Cộng đồng quốc tế cam kết tài trợ Việt Nam hơn 4,4 tỷ USD
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cảm ơn sự ủng hộ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đối với kế hoạch phát trỉên kinh tế kết hợp với giảm nghèo ở Việt Nam. Phó thủ tướng nhấn mạnh, con số cam kết năm nay đạt mức kỷ lục, cao hơn hẳn so với năm ngoái, chứng minh cho sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ.
Một trong những lý do quan trọng để các nhà tài trợ tăng mạnh cam kết viện trợ phát triển chính thức ODA cho Việt Nam, theo nhận định của Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Klaus Rohland, đó là kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2006 – 2010 của Việt Nam là đáng tin cậy và bền vững về mặt tài chính.
Các nhà tài trợ quốc tế cũng đánh giá cao việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 131 về quản lý sử dụng ODA, theo đó phân cấp triệt để hơn, hài hoà và đồng bộ hơn trong các thủ tục quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA.
Hơn nữa, tại Hội nghị năm nay, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự, đối thoại với các nhà tài trợ, khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc phòng chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính và một loạt những cải cách trong các lĩnh vực như ngân hàng, hải quan…
Tại phiên bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cam kết số tiền tài trợ sẽ được giải ngân hiệu quả.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, Việt Nam đã có một kế hoạch rất rõ ràng để bảo đảm sử dụng hiệu quả viện trợ. Đối với các khoản phải trả nợ vay, Việt Nam sẽ suy xét rất kỹ lưỡng. Việc thực hiện các khoản vay của các nhà tài trợ phần lớn thông qua đấu thầu quốc tế. Những khoản có khả năng vay và trả nợ cao sẽ cho vay lại với lãi suất cao hơn và thời gian ngắn hơn, để bảo đảm việc sử dụng hiệu quả khoản vay và thực hiện đúng cam kết trả nợ của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, thời gian tới Chính phủ có chủ trương ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng có quy mô lớn nhằm tạo ra bước đột phá cho tăng trưởng cao, bền vững và giảm nghèo.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010, Việt Nam cần khoảng 140 tỷ USD đầu tư phát triển, trong đó vốn ODA tiếp tục có vai trò quan trọng và số lượng giải ngân nguồn vốn này phải đạt khoảng 11 tỷ USD.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - đầu tư công bố tại Hội nghị, tổng giá trị giải ngân ODA năm 2005 đạt hơn 1,7 tỷ USD (trong đó 64% là vốn vay, còn lại là viện trợ không hoàn lại), chiếm 8,5% trong khoảng 20 tỷ USD tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.
Hội nghị kết thúc sau hai ngày làm việc với sự tham gia của đại diện 50 nhà tài trợ song phương, đa phương cùng với 200 đại biểu Việt Nam.
Cam kết tài trợ ODA năm 2007(đv tính: triệu USD)
Tài trợ song phương | Cam kết cho năm 2007 |
Australia | 63,7 |
Canada | 27,0 |
Nhật Bản | 890,3 |
Hàn Quốc | 110,5 |
New Zealand | 6,0 |
Na Uy | 10,0 |
Thụy Sĩ | 23,4 |
Thái-lan | 0,3 |
Mỹ | 84,7 |
EU | 948,2 |
Ủy ban Châu Âu | 52,7 |
Bỉ | 20,7 |
Séc | 2,1 |
Đan Mạch | 82,5 |
Phần Lan | 24,1 |
Pháp | 370,4 |
Đức | 76,1 |
Hungary | 0,7 |
Ireland | 23,0 |
Ý | 55,5 |
Luxembourg | 13,2 |
Hà Lan | 59,3 |
Ba Lan | 0,3 |
Tây Ban Nha | 25,0 |
Thụy Điển | 45,2 |
Anh | 97,5 |
Tổng cam kết tài trợ song phưong | 2.164,1 |
Tài trợ đa phương
|
|
ADB | 1,140,5 |
Các cơ quan Liên hợp quốc | 70,9 |
Ngân hàng Thế giới | 890,0 |
Tổng cam kết tài trợ đa phương | 2.101,4 |
Các tổ chức phi chính phủ quốc tế | 180,0 |
Tổng cộng |
4.445,5
|
Ý kiến bạn đọc