Cần đầu tư đồng bộ phát triển thể thao thành tích cao
BHG - Để gặt hái được thành công từ các môn thể thao thành tích cao (TTTTC), ngoài sự nỗ lực tập luyện hàng ngày của các vận động viên (VĐV), việc quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo bài bản về trình độ và đảm bảo chế độ dinh dưỡng hàng ngày… là những yếu tố quan trọng.
Vận động viên môn Muay Thái tập luyện ở Sân vận động C10 (thành phố Hà Giang). |
Cuối năm 2016, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển TTTTC giai đoạn 2016 – 2026 với mục tiêu: Xây dựng đội ngũ huấn luyện viên (HLV), VĐV có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt, phát triển các môn thể thao trọng điểm, phù hợp với thể chất con người Hà Giang. Đến năm 2026, đào tạo 150 VĐV thi đấu 7 môn thể thao, đạt 180 huy chương các loại; có 60 VĐV đạt cấp I Quốc gia và 25 VĐV cấp kiện tướng, xếp thứ 45/65 tỉnh, thành, ngành trong cả nước; đào tạo đội ngũ VĐV có chất lượng đóng góp cho đội tuyển Quốc gia tham gia thi đấu các giải quốc tế đạt huy chương.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện đề án, TTTTC của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Một số trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện từng bước được đầu tư, cải thiện; đội ngũ HLV, VĐV được tuyển chọn, đào tạo, tập huấn bài bản, nâng cao trình độ, kỹ thuật chuyên môn. Các VĐV tham gia nhiều giải đấu cấp Quốc gia và khu vực; giành tổng cộng 107 huy chương, trong đó có 9 Huy chương Vàng; 17 Huy chương Bạc; 81 Huy chương Đồng. Có 27 VĐV đạt cấp I Quốc gia, 4 VĐV đạt cấp kiện tướng. Đặc biệt, năm 2018, Hà Giang có 4 VĐV được gọi vào đội tuyển và tuyển trẻ Quốc gia, gồm 3 VĐV PencakSilat, 1 VĐV Wushu; các VĐV tham gia thi đấu giải trẻ thế giới và đạt 1 Huy chương Bạc môn PencakSilat. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII, năm 2018, Đoàn VĐV Hà Giang giành 1 HCB, 5 HCĐ, xếp thứ 57/65 tỉnh, thành, ngành tham dự.
Hiện nay, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao (HL&TĐTDTT) tỉnh đang huấn luyện, đào tạo 72 VĐV ở 6 môn thể thao gồm: PenCakSilat, Wushu, bóng ném nữ, Vovinam, Booxing, Muay Thái. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển TTTTC trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.
21h tối, nhà tập luyện và thi đấu thể thao tỉnh vẫn sáng đèn. Ở góc sân tập, giọng của HLV và âm thanh phát ra từ những động tác tập luyện lẫn trong những giọt mồ hôi đêm. Tận mắt chứng kiến quá trình tập luyện, mới thấy sự vất vả của các HLV, VĐV. Dưới ánh đèn đêm, những gương mặt chăm chú, nhiệt tình tập luyện, mặc cho tấm lưng đã ướt sũng mồ hôi. Do phần lớn các VĐV đều đang học văn hóa, nên lịch tập luyện phụ thuộc vào lịch học của các em. Hôm nào các em học tập và tham gia các hoạt động ở trường cả ngày, lịch luyện tập sẽ chuyển sang buổi tối. Không có thành công nào không phải trải qua khổ luyện và đối với các VĐV TTTTC, việc tập luyện càng trở nên khắc nghiệt hơn. HLV Lục Quốc Tuế (môn Muay Thái) cho biết: “Mỗi ngày, các VĐV phải tập luyện từ 2 – 2,5 tiếng; điều kiện tập luyện gặp nhiều khó khăn vì không có phòng tập đạt chuẩn, các VĐV thường xuyên phải tập luyện tại gầm khán đài A Sân vận động C10 (thành phố Hà Giang). Môn Muay Thái tuy mới được đưa vào luyện tập từ năm 2017, nhưng có triển vọng để các VĐV giành huy chương. Tháng 5 này, các VĐV sẽ lên đường thi đấu tại giải Cúp các CLB toàn quốc, nên thời gian này đang ra sức tập luyện, không kể ngày đêm”.
Trung tâm HL&TĐTDTT tỉnh hiện quản lý Sân vận động C10; nhà tập luyện và thi đấu (được xây dựng từ năm 1997, nay đã xuống cấp nghiêm trọng), không có phòng tập thể lực và các phòng tập chuyên môn; 1 nhà ở cho VĐV hệ đào tạo tập trung nhưng hệ thống thoát nước, công trình phụ trợ, nhà vệ sinh, nhà tắm không đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của các VĐV. Để đảm bảo thời gian và giáo trình, các VĐV thường phải di chuyển đến các phòng ở gầm khán đài A Sân vận động C10 để tập luyện. Sự khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất ảnh hưởng lớn đến quá trình tập luyện của các VĐV.
Bên cạnh đó, mặc dù các chế độ, chính sách hiện hành cho VĐV đang được triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ; nhưng với định mức hỗ trợ tiền ăn 70.000 đồng/người/ngày theo quy định dành cho các VĐV đào tạo tập trung, được thực hiện từ năm 2011 đến nay, thì với sự trượt giá của thị trường, mức chi phí này hiện khó đảm bảo đủ dinh dưỡng. Giám đốc Trung tâm HL&TĐTDTT tỉnh, Nguyễn Văn Hải chia sẻ: “TTTTC đòi hỏi khắt khe về điều kiện tập luyện và chế độ dinh dưỡng. Hiện tại, Trung tâm đang triển khai các giải pháp khắc phục tạm thời khó khăn để các HLV, VĐV yên tâm tập luyện và thi đấu”.
TTTTC là hoạt động luyện tập và thi đấu nhằm phát huy tối đa về thể lực, ý chí, trình độ kỹ thuật của VĐV để đạt được thành tích cao. Nhưng thành tích cần phải đi liền với sự đầu tư đồng bộ. Mong rằng các cấp, ngành cùng chung tay, tạo điều kiện thuận lợi, triển khai các giải pháp thực hiện thành công đề án của tỉnh để thu hút các HLV, VĐV giỏi cống hiến cho tỉnh; để một ngày không xa, TTTTC thực sự là niềm tự hào của người dân miền cực Bắc Tổ quốc.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc