Khai mạc trọng thể Lễ công bố Năm du lịch Quốc gia Thái Nguyên 2007
(HGĐT)- Đúng 20 giờ ngày 27.2.2007, tại thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên) đã long trọng diễn ra Lễ khai mạc công bố Năm du lịch Quốc gia Thái Nguyên 2007.
Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Sinh Hùng, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; trên 2.000 đại biểu thuộc các bộ, ngành T.Ư, các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn và gần 60 cơ quan báo chí trong cả nước đã đến dự. Đoàn Hà Giang do đồng chí Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Trọng Lập, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Hà Giang đến dự đêm khai mạc.
Năm du lịch Quốc gia Thái Nguyên 2007 có chủ đề “Về thủ đô gió ngàn - chiến khu Việt Bắc” với sự hợp tác của 6 tỉnh Cao - Bắc- Lạng - Hà - Tuyên - Thái. Trước khi diễn ra Lễ khai mạc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức các Lễ hội như: Lễ hội văn hóa trà, lễ hội Lồng Tồng mang đặc chưng nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng Đông Bắc. Sau khi tham dự các lễ hội, du khách đã hành hương về với thủ đô gió ngàn, về với Tân Trào chiến khu Việt Bắc năm xưa.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, đã có bài phát biểu công bố Năm du lịch Quốc gia Thái Nguyên 2007. Diễn văn nêu rõ lý do, vai trò của Thái Nguyên và các tỉnh vùng Việt Bắc, Trung tâm Thủ đô kháng chiến năm xưa đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ giao cho Thái Nguyên đăng cai tổ chức Năm du lịch Quốc gia và tuyên bố khai mạc Năm du lịch Quốc gia 2007 tại Thái Nguyên. Ngay sau phần lễ, phần hội được mở đầu với màn trình diễn của đèn laze, pháo bông, rồng lửa hoành tráng. Bằng cấu trúc và hình tượng nghệ thuật cao, trong không gian hẹp của sân khấu, người xem hình dung được một vùng du lịch sinh thái thơ mộng với cảnh núi rừng Việt Bắc có suối reo, thác nước, hang đá, nhà sàn, cây cọ, đồi chè mà điểm nhấn là Hồ Núi Cốc; là đồi chè với những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của vùng Việt Bắc; một địa danh lịch sử được Bác Hồ chọn làm Thủ đô kháng chiến. Chương trình biểu diễn nghệ thuật với sự tham gia của trên 1.500 diễn viên thuộc các trường Cao đẳng Sư phạm; Đại học Thái Nguyên; Quân khu I; Trường PTTH Lương Ngọc Quyến... biểu diễn đã thể hiện sinh động hình tượng Bác Hồ và quảng bá tiềm năng du lịch Thái Nguyên và các tỉnh vùng Việt Bắc. Chương trình gồm 4 chương, 10 cảnh, với thủ pháp nghệ thuật tổng hợp (gồm các thể loại biểu diễn sân khấu, múa, âm nhạc, hát, múa dân tộc, xếp hình khối đẹp mắt với sự phối kết hợp khéo léo ánh sáng, âm thanh). Ngay từ chương mở đầu: Về nguồn đã gợi nhớ cho người xem về một ATK - quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX; hình ảnh Bác Hồ sống và làm việc ở Thủ đô kháng chiến Thái Nguyên đã in đậm trong lòng nhân dân các dân tộc trong tỉnh và những tình cảm của Bác dành cho Thái Nguyên. Các chương còn lại: Thái Nguyên mời gọi; Thái Nguyên trong sự phát triển du lịch chung của vùng Việt Bắc; Thái Nguyên trên đường hội nhập đã làm nổi bật được vẻ đẹp, sự hấp dẫn của các di tích, danh thắng đặc trưng của 6 tỉnh vùng Việt Bắc. Mỗi địa danh, mỗi tỉnh đều có một bản sắc văn hóa riêng, một chiều sâu lịch sử, một bề dày truyền thống, một không gian vô hạn “Lồng lộng gió ngàn”, nhưng đều nằm trong một vùng du lịch thống nhất, một tuor du lịch liên hoàn, một vùng du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử hấp dẫn. Trong đó, Thái Nguyên là tâm điểm mời gọi du khách đến chiêm ngưỡng, khai thác tiềm năng nhằm phát triển mạnh du lịch, KT - VH - XH vùng Việt Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng để hội nhập với du lịch cả nước.
Trong hơnmột giờ đồng hồ, Lễ khai mạc công bố Năm du lịch được kết thúc trong khung cảnh hoành tráng, lung linh ánh điện, rực rỡ sắc màu của những bông pháo hoa trên không trung, lưu luyến mời gọi du khách: “Ngày mai về lại thôn hương, rừng xưa núi cũ yêu thương lại về”. Lễ công bố Năm du lịch Quốc gia tại Thái Nguyên 2007 cũng chính là sự mở màn cho các hoạt động lễ hội truyền thống trong cả nước. Thái Nguyên và các tỉnh vùng Việt Bắc sẽ là điểm đến hấp dẫn cho mỗi du khách khi muốn tìm về cội nguồn; tìm về mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lý tưởng...
Ý kiến bạn đọc