Chống lãng phí 14 tỷ đồng bằng con số “lý tưởng”!
Nhân đọc bài “ Chi 70 triệu đồng để chống lãng phí 14 tỷ đồng” trên báo điện tử VietNamNet là người cũng làm trong ngành thủy lợi nhiều năm qua, tôi xin tham gia một số ý kiến và đặc biệt là về ông Nguyễn Văn Hòa giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi ở Đồng Nai.
Thứ nhất, việc đầu tư xây dựng trạm bơm Cao Cang với tổng kinh phí 14 tỷ đồng chỉ để tưới cho 196 ha là mức đầu tư khá lớn, tính theo suất đầu tư tương đương gần 71,5 triệu đồng/ha. Đây là loại công trình trạm bơm (tưới bằng động lực) nên mức đầu tư này không đạt hiệu qủa kinh tế, vì là trạm bơm tưới nên chi phí khi vận hành khai thác sẽ rất lớn do tốn chi phí tiền điện để phục vụ bơm. Trong khi đó, theo phương án của ông Hòa đầu tư xây dựng một công trình thủy lợi tưới cho 196ha chỉ tốn có 70 triệu đồng tính ra suất đầu tư cho 1 ha là 357.143 đồng/ha, thấp hơn rất nhiều so với mức đầu tư 71,5 triệu đồng/ha. Một con số về hiệu qủa đầu tư qúa lý tưởng (có lẽ chỉ có 1 công trình này) cho những người làm công tác thủy lợi, những vị lãnh đạo chính quyền địa phương.
Thứ hai, tại sao công trình vẫn có thể được thông qua? Tôi nghĩ ngay từ khâu đầu tiên khi đơn vị Tư vấn thực hiện công tác thiết kế cơ sở lập dự án đầu tư công trình, Chủ đầu tư và Tư vấn thiết kế đã bỏ “quên” phương án kỹ thuật mà ông Hòa đã đề xuất “sử dụng lại đập Đồng Hiệp đã có và chỉ cần tu sửa nâng cấp là đào hai tuyến kênh nội đồng dài khoảng 1,5 km” là có thể tưới được diện tích 196ha mà trạm bơm Cao Cang dự kiến xây dựng.
Thứ ba, khi thông qua xét duyệt lựa chọn phương án kỹ thuật công trình để trình cho cấp quyết định đầu tư phải qua khâu thẩm định của các sở ngành chuyên môn (sở Nông nghiệp&PTNT, sở Kế hoạch -Đầu tư…). Như vậy, vai trò quản lý nhà nước của các sở chuyên ngành chưa làm hết trách nhiệm, có lẽ cán bộ thụ lý công tác thẩm định chưa nghiên cứu kỹ càng hồ sơ thiết kế và chưa kiểm tra thực tế. Do đó đã không “phát hiện” sai sót cơ bản về phương án kỹ thuật công trình dẫn đến việc tham mưu cho cấp có thẩm quyền lựa chọn phương án đầu tư không hợp lý.
Thứ tư, về việc ông Hòa đấu tranh chống lãng phí trong đầu tư xây dựng thủy lợi, tôi thật sự khâm phục và trân trọng sự can đảm, tính trung thực và trách nhiệm trong công việc của một người công chức. Ông Hoà đã thể hiện tinh thần chống lãng phí bằng tất cả trái tim và tâm hồn của người có tâm huyết với nghề (từng mang tài sản gia đình và cả chức giám đốc để “bảo lãnh” cho phương án tiết kiệm tiền Nhà nước – trích VietNamNet). Đức tính này ngày nay không phải ai và đâu cũng có, nên cần biểu dương và được nhân rộng trong ngành thủy lợi. Theo tôi ông Hòa là người rất am hiểu thủy lợi của địa phương, nghiên cứu rất kỹ, từ khâu khảo sát thực tế, đến mục tiêu nhiệm vụ của dự án nên mới có phương án kỹ thuật hợp lý nhất và đã kiên định lựa chọn phương án này.
Xin chúc mừng thắng lợi về sự chân chính của một người đồng nghiệp xuất sắc. Chúc ông Hòa sức khỏe và sẽ có nhiều công trình “chống lãng phí” hơn nữa trong sự nghiệp thủy lợi của mình
Ý kiến bạn đọc