính chủ động của các cấp chính quyền

Hướng ra cho vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy   hành chính, cách làm của TP Ðà Nẵng, TP Cần Thơ, có thể được đánh giá là tích cực và có tính khả thi cao. Ðầu năm 2007, lãnh đạo hai thành phố này đã ban hành quy định về việc tổ chức trưng cầu ý kiến người dân, các tổ chức, doanh nghiệp về mức độ hài lòng của họ đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công trên địa bàn thành phố (Cần Thơ giao việc này cho Hội Cựu chiến binh). Việc trưng cầu ý dân này được thực hiện mỗi năm một lần, áp dụng đối với các cơ quan hành chính nhà nước thuộc diện thành phố quản lý, có nhiệm vụ cung ứng dịch vụ hành chính công theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tuy là năm đầu triển khai, song theo suy nghĩ chủ quan của chúng tôi, việc làm này của Ðà Nẵng và Cần Thơ chắc chắn sẽ cho kết quả tốt, bởi không ai hiểu chính quyền hơn người dân, doanh nghiệp - những người đã trực tiếp va chạm, tiếp xúc với cơ quan hành chính. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ðà Nẵng Chế Viết Sơn nêu rõ: "Kết quả trưng cầu là cơ sở khách quan để chúng tôi đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy, qua đó xây dựng kế hoạch cải tiến công tác cung ứng dịch vụ hành chính công, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu được phục vụ của công dân".

Ðể cải cách bộ máy ngày càng tinh gọn, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả,  Nghị quyết số 25/CP ngày 9-10-2006 của Chính phủ chỉ rõ: "Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC những năm tiếp theo của chúng ta là tiếp tục tổ chức sắp xếp lại bộ máy của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng; thành lập các bộ, cơ quan quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực.  Phân cấp, phân quyền là việc làm cần thiết, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống".

Tổ chức, sắp xếp lại bộ máy trong những năm tới, theo suy nghĩ của chúng tôi, là sắp xếp hợp lý theo hướng thu gọn đầu mối bên trong của các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp; đồng thời tổ chức lại chính quyền địa phương theo hướng phân biệt chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Còn phân cấp, phân quyền, là phải quán triệt tinh thần: Năng lực của cấp dưới đến đâu thì phân cấp đến đấy. Cấp trên chỉ giữ lại những việc nào mà cấp dưới chưa đủ năng lực để đảm trách. Hạn chế và tiến tới loại bỏ những bất cập trong việc phối hợp hoạt động giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ; hoặc tình trạng chỉ quan tâm phân cấp, phân quyền, nhưng coi nhẹ yếu tố con người thừa hành nhiệm vụ được giao.

CCHC về bộ máy, còn nhớ năm 1997, khi tỉnh Quảng Nam - Ðà Nẵng chia tách, những nhà lãnh đạo TP Ðà Nẵng đã sáng suốt trong việc căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để thành lập Sở Thủy sản - Nông - Lâm, thay vì ba sở như nhiều nơi khác vẫn làm. Bài học được rút ra ở đây là: "Phải dựa trên yêu cầu, nhiệm vụ thực tế để thiết lập bộ máy, chứ không phải "đẻ" ra bộ máy rồi mới bắt tay vào xây dựng chức năng, nhiệm vụ".

Thật mừng, việc làm này của Ðà Nẵng cách đây 10 năm, nay đã được cụ thể hóa bằng những văn bản pháp luật của QH, Chính phủ. Cải cách bộ máy hành chính trước nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng, đang đặt ra yêu cầu buộc chúng ta phải tổ chức lại bộ máy theo hướng thu gọn đầu mối; phấn đấu giảm càng nhiều quy trình, thủ tục và thời gian đi lại cho doanh nghiệp, cho người dân càng tốt.

Ðược biết, Khánh Hòa hiện có 24 sở, ngành và khoảng 25 đầu mối trực thuộc. Tuy đã có gọn nhẹ hơn trước rất nhiều, song cơ bản vẫn còn cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động vẫn chưa cao. Tính đến cuối năm 2006, bên cạnh các sở, ngành, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 117 tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành do UBND tỉnh thành lập đang còn hoạt động, trong đó có 68 ban chỉ đạo, 22 hội đồng và 27 tổ chức khác. Ðáng nói là tình trạng thành lập mới các tổ chức vẫn tiếp tục tăng lên. Trung ương có tổ chức nào thì ở địa phương phải (theo hướng dẫn của trung ương) thành lập tổ chức đó. Có bộ máy thì phải có con người để vận hành bộ máy. Phải có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cùng cấp lãnh đạo, phụ trách.

Ở Khánh Hòa, có lãnh đạo ủy ban cùng lúc kiêm nhiệm hơn 40 tổ chức. Việc này rõ ràng làm hạn chế vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, tạo sức ép khá lớn trong chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. Bởi hằng ngày, các Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND còn phải đảm trách hàng loạt công việc mang tính sự vụ khác, như ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cho các tổ chức), ký giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (có yếu tố nước ngoài), ký quyết định cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở, ngành, doanh nghiệp đi công tác nước ngoài...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng thẳng thắn: "Có nhiều việc lãnh đạo UBND chỉ biết ký, không biết đúng hay sai, bởi không có thời gian để đọc hết cả đống hồ sơ, tài liệu. Nếu chúng ta không mạnh dạn tiếp tục phân cấp, phân quyền cho cấp dưới, sẽ không có thời gian để nghĩ tới những việc mang tầm vĩ mô của địa phương".

Cùng với việc phân cấp thẩm quyền cho chính quyền các cấp, theo chúng tôi, cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền mỗi cấp, nhất là đề cao tính chủ động của chính quyền các cấp và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền mỗi cấp. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công trong tổ chức và hoạt động.

theo nhandan

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần thắt chặt quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất
Sáng nay, làm việc tại hội trường, thảo luận và xây dựng dự thảo Luật Hóa chất, đa số ý kiến các đại biểu QH đều nhất trí cho rằng: Đã đến lúc nhà nước phải quản lý chặt các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất; xử lý thật nặng các trường hợp sử dụng hóa chất trong các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm gây tổn hại sức khỏe của con người.
25/10/2007
Việt Nam - Liên hợp quốc: 30 năm hợp tác vì những mục tiêu chung
Tối 24/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Lễ kỷ niệm Ngày Liên hợp quốc (LHQ) và 30 năm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LHQ.
25/10/2007
Thường trực Tỉnh ủy làm việc với lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy
(HGĐT)- Sáng 23.10, tại phòng họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Báo Hà Giang, trường Chính trị tỉnh, Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh và đại diện các đoàn thể của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Trần Bắc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì buổi làm việc.
25/10/2007
Quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc Ðảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ
Sáng 23-10, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã làm việc với Ban Tổ chức T.Ư đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng thuộc lĩnh vực công tác tổ chức, cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ.
24/10/2007
Cung cấp Máy nén điều hòa chất lượng