Bầu cử Quốc hội khóa XII: Trách nhiệm của mỗi công dân

17:01, 10/05/2007

Trong mỗi lá phiếu bầu là hàm chứa không chỉ niềm tin tưởng, sự gửi trao, mong đợi và hy vọng; không chỉ là trách nhiệm với quyền lợi mà còn là trách nhiệm trước nghĩa vụ của người công dân thời kỳ phát triển mới.


 
 
Thực hiện niềm mong muốn của Bác Hồ: bao nhiêu lợi ích đều là vì dân, bao nhiêu quyền lực đều ở nơi dân, trong hành trình vẻ vang của Quốc hội Việt Nam hơn 60 năm qua dưới sự lãnh đạo của Ðảng, từ những ngày vượt lên máu lửa chiến tranh, giữ gìn từng tấc đất non sông; từ những ngày thắt lưng buộc bụng xây dựng nền móng của chủ nghĩa xã hội; rồi thực hiện công cuộc đổi mới... dù thời kỳ nào, trong hoàn cảnh nào, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất nước ta cũng hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vì dân.

Cùng với những thành quả ngày càng to lớn và toàn diện, vị thế của dân tộc ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Kế thừa xứng đáng truyền thống vẻ vang ấy, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đứng trước những đòi hỏi mới cao hơn, đưa đất nước ta sớm ra khỏi tình trạng chậm phát triển, mang lại phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân.

Trong nhiều tháng qua, công tác chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa XII đã được các địa phương, đơn vị tiến hành chu đáo, công khai, dân chủ và đúng luật. Càng gần đến ngày bầu cử (20-5-2007) càng thấy rõ không khí của một ngày hội lớn, một ngày hội không chỉ với cờ hoa biểu ngữ mà lắng sâu trong đó là ý thức chính trị của cử tri trước mỗi lá phiếu bầu, những lá phiếu chở trọn niềm mong đợi với những đòi hỏi cao cùng niềm hy vọng lớn trước sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của đất nước thời hội nhập.

Trên từng khu phố, trong mỗi bản làng những ngày này, đâu đâu cũng thấy những luận bàn, trao đổi của cử tri và nhân dân về đức, tài và tâm huyết của mỗi ứng cử viên, cho thấy sự quan tâm từ trong khát vọng và tin tưởng nơi mỗi người dân gửi trao sứ mệnh dân tộc vào Quốc hội của mình.

Thông qua những đóng góp thẳng thắn, chân tình với đòi hỏi cao hơn và cụ thể hơn đối với mỗi ứng cử viên nơi cư trú và đơn vị công tác, cử tri và nhân dân cả nước thêm một lần chứng minh vai trò và trách nhiệm công dân trong ước vọng phồn vinh, thịnh vượng của dân tộc.

Dân chủ và vai trò tự ý thức chính trị được nâng lên một bước dài, trước hết là sự thấu nhận trách nhiệm, cân nhắc khả năng, soi chiếu điều kiện của mỗi ứng cử viên để có thể hoàn thành trọng trách trước cử tri, đảm đương xứng đáng vai trò người đại biểu của nhân dân.

Trong tổng số 880 người có trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII, cử tri sẽ lựa chọn để bầu 500 đại biểu. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử Quốc hội ở nước ta, các đơn vị bầu cử đều có số dư là 2. Một số nơi và nhiều đơn vị bầu cử đạt số dư 3. Trước một khoảng rộng cho quyền lựa chọn, càng thấy rõ hơn tính công khai và dân chủ mà ở đó vai trò và trách nhiệm công dân của cử tri trước mỗi lá phiếu bầu được coi trọng và đề cao từ trong bản chất những giá trị tốt đẹp của chế độ xã hội.

Danh sách 880 ứng cử viên chính thức còn cho thấy nhiều nét mới: 154 người ứng cử là người ngoài Ðảng, chiếm tỉ lệ 17,5%; 232 ứng viên là người trẻ tuổi (chiếm 26,36%); 291 người ứng cử là phụ nữ (chiếm 33,07%); 169 người ứng cử là người dân tộc thiểu số (chiếm 19,2%); 30 người tự ứng cử (chiếm 3,41%); 143 người ứng cử là tái cử (chiếm 16,25%).

Cũng trong số 880 ứng cử viên chính thức, chỉ có 165 người ở trung ương, còn 715 người ở các địa phương trên toàn quốc. Một số địa phương có số lượng người tự ứng cử cao như thành phố Hồ Chí Minh 7 người, thành phố Hà Nội có 6 người... Những con số thật nhiều ý nghĩa trên đây không chỉ khẳng định truyền thống đại đoàn kết trong việc tập hợp trí tuệ và sức mạnh toàn dân mà cùng đó thể hiện cao độ sự tin tưởng và gửi trao tương lai đất nước vào thế hệ kế cận.

Ðây là tín hiệu đáng mừng và là kết quả tất yếu của một nền dân chủ và dân quyền được chính nhân dân ta xây dựng, xác lập và ngày càng phát triển ở tầm cao mới.

Là thiết chế của nền dân chủ đại diện, Quốc hội thể hiện tập trung ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Một Quốc hội mạnh phải bao gồm những đại biểu xứng đáng. Chất lượng của mỗi đại biểu Quốc hội được nâng cao thì chất lượng hoạt động của Quốc hội cũng mới được nâng cao. Vì vậy, trách nhiệm của cử tri là cân nhắc, lựa chọn đúng những người ưu tú, đủ năng lực, trình độ để gánh vác công việc đất nước.

Trong mỗi lá phiếu bầu là hàm chứa không chỉ niềm tin tưởng, sự gửi trao, mong đợi và hy vọng; không chỉ là trách nhiệm với quyền lợi mà còn là trách nhiệm trước nghĩa vụ của người công dân thời kỳ phát triển mới với trình độ văn hóa cao hơn, am hiểu chính trị sâu hơn, thấu tỏ hơn sứ mệnh của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất trước vận mệnh dân tộc.

Và như vậy, hiệu quả những hoạt động vì nhân dân là thước đo của một Quốc hội dân chủ và phát triển.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ứng cử viên ĐBQH khóa XII gặp gỡ tiếp xúc với cử tri tại Xín Mần và Hoàng Su Phì
(HGĐT)- Trong các ngày từ 8-10.5, các ứng cử viên ĐBQH khóa XII ứng cử tại đơn vị bầu cử số 2 gồm ông Hoàng Minh Nhất, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Triệu Thị Nái, ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận - Dân tộc Tỉnh ủy;
10/05/2007
Thăm và kiểm tra công tác bầu cử tại Hà Giang
Đ/c Trương Mỹ Hoa phát biểu tại buổi làm việc với Hội đồng Bầu cử tỉnh
09/05/2007
Lớp học tập nghị quyết T.Ư 4 (khóa X)
(HGĐT)- Sáng 8.5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức lớp học tập, nghiên cứu Nghị quyết T.Ư 4 (khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.
09/05/2007
Ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Giang là nguyện vọng của tôi
(HGĐT)- Phỏng vấn ông Nguyễn Văn Chiền, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XI tại Hà Giang.
07/05/2007