07:45, 24/05/2016
Tài năng của Jose Mourinho là không thể phủ nhận, tuy vậy ông cũng có được may mắn mà không một đồng nghiệp nào sánh bằng, kể cả Pep Guardiola.
Tài năng của Jose Mourinho là không thể phủ nhận, bất chấp hồi đầu mùa ông vừa bị Chelsea sa thải vì thành tích bết bát. Bằng chứng là trong suốt sự nghiệp, vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha này đã giành được tổng cộng 32 danh hiệu, đáng kể nhất là 2 chức vô địch Champions League, 3 Ngoại hạng Anh, 2 Serie A, 1 La Liga. Nhưng góp phần không nhỏ trong bảng thành tích đó của Người đặc biệt là một sự nghiệp may mắn hiếm thấy.
THỪA HƯỞNG GIA TÀI ĐỒ SỘ CỦA NGƯỜI TIỀN NHIỆM
Có hai mẫu HLV trong thế giới bóng đá, một là mẫu “xây dựng”, hai là mẫu “ăn sẵn”. Huấn luyện viên "xây dựng" là những người biết cách tạo ra một khung đội hình vững mạnh, có thể chơi bóng đỉnh cao nhiều năm. Tuy thế, họ lại thường không biết cách nào đưa đội bóng ấy vươn cao tột đỉnh, đặc biệt là ở đấu trường Champions League.
Ngược lại, mẫu huấn luyện viên "ăn sẵn" lại không giỏi xây dựng đội hình. Khi tiếp quản một đội bóng nào đó, họ chỉ tạo ra vài sự thay đổi bằng những thương vụ bom tấn và với tài thao lược, họ sẽ đưa đội bóng ấy vươn tới đỉnh cao.
Alex Ferguson là chiến lược gia hiếm hoi hội tụ đủ hai yếu tố trên. Trong khi đó, Jose Mourinho chính là mẫu chiến lược gia điển hình của kiểu "ăn sẵn". Bởi lẽ ông thường vươn tới đỉnh cao cùng đội bóng mà mình dẫn dắt ở năm đầu và năm thứ hai, đến năm thứ ba là bắt đầu thoái trào.
Mourinho chỉ thành công khi dẫn dắt các đội bóng trong thời gian ngắn
Và khi Người đặc biệt bị sa thải thì đội hình ấy cũng xem như vứt đi. Nhìn lại sự nghiệp Mourinho, nhiệm kỳ đầu dẫn dắt Chelsea (2004-2008) là giai đoạn duy nhất vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha này làm việc quá 3 năm liền tại một đội bóng. Và thực tế ngay đầu mùa giải thứ 4, Người đặc biệt đã phải nhận trát sa thải vì The Blues chìm sâu trong khủng hoảng.
Claudio Ranieri, Roberto Mancini, Manuel Pellegrini và Louis van Gaal chính là những chiến lược gia theo kiểu “xây dựng”. Và điểm chung thứ hai, họ đều là những người tiền nhiệm của Mourinho.
Rời Chelsea, Ranieri để lại cho Mourinho những Lampard, Terry hay Duff… Rời Inter, Mancini để lại một tập thể nhiều năm liền vô địch Serie A, với những Maicon, Zanetti, Cambiasso, Julio Cesar… Rời Real, di sản Pellegrini để lại là Ronaldo, Benzema, Alonso, Ramos, Pepe… Và sắp tới tại M.U, Người đặc biệt sẽ thừa hưởng một lứa trẻ tài năng do Van Gaal phát hiện, tiêu biểu nhất là Rashford.
Tiền nhiệm của Mourinho thường là những nhà cầm quân giỏi xây dựng đội hình
Nhắc lại chuyện Porto, thực tế đội hình vô địch Champions League 2003/04 cũng không phải do Mourinho xây dựng. Đây là một thế hệ tài năng gắn bó với đội bóng thành phố cảng trước khi Người đặc biệt tới, bao gồm Deco, Costinha, Ferreira, Carvalho hay Maniche… Hơn nữa, mùa giải cúp châu Âu năm đó, hàng loạt đại gia tự bắn vào chân mình tạo cơ hội cho Porto đăng quang.
Nhìn sang Pep Guardiola, kỳ phùng địch thủ của Mourinho để thấy sự khác biệt. Thứ Pep nhận được từ Rijkaard là một Barca bệ rạc, tan rã với những ngôi sao hết thời như Ronaldinho, Deco. Tất nhiên, không thể phủ nhận Pep đã may mắn vì được La Masia trao tặng cho một thế hệ xuất chúng với Messi, Iniesta, Xavi… để tái tạo Barca.
Tại Bayern, nhiều người nhầm tưởng di sản Jupp Heynckes để lại cho Pep Guardiola là một đội hình vừa “ăn ba”. Thực tế thứ mà Pep nhận được là một tập thể đã vươn tới đỉnh cao, hơn nữa tư duy của Pep khác hẳn tư duy của Heynckes, thế nên ông gần như phải đập đi xây lại hoàn toàn.
Mourinho luôn được các ông chủ ủng hộ tuyệt đối
THÍCH GÌ MUA NẤY
Như đã đề cập ở trên, những chiến lược gia ăn sẵn cần một hoặc vài thương vụ bom tấn để hoàn thiện đội hình trước khi vươn tới đỉnh cao. Và Mourinho có may mắn là luôn được làm việc với những ông chủ hào phóng, sẵn sàng chi đậm trên thị trường chuyển nhượng. Từ Abramovich đến Moratti, Perez và sắp tới là nhà Glazer, với đại diện là Ed Woodward.
Không những thoải mái mua sắm bất kỳ cầu thủ nào mà ông muốn, Người đặc biệt còn được phép tống khứ bất cứ cái tên nào ông cảm thấy ngứa mắt. Nên nhớ tại Real, trừ Mourinho, không một huấn luyện viên nào có được cái đặc quyền ấy.
Từ trước đến nay, những nhà cầm quân làm việc tại Bernabeu chỉ được phép đưa ra danh sách chuyển nhượng mang tính chất tham khảo, quyết định cuối cùng thuộc về chủ tịch và giám đốc thể thao. Thế nhưng dưới thời Mourinho, Perez gạt lệ trảm công thần Jorge Valdano, người lúc ấy giữ chức GĐTT để trao toàn quyền quyết định cho Người đặc biệt.
Valdano là một trong những bại tướng dưới tay Mourinho
Và Mourinho đã tiêu tốn của các đội bóng mà ông dẫn dắt không ít tiền để thành công. Tính từ lần đầu dẫn dắt Chelsea cho đến nay, số tiền Mourinho tung ra khỏi hầu bao các CLB ông kinh qua đã lên tới gần 1 tỷ euro (943 triệu euro). Trong đó, giai đoạn Mourinho "ngốn" nhiều tiền nhất chính là 3 năm qua tại Chelsea, với 358,6 triệu euro.
Có phải trùng hợp hay không khi biết rằng đây chính là nhiệm kỳ Người đặc biệt tiếp quản đội hình từ Rafa Benitez, một chiến lược gia thuộc dạng “ăn sẵn” khác?
Số tiền Jose Mourinho đã ném vào thị trường chuyển nhượng tại các CLB: Chelsea (2004-2008): 254,6 triệu euro Inter Milan (2008-2010): 152,3 triệu euro Real Madrid (2010-2013): 177,5 triệu euro Chelsea (2013-2016): 358,6 triệu euro |
bongdaplus.vn
Ý kiến bạn đọc