Tinh thần thượng tôn pháp luật

10:47, 17/12/2006

Nét văn hoá "lấy cảm tình làm bản vị" của VN lại đang là một thách đố gay gắt khi đất nước đang tiến sâu vào tiến trình hội nhập quốc tế


Đáp ứng đòi hỏi của quá trình đàm phán gia nhập WTO, Quốc hội ta đã phải ban hành 65 luật và pháp lệnh. Chỉ riêng năm 2005 đã có 25 luật và pháp lệnh, những văn bản pháp lý mới nhất có liên quan trực tiếp đến các nghĩa vụ thành viên của Việt Nam được gửi đến Ban thư ký WTO.

Gánh nặng làm luật trên vai Quốc hội nhưng để tinh thần thượng tôn pháp luật thẩm thấu trong guồng máy kinh tế - xã hội là công việc của cả xã hội.

Trong kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO của Chính phủ có các Phụ lục đính kèm đề cập đến các nội dung áp dụng trực tiếp cam kết của Việt nam liên quan đến 6 văn bản Luật và danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung theo lội trình mà ta đã đàm phán được, liên quan đến 6 văn bản luật và 1 Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Để đảm bảo việc thực hiện các cam kết WTO trong trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác, Nghị quyết này cũng cần khẳng định lại nguyên tắc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế. Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật theo các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam sẽ được thực hiện theo lộ trình sau khi Nghị quyết của Quốc hội được công bố.

Rõ ràng là một trong những thách thức lớn nhất khi gia nhập WTO là sự thử thách về chất lượng pháp luật năng lực thể chế. Giờ đây, thực hiện những cam kết không những là nghĩa vụ mà còn là danh dự quốc gia. Thực chất những "cam kết" với quốc tế không là gì khác là những ràng buộc về pháp luật. Luật của đất nước và luật của quốc tế.

Thế mà đúng vào lúc cần phải phát huy chức năng và thế mạnh của pháp luật thì cơ quan thực thi pháp luật, nơi thể hiện tập trung nhất và nghiêm minh nhất sức mạnh của pháp luật là Toà án nhân dân tối cao lại cho thấy sự yếu kém của "cán cân công lý". Chánh án TANDTC phải "cố vơ vét, bổ nhiệm cho đủ" thẩm phán! Thậm chí "có khi lái xe, đánh máy đưa lên làm thẩm phán. Thế là lại phải cho họ đi học tại chức rồi về phải "đôn" họ lên!

Hơn nữa theo ông: "về hệ thống pháp luật, chúng ta đã cố gắng làm rất nhiều nhưng có phải tất cả các lĩnh vực xã hội đều đã có pháp luật điều chỉnh đâu. Các luật chuyên ngành có mâu thuẫn với luật gốc, luật cơ bản hay không? Các quy phạm đã rõ ràng, rành mạnh, hiểu theo một nghĩa chưa? Một quy định mà công an hiểu thế này, viện kiểm sát hiểu thế kia, toà án hiểu thế khác, hội đồng sơ thẩm hiểu một kiển, cuối cùng phải biểu quyết" (theo báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh). Quả thật đây là một thực trạng đáng suy nghĩ và kịp thời có những quyết sách.

Điều này có nguyên nhân xã hội của nó. Dễ thấy nhất là cái quán tính trọng tình hơn lý vốn có sức trì kéo triền miên trong suốt chiều dài lịch sử. Thậm chí ngay tại công đường mà quan toà còn quen lối ứng xử "đã đưa đến trước cửa công, ngoài thì là lý nhưng trong là tình". Lối ứng xử ấy đối lập hoàn toàn với tinh thần "thượng tôn pháp luật", một thuộc tính của xã hội hiện đại.

Nhưng ngay khi đất nước bước vào thời kỳ thực hành công nghiệp hoá và hiện đại hoá thì biến tướng của lối ứng xử ấy lại vẫn in đậm trong thói quen vận hành guồng máy xã hội bằng chỉ thị, nghị quyết hơn là bằng sự công khai, minh bạch của pháp luật. Sự thiếu hụt trầm trọng thẩm phán là hệ quả của cả quá trình chứ không là đột xuất.

Mặc dầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho nhà nước pháp quyền từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và Hiến pháp năm 1946, nhưng mãi đến Đại hội VIII mới chính thức được đưa vào Văn kiện của Đảng. Đại hội X đòi hỏi phải "xây dựng và hoàn thiện thể chế giám sát, kiểm tra tính hợp hiến và hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền".

Chính vì vậy, tinh thần thượng tôn pháp luật cần được xem là nền tảng của sự vận hành guồng máy kinh tế, xã hội. Và giờ đây điều đó lại là điều kiện ràng buộc của sự thành bại về kinh tế và chính trị khi chúng ta đã có những cam kết quốc tế. Vì thế, "hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật" mà Đại hội X chỉ ra vừa là đòi hỏi bức xúc của cuộc sống vừa là sự đáp ứng yêu cầu gay gắt của hội nhập.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng một nền tư pháp có chất lượng, trong sạch và hiệu quả cũng như cải cách nền hành chính quốc gia khi mà đất nước đã là thành viên của những tổ chức quốc tế đều phải tuân theo những tiêu chuẩn của tổ chức đó chứ không thể như trước đây, khi chưa phải là thành viên. Vả chăng, hoàn thiện về pháp luật cũng như cải cách về hành chính là điều kiện thiết yếu để chúng ta tối đa hoá các lợi ích của quá trình hội nhập và cũng là công cụ để thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của nước ta.

Chẳng hạn như, khi là thành viên của WTO thì trợ giúp tài chính của Nhà nước cho các doanh nghiệp bị xem là bất hợp pháp vì người ta gọi điều đó là hành vi bóp méo thương mại. Bởi lẽ, sự trợ giúp đó chỉ dành cho một số ít doanh nghiệp nhà nước, tạo đặc lợi cho thiểu số nhưng lại gây hại cho cả nền kinh tế. Điều đó là bất công vì đặc lợi ấy có được không từ sản xuất và sự cạnh tranh lành mạnh, công khai.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp là không thể không có, chỉ có điều, đó là sự trợ giúp pháp lý thay vì trợ giúp tài chính trực tiếp. Điều này khó hơn vì sự trợ giúp pháp lý đòi hỏi Nhà nước phải tự thay đổi mình. Phải hoàn thiện hệ thống luật pháp, phải đưa ra được chủ trương, chính sách tốt và kịp thời, đồng thời, phải nâng cao năng lực thể chế, xây dựng bộ máy đủ sức mạnh thực thi các chủ trương, chính sách ấy có hiệu quả. Cải cách hành chính, xoá bỏ tiêu cực, trước hết là tập quán xin - cho, làm trong sạch bộ máy các cấp... đó là sự trợ giúp "đúng luật" để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nếu như "văn hoá nước ta lấy cảm tình làm bản vị" như nhận định của học giả Đào Duy Anh (trong cuốn "Việt Nam văn hoá sử cương") thì giờ đây, nét văn hoá đó đang là một thách đố gay gắt khi đất nước đang tiến sâu vào tiến trình hội nhập quốc tế mà tinh thần "thượng tôn pháp luật" là điểm tựa của việc thực hiện những cam kết quốc tế mà nước ta là một thành viên.


(Theo vietnamnet)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khai mạc Ðại hội thể thao sinh viên Ðông-Nam Á lần thứ 13
Tối nay, 16-12, lễ khai mạc Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 13 (AUG 13) đã được tổ chức hoành tráng, ấn tượng trên sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội.
17/12/2006
Cộng đồng quốc tế cam kết tài trợ Việt Nam hơn 4,4 tỷ USD
Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) đã kết thúc chiều nay với số vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cam kết cho năm 2007 đạt kỷ lục hơn 4,4 tỷ USD, cao hơn 700 triệu USD so với năm nay.
16/12/2006
Hỗ trợ Hà Giang 100 tỷ đồng thanh toán nợ xây dựng cơ bản
Ngày 15-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo về việc xử lý nợ xây dựng cơ bản của tỉnh Hà Giang. Theo đó, Thủ tướng quyết định hỗ trợ 100 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2006 cho tỉnh để thanh toán nợ khối lượng các công trình đã hoàn thành.
16/12/2006
Những bài thi ấn tượng nhất thuộc về giới trẻ
Trong số hơn 800 nghìn bài thi gửi về từ 20 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều bài thi gây ấn tượng với Ban giám khảo đều là của sinh viên, đoàn viên, thanh niên.
16/12/2006
Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí