Phát triển nền thể dục thể thao đậm tính dân tộc, khoa học và văn minh
BHG - Từ nay đến năm 2030, số người tham gia tập luyện thể dục thể thao (TDTT) thường xuyên đạt 38% dân số; số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 28%; số cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tập luyện TDTT đạt trên 90%... Đây là những chỉ tiêu quan trọng, được BTV Tỉnh ủy xác định trong chương trình thực hiện Kết luận 70, ngày 31.1.2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.
Thời gian qua, tỉnh ta đã và đang khẳng định vị thế là một trong những địa phương vùng miền núi có phong trào TDTT phát triển sâu rộng, từ các môn thể thao dân tộc đến hiện đại. Đến nay, toàn tỉnh có trên 24% số người tập luyện TDTT thường xuyên, trên 10% gia đình thể thao, 530 câu lạc bộ, 1.580 điểm nhóm tập TDTT, 2.915 đội thể thao cơ sở, số lượng các giải đấu phong trào trên 877 giải/năm.
Giờ tập luyện của lớp Năng khiếu bóng đá thành phố Hà Giang. Ảnh: An Dương |
Đối với thể thao thành tích cao, công tác đào tạo vận động viên (VĐV) trẻ luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm; hệ thống đào tạo VĐV được thực hiện đúng quy trình và bài bản. Hiện, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh đang đào tạo, huấn luyện 132 VĐV ở 9 bộ môn gồm: Pencak Silat, wushu, bóng ném, muay thái, kichboxing, vovinam, bắn cung, đua thuyền và điền kinh. Trung tâm luôn thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó chú trọng khâu tuyển chọn đầu vào, quy trình đào tạo nhằm phát huy sở trường, thế mạnh của từng VĐV. Do đó, tất cả các môn thể thao thành tích cao của tỉnh khi tham gia thi đấu giải do T.Ư, khu vực tổ chức đều đạt những kết quả ghi nhận. Cụ thể, năm 2023, đạt trên 100 huy chương các loại, trong đó trên 40 huy chương nội dung thể thao thành tích cao. Trước đó, năm 2022, các VĐV tham gia 19 giải toàn quốc, 1 giải quốc tế, đạt được 72 huy chương các loại, trong đó có 1 Huy chương Vàng môn bóng ném tại Đại hội thể thao Đông Nam Á. Trong 6 tháng đầu năm nay, VĐV thể thao thành tích cao luôn tích cực luyện tập, tăng cường giao lưu học hỏi, chủ động tham gia các giải đấu và đã mang về nhiều thành quả đáng khích lệ.
Những con số trên, tuy chưa phản ánh đầy đủ, nhưng có thể tự hào khẳng định phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tăng cường sức khỏe, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo lối sống lành mạnh cho nhân dân. Các phong trào TDTT quần chúng, như “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” thu hút đông đảo nhân dân tham gia; số gia đình, số người tập luyện thể thao thường xuyên ngày càng tăng; phong trào “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước”, “Hội khỏe Phù Đổng”... được triển khai hiệu quả trong trường học. Các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện phát triển TDTT quần chúng, giáo dục thể chất, thể thao trường học và đội ngũ huấn luyện viên, VĐV được tăng cường. Công tác tuyển chọn, bồi dưỡng VĐV, tạo nguồn cho thể thao thành tích cao được thực hiện thường xuyên. Việc đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát triển các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TDTT được triển khai tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, như: Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển TDTT. Phong trào TDTT quần chúng phát triển chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm thị trấn, thành phố. Thể thao chuyên nghiệp chưa phát triển mạnh, thể thao thành tích cao chưa đạt được nhiều giải cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, sân bãi phục vụ các hoạt động TDTT còn thiếu; xã hội hóa hoạt động TDTT hiệu quả còn thấp...
Trước thực trạng trên, BTV Tỉnh ủy vừa ban hành chương trình thực hiện Kết luận 70, ngày 31.1.2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 38% dân số; số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 28%; số cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tập luyện TDTT đạt trên 90%; số trường học đảm bảo giáo dục thể chất nội khóa đạt 100%, thực hiện tập luyện TDTT ngoại khóa đạt 97%; 100% học sinh các cấp đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể. Đối với lực lượng vũ trang: Tỷ lệ các đơn vị tổ chức hoạt động TDTT thường xuyên đạt 100%; trên 95% các đơn vị đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định; 100% cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định; tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ rèn luyện TDTT thường xuyên đạt 100%.
Phấn đấu đào tạo được ít nhất 200 VĐV thành tích cao thi đấu giải cấp quốc gia, quốc tế đạt 250 huy chương các loại mỗi năm; có 120 VĐV cấp I, 50 VĐV cấp Kiện tướng; hằng năm các bộ môn có đóng góp VĐV vào đội tuyển quốc gia. Phấn đấu mỗi xã, phường, thị trấn, thôn, tổ hoặc liên tổ dân phố có sân, bãi tập luyện thể thao ngoài trời; bố trí quy hoạch đủ quỹ đất dành cho TDTT và các công trình theo quy định.
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là phát triển TDTT nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Xác định nhiệm vụ phát triển TDTT là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và của mỗi người dân. Đầu tư, huy động các nguồn lực phát triển TDTT; khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tập luyện TDTT để rèn luyện sức khỏe; giữ gìn, phát huy những giá trị TDTT truyền thống của các dân tộc trong tỉnh, phát triển nền TDTT mang đậm tính dân tộc, khoa học và văn minh.
Thực hiện tốt chương trình của BTV Tỉnh ủy sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của TDTT trong xây dựng, phát triển con người Hà Giang. Từ đó, phát triển TDTT quần chúng; nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, thể thao trường học và trong lực lượng vũ trang; đẩy mạnh phong trào TDTT trong công nhân, người lao động, công chức, viên chức. Tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao. Tăng cường các nguồn lực cho sự nghiệp TDTT; rà soát, hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới thiết chế, cơ sở thể thao đồng bộ, từng bước hiện đại, đạt tiêu chuẩn. Đổi mới phương thức hoạt động TDTT; đẩy mạnh xã hội hóa TDTT; từng bước nâng cao thành tích thể thao của tỉnh trong các giải thi đấu trong nước và khu vực Đông Nam Á.
Tiến Chiến
Ý kiến bạn đọc