Lại bùng phát dịch cúm gia cầm
Thông tin mới nhất từ Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, đầu tháng 12, có hai ổ dịch đã phát ra tại một số xã của tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Số gia cầm mắc dịch chủ yếu trên vịt 1 tháng tuổi, do ấp nở trái phép.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, ngày 6/12, dịch cúm gia cầm phát ra tại ấp Rạch Lùm B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời. Số gia cầm chết là 490 con gà, 2.033 con vịt. Toàn bộ số gia cầm trên khoảng hơn 1 tháng tuổi, ấp nở trái phép và chưa tiêm phòng vắc-xin. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm H5N1.
Đến 7/12, dịch cúm gia cầm phát ra tại 5 hộ chăn nuôi vịt tại 3 ấp thuộc xã Vĩnh Bình của huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu. Tổng số vịt bệnh chết của các hộ trên là 3.550 trên tổng đàn 4.450 con. Toàn bộ số vịt cũng hơn 1 tháng tuổi, ấp nở trái phép và chưa tiêm phòng vắc-xin. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm H5N1.
Trong cuộc họp giao ban chiều nay (19/12), Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm nhận định, nguy cơ dịch cúm gia cầm lan rộng trong vùng ĐBSCL là rất cao do người dân vứt xác gia cầm bệnh xuống kênh rạch trong thời gian dài (5 ngày). Nguy cơ mầm bệnh đã phát tán rộng là rất lớn. Hơn nữa, thời tiết đang chuyển sang mùa lạnh rất thuận lợi cho virus nhân lên và phát tán.
Đến nay, mặc dù công tác tiêm phòng đợt 2/2006 đã hoàn thành nhưng thực tế còn nhiều đàn gia cầm, chủ yếu là vịt ấp nở trái phép chưa được tiêm phòng vắc-xin nên nguy cơ phát bệnh là rất cao, như ở 2 tỉnh trên.
Tổng số lượt gia cầm được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm trong đợt 2 năm 2006 là 139,2 triệu lượt, trong đó gà là 91,5 triệu lượt, vịt là 47,5 triệu lượt (tương đương 83 triệu con gà và 43 triệu con vịt).
Hôm qua, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã cùng đại diện các Bộ: Tài chính, KH-ĐT, KH-CN, Công an tổ chức họp với Đại diện công ty Merial về giá vắc-xin H5N9. Cục Thú y đề nghị Bộ sớm phê duyệt Quyết định bổ sung đối tượng ngan vào Dự án tiêm phòng vắc-xin giai đoạn I (2005-2006) để tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức đấu thầu mua vắc-xin.
Như vậy, sau hơn năm khống chế thành công dịch cúm gia cầm tại Việt Nam, dịch đã tái phát trở lại trên đàn gia cầm. Điều này chứng tỏ rằng việc áp dụng các biện pháp tổng lực trong phòng chống cúm gia cầm đã phát huy hiệu quả. Song, cũng cho thấy sự chủ quan, lơ là của một số địa phương và ý thức người dân trong việc phòng chống dịch chưa cao.
Trong thông báo mới đây, Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh nhận định, kết quả giám sát sau tiêm phòng trong thời gian gần đây cũng cho thấy vẫn còn tỷ lệ nhất định virus đang lưu hành trong các đàn gia cầm, đặc biệt là thủy cầm.
Bên cạnh đó, nhiệt độ thấp trong mùa đông làm virus tồn tại lâu hơn ngoài môi trường cùng với việc gia tăng vận chuyển gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán sẽ có thể là những điều kiện giúp virus phát tán. Mặt khác, hiện nay ở các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là tình hình dịch tại Indonesia và mới đây là Hàn Quốc cho thấy dịch cúm gia cầm vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Do đó, các địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch cúm; không thể “ngủ quên trên chiến thắng".
Chính vì vậy, mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm Cao Đức Phát tiếp tục có Công điện 38 yêu cầu địa phương chỉ đạo kiên quyết chống dịch cúm. Bộ trưởng yêu cầu Cục Chăn nuôi xây dựng phương án và hướng dẫn các địa phương chăn nuôi thuỷ cầm an toàn sau 28/02/2007.
Ý kiến bạn đọc