Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì về thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2006.
Tiếp tục chương trình làm việc của BTV Tỉnh ủy với lãnh đạo chủ chốt các huyện, thị trong tỉnh, chiều 22 và sáng 23.12.2006, tại trụ sở Tỉnh ủy, BTV Tỉnh
ủy đã làm việc với BTV Huyện ủy 2 huyện: Xín Mần, Hoàng Su Phì. Đồng chí Hoàng Minh Nhất, ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Các đồng chí: Nguyễn Trần Bắc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Viết Xuân, ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh dự buổi làm việc.
Năm 2006, các mục tiêu, chỉ tiêu của huyện Xín Mần đa số đạt và vượt kế hoạch, tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 13,4%, trong đó giá trị tăng thêm của ngành nông - lâm nghiệp 7,6%, công nghiệp - xây dựng tăng 15,7%, thương mại - dịch vụ 25,5%. Cơ cấu GDP theo ngành: Nông - lâm nghiệp 52,5%; công nghiệp-xây dựng 20,2%; thương mại-dịch vụ 27,3%. Tổng sản phẩm GDP đạt 132,6 tỷ đồng. Tổng sản phẩm GDP đạt 132,6 tỷ đồng. Bình quân GDP 3,47 triệu đồng/người/năm. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện 15.681,96 ha, đạt 104,8%. Tổng sản lượng lương thực có hạt 24.113,5 tấn, đạt 101,87% kế hoạch. Lương thực bình quân đạt 456 kg/người/năm...
Huyện Hoàng Su Phì tốc độ tăng trưởng kinh tế 12,54%, đạt 100,3% Nghị quyết đề ra, nâng tổng sản phẩm xã hội lên 223,7 tỷ đồng, đạt 100,6% Nghị quyết; bình quân lương thực đạt 411 kg/người/năm; thu nhập bình quân 3,96 triệu đồng/người/năm, đạt 107% so với Nghị quyết. Các chỉ tiêu kế hoạch quan trọng của huyện đề ra đều thực hiện đạt và vượt, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên...
Các đồng chí trong BTV Huyện ủy 2 huyện đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh. Các ý kiến đóng góp đều khẳng định: Xín Mần, Hoàng Su Phì, có những thuận lợi hơn so với các huyện vùng cao phía Bắc, do đó năm 2007 2 huyện cần tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, giao thông, xây dựng; lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh để xây dựng cơ sở chế biến, nâng cao chất lượng, xây dựng nhãn mác quảng bá ra thị trường. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn. Thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu...
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã biểu dương và ghi nhận những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc 2 huyện đạt được trong. Đồng thời nhấn mạnh, năm 2007, 2 huyện cần nghiêm túc thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chính:
BTV Huyện ủy Xín Mần cần giải quyết một số vấn đề còn tồn tại như: Hiện nay huyện còn tỷ lệ hộ đói nghèo cao (55,92%), chưa gắn được XĐGN một cách bền vững. Năng suất cây trồng đạt thấp, do đó ngành chủ quản là Sở Nông nghiệp-PTNT cần cùng huyện xem xét, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông. Năng suất của cây đậu tương, cây ngô hiện nay huyện đạt rất thấp, cần quan tâm chú trọng việc đẩy mạnh tăng năng suất, chất lượng 2 loại cây này, xác định đây là loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế, XĐGN, do đó vừa phát triển, vừa gắn với chế biến. Cần xây dựng, nhân rộng các vùng lúa chất lượng cao như gạo Già Dui, đảm bảo an toàn lương thực, gắn với xuất khẩu. Tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò gắn với phát triển hàng hóa. Đã có cửa khẩu, nhưng hiện nay hàng hóa xuất khẩu của huyện chưa có gì, mới chỉ mang tính nội bộ, chưa có các sản phẩm mang tính hàng hóa. Các sản phẩm nông nghiệp còn thua kém nhiều so với các huyện bạn, huyện phải thực sự quan tâm đến vấn đề này. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích trồng rừng còn kém, độ che phủ thấp; ý thức trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng còn mang tính phong trào, chưa thực sự có chiều sâu, cần đẩy mạnh việc trồng rừng, che phủ rừng. BTV Huyện ủy Xín Mần cần rà soát lại các chỉ tiêu của năm 2006, để có định hướng cho năm 2007, đặc biệt phải có sự so sánh các mục tiêu phát triển KT-XH của năm 2006 tăng bao nhiêu so với năm 2005. Trong nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2007, huyện phải thể hiện được sự phấn đấu, phải tính được tổng mức đầu tư. Ngay trong những ngày đầu năm 2007, phải rà soát, giải quyết cho số hộ chưa có trâu bò, phấn đấu hoàn thành 100% số hộ củahuyện trong năm có trâu, bò. Cùng với Ngân hàng xem xét triển khai nguồn vốn cho các hộ nghèo vay phát triển kinh tế. Phải xóa xong nhà tạm cho nhân dân, giải quyết đất sản xuất cho nhân dân. Thực hiện tốt các Chương trình 134, 135 giai đoạn II. Phấn đấu trong năm 100% số xã trong huyện phải có chợ, 100% thôn bản phải có đường dân sinh, đường ô tô. Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, cần tạo lập thị trường hàng hóa mang tính bền vững, xây dựng được những mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Đẩy mạnh mối quan hệ với các tỉnh bạn trong khu vực. Cần có sự phối kết hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh tạo ra những vành đai sản xuất lương thực. Đẩy mạnh mối quan hệ với nước bạn Trung Quốc, xây dựng mậu dịch biên giới; phát triển các mặt hàng xuất khẩu nhưng đặc biệt phải quản lý tốt biên giới, thực hiện tốt công tác phân giới cắm mốc. Tổ chức các hội nghị khách hàng như chè, đậu tương, du lịch... thông qua đó quảng bá được các sản phẩm của địa phương và mở rộng, thu hút, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong lĩnh vực công nghiệp, phải phối hợp với các sở, ngành của tỉnh triển khai lĩnh vực khai thác thủy điện, chế biến dong giềng, chế biến các sản phẩm nông nghiệp hiện có. Là huyện có nhiều chè, song khâu chế biến còn rất kém, cần đẩy mạnh việc đầu tư các xưởng chè và khâu chế biến để quảng bá thương hiệu sản phẩm. Đẩy mạnh việc mở lớp dạy nghề, thông qua đó tạo ra được sản phẩm đặc trưng của huyện. Tăng cường công tác đào tạo, xuất khẩu lao động. Tập trung xây dựng đô thị gắn với phát triển, xây dựng các trung tâm xã, thị tứ, thị trấn. Ngay trong năm 2007, huyện phải ra được Nghị quyết xây dựng xã Cốc Pài trở thành thị trấn. Trong lĩnh vực phát triển du lịch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao cho Sở VH-TT, Sở TM-DLphối hợp với huyện xây dựng cảnh quan khu vực bãi đá cổ, đây là một điểm du lịch mang tính lịch sử. Phải xây dựng các dịch vụ ở khu du lịch này. Đồng thời xây dựng được các làng văn hóa dân tộc ở các vùng Quảng Nguyên, bãi đá cổ... tạo bước khởi đầu cho phát triển du lịch. Đặc biệt, huyện phải hoàn thành phổ cập THCS, có quy hoạch, kế hoạch xây dựng trường cấp III Nà Trì, chậm nhất là năm 2008 phải hoàn thành công tác này...
Hoàng Su Phì trong năm đã có bước đột phá trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, sản xuất còn manh mún, chắp vá; đội ngũ cán bộ chưa đủ mạnh, còn tình trạng quan liêu, thiếu cụ thể... Trong mỗi lĩnh vực, huyện cần chọn được một vài công việc đã làm được, đánh giá rõ nguyên nhân đạt được và chưa đạt được... Năm 2007 này, BTV Huyện ủy Hoàng Su Phì cần triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cần quan tâm đến khâu chế biến. Hiện nay sản xuất nông nghiệp của huyện tuy là lớn nhưng còn mang tính phổ thông, sản xuất chè còn manh mún, tự phát, cần đầu tư xây dựng các nhà máy chè. Phải nâng cao chất lượng sản phẩm của địa phương là cây chè, cây đậu tương-trở thành thương hiệu, trở thành hàng hóa mạnh trong và ngoài nước, tạo lập được thị trường. Đẩy mạnh trồng khoanh nuôi và bảo vệ rừng. Chuyển hướng mạnh mẽ dịch vụ du lịch và xuất khẩu lao động, coi đây là hướng đột phá trước mắt và lâu dài. Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh xây dựng Làng du lịch Thông Nguyên. Kéo điện, mạng điện thoại di động vào khu du lịch này. Xây dựng các làng văn hóa du lịch sinh thái. Phối hợp tốt với Công ty Du lịch Khánh Hòa khai thác có hiệu quả du lịch Thông Nguyên. Triển khai quy hoạch tốt các thị tứ, thị trấn như Thông Nguyên, Tân Tiến, Chiến Phố, Nậm Dịch. Huyện phải ra Nghị quyết cho mỗi năm thực hiện như thế nào, cụ thể thực hiện đến đâu. Phát huy nội lực xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo AN-QP trên địa bàn, quản lý tốt biên giới. Đặc biệt, cần tập trung vào dạy nghề cho con em đồng bào các dân tộc; nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở. Có quy chế đối với cán bộ xã xuống thôn bản. Tình trạng ỷ lại, quan liêu hiện vẫn còn xuất hiện ở đội ngũ cán bộ xã, do đó cần nghiêm túc xem xét. Củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông, địa chính, kế toán. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, thực hiện tốt XDCB. Làm tốt công tác tuyên truyền, tư tưởng, giải quyết tốt vấn đề môi trường trên địa bàn huyện...
Ý kiến bạn đọc