Hà Nội: vang vọng lời thề "quyết tử để tổ quốc quyết sinh"
Ngày 15/12, tại buổi gặp mặt nhân chứng lịch sử kỷ niệm 60 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12-1946-19/12/2006) do Thành ủy-HĐND-UBND thành phố Hà Nội tổ chức, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh: 60 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của các chiến sĩ và nhân dân Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn vang vọng, ngời sáng trong lịch sử dân tộc...
Thế hệ hôm nay luôn kính trọng, biết ơn và tự hào về thế hệ cha anh đã làm nên 60 ngày đêm khói lửa, kìm chân địch để chuẩn bị kháng chiến lâu dài, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và bí mật rút quân bảo toàn lực lượng theo đúng kế hoạch. Chiến công này thật là xuất sắc, tiêu biểu cho trí tuệ và tinh thần quả cảm đượm chất hào hoa của những người con Hà Nội, tô thắm trang sử vàng truyền thống cách mạng Thủ đô Anh hùng...
Cuộc gặp mặt diễn ra trong không khí đầm ấm có sự tham dự của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; Thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đại điện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động TBXH, Quân khu Thủ đô cùng 150 nhân chứng đại diện cho cán bộ chiến sĩ từng trực tiếp tham gia kháng chiến ở Hà Nội. Dù 60 năm đã qua, nhưng hình ảnh Bác Hồ kính yêu, những sự kiện, trận chiến đấu, tên tuổi những đồng chí đồng đội năm xưa vẫn được nhắc đến rành rẽ trong các câu chuyện kể cảm động của các nhân chứng đều đã ở độ tuổi 80. Bà Nguyễn Bích Thuận, người được giao nhiệm vụ trực tiếp mã hóa và chuyển bức điện lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào mặt trận Liên khu 1 mùa đông năm 1946, trong đó có câu " Các em là đội cảm tử, các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", nhớ lại : khi ấy, chúng tôi đều ở lứa tuổi 20 đầy sung sức, sẵn sàng bảo vệ Hà Nội, bảo vệ Thủ đô thân yêu...Từng câu, từng chữ trong bức điện ấy bà Thuận không thể nào quên được. Bà nói "chúng tôi không kìm được nước mắt khi đọc bức điện, bởi cảm nhận ở đó sự quan tâm vô hạn của Bác, mong muốn giữ nền độc lập của nước nhà trước lúc vận nước đang ngàn cân treo sợi tóc và nỗi đau của Người khi giao nhiệm vụ: các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Những ngày kỷ niệm 19/12 hàng năm, những ký ức, tình cảm năm xưa lại ùa về như vừa mới xảy ra đây..."
Ông Nguyễn Giang, cán bộ công vận, người trực tiếp tham gia trận đánh quan trọng phá Nhà máy điện Yên Phụ, ngắt điện toàn thành phố Hà Nội, mở đầu đêm lịch sử 19/12/1946 xúc động kể: Trung tâm Yên phụ cung cấp điện cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Từ đầu tháng 12/1946, đồng chí Nguyễn Văn Trân giao cho tôi nhiệm vụ làm kế hoạch phá điện Yên Phụ. Trong buổi giao nhiệm vụ còn có các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Vương Thừa Vũ, Trần Độ, các anh dặn: điện tắt là hiệu lệnh chiến đấu, hiệu lệnh kháng chiến toàn quốc, nhiệm vụ rất quan trọng; nhưng khi ta nổ súng thì địch sẽ tấn công chiếm nhà máy điện ngay, cho nên phá thế nào mà chúng không thể sử dụng ngay được, phải phá thật hiểm. Bấy giờ ở nhà máy, ta và địch cùng gác chung, lính địch canh gác bên trong, bên ngoài nhà máy cẩn mật lắm. 5 giờ chiều ngày 19/12, tôi mới nhận vũ khí gồm 2 chai a xít, 2 quả mìn, cùng làm nhiệm vụ còn có đồng chí Dung, công nhân điện và Cai Thăng, người có trách nhiệm kiểm tra máy để đưa chúng tôi qua cửa buồng máy, trước mắt tên lính canh gác. Chúng tôi vào buồng máy lúc 19 giờ 50 phút...Sau khi giật cầu giao, cắt điện và điểm hỏa 2 quả mìn, 20 giờ 30 phút, điện tắt. Toàn thành phố chìm trong đêm tối, ắng lặng đi trong giây lát, rồi tiếng súng nổ, tiếng lựu đạn, tiếng mìn, tiếng thét xung phong, cây cối vặn mình đổ ầm ầm, cả Hà Nội vùng lên dội bão lửa xuống đầu quân xâm lược một đòn bất ngờ choáng váng...
Với Đại tá Tống Xuân Đài, chiến sĩ quyết tử Liên khu 2, được có mặt trong buổi gặp mặt này, ôn lại kỷ niệm những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, khiến ông càng thấy bồi hồi hơn. 2 Đại đội quyết tử năm xưa giờ chỉ còn lại hơn 100 anh em; nỗi nhớ những bạn chiến đấu năm xưa lại dồn về tha thiết. Ông không thể quên được hình ảnh những người như cô Hồng trong thời gian làm cấp dưỡng, vì thương anh em thương bệnh binh đã ra ruộng lấy những cây mía cháy xém về cho anh em, không may bị pháo hy sinh...Ông Đài vốn là tự vệ Thành Hoàng Diệu, đóng ở khu vực Cửa Nam, nhớ lại cảm xúc khi ấy: sắp đến ngày khách chiến, chúng tôi ai nấy đều căm phẫn lắm khi phải chứng kiến cảnh bọn Tây mũ đỏ đi lại nghênh ngang trên đường, gặp chị em phụ nữ là bắt kéo lên xe, mà không làm gì được. Sau này, được trực tiếp tham gia nhiều trận đánh bảo vệ Thủ đô, ông cảm thấy rất vinh dự và tự hào...
Những người lính quyết tử năm xưa nay đều đã là các cụ ông, cụ bà, những bước chân không còn mạnh khỏe, nhưng những cái bắt tay thật chặt cùng những nụ cười xen lẫn buồn vui trong ngày gặp mặt sau 60 năm khiến chúng ta phải kính phục và như lời Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội "Tinh thần và gương sáng của các cán bộ chiến sĩ năm xưa luôn là nguồn cổ vũ, động viên thế hệ người Hà Nội hôm nay, làm việc sao cho xứng đáng với lớp người đi trước"./.
Ý kiến bạn đọc