Người Hàn Quốc đã theo dõi Xuân Trường trong cả quá trình dài trước khi đi đến quyết định chiêu mộ
INCHEON ĐÃ “ĐEO BÁM” 2 NĂM
Lứa cầu thủ U19 Việt Nam với nòng cốt là Học viện HA.GL – Arsenal JMG đã gây được tiếng vang suốt mấy năm qua, không chỉ ở trong nước. Năm 2013 và 2014, các đại diện đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu chú ý đến thị trường cầu thủ Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vì thế, lứa cầu thủ của HLV Guillaume Graechen đã được các công ty môi giới cầu thủ theo dõi rất sát sao và tất cả đều được đưa vào những trang web có số liệu thống kê rất tỉ mỉ, chi tiết…
Xuân Trường và những pha chuyền bóng như đặt |
|
Những cầu thủ được đánh giá cao nhất của HA.GL chính là Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh và Lương Xuân Trường và một vài cái tên khác. Trong số này, nhiều người đã bị “sốc” khi hay tin, CLB Incheon United dành sự quan tâm đặc biệt cho Xuân Trường chứ không phải là 2 đồng đội cũng sắp lên đường sang Nhật thi đấu.
Dựa trên những số liệu, băng hình đã thu thập về Xuân Trường trong 2 năm qua, các tuyển trạch viên của Incheon United đã đưa ra những phân tích, đánh giá… triển vọng và khả năng hòa nhập của tiền vệ này ở môi trường mới. Theo đó, Xuân Trường đã cải thiện đáng kể sức mạnh để có thể theo kịp lối chơi thiên về thể lực và tốc độ ở K-League Classic. Điều mà Xuân Trường “ghi điểm” nhiều nhất đối với BHL Incheon United chính là lối chơi thông minh và đặc biệt là những đường chuyền có tỷ lệ chính xác rất cao. Vì thế, Xuân Trường sẽ có nhiều đất “diễn” nếu gia nhập Incheon United.
Người Việt Nam ở Incheon rất đông là nguồn thu béo bở của Incheon
Xuân Trường chia sẻ rằng anh cũng rất ngạc nhiên khi biết thông tin Incheon United quan tâm tới mình. “Tôi là người chơi bóng thiên về kỹ thuật. Vì thế, tôi cảm thấy lạ nếu như đại diện của K-League muốn tuyển mộ tôi. Bình thường thì các cầu thủ của Hàn Quốc chơi thiên về tốc độ và sức mạnh. Không lẽ họ cần một chân chuyền như tôi?”, Xuân Trường tỏ vẻ hoài nghi.
Sự hoài nghi của Xuân Trường cũng là sự hoài nghi của rất nhiều người, ngay cả giới bóng đá Hàn Quốc lẫn Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên môn chỉ là một phần trong phi vụ chuyển nhượng đình đám này, nếu như nó được hiện thực hóa thành giấy trắng mực đen.
“CON TÍNH” CỦA INCHEON UNITED
Incheon United muốn sở hữu Lương Xuân Trường và chắc chắn đây là bản hợp đồng rất đáng chú ý của đội bóng này ở mùa giải 2016. Đương nhiên, Incheon mang về tiền vệ người Tuyên Quang vì anh có chuyên môn tốt, nhưng đội bóng Hàn Quốc còn nhìn thấy một tiềm năng to lớn khác của anh, đó là giá trị thương mại.
Trước khi trực tiếp đàm phán mua Xuân Trường, đại diện của K-League đã đưa ra những giải pháp để bản hợp đồng này có thể sinh ra lợi nhuận. Cụ thể, những chuyên gia marketing của Incheon United đã đưa ra những phương án kinh doanh hình ảnh của Xuân Trường tại Hàn Quốc. Theo đó, thị trường được nhắm đến chính là đông đảo người Việt Nam đang định cư, sinh sống, lao động và học tập… tại xứ kim chi.
Theo thống kê, trong hơn 187.000 người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc thì có khoảng 15.000 người đang đăng ký hộ khẩu tại thành phố Incheon, thuộc tỉnh Gyeonggi. Một phép tính được các nhà kinh doanh của Incheon United đưa ra: chỉ cần 10% số người Việt Nam đang sống tại địa phương đến sân xem đồng hương của mình đá bóng, thì đó đã là một thành công mỹ mãn, chứ chưa nói từ các địa phương khác, như thủ đô Seoul chỉ cách thủ Incheon 70km, nơi người Việt Nam ở Hàn Quốc chiếm đa số.
Thực tế, số lượng CĐV của Incheon United đang sụt giảm đáng kể trong vài mùa bóng gần đây. Do vậy, họ đang tính đến các giải pháp kéo các CĐV trở lại để lấp đầy sân Incheon với sức chứa hơn 20.000 chỗ ngồi. Và các CĐV đến từ Việt Nam là đối tượng có nhiều tiềm năng để bán áo đấu, các mặt hàng lưu niệm… Hơn thế nữa, bóng đá cũng mở ra các mối quan hệ, có thể hợp tác kinh tế, du lịch, lao động… giữa các doanh nghiệp của Incheon và Việt Nam.
Một thông tin không thể bỏ qua, đó là Incheon United cũng như các đội bóng tại K-League đang chuyển sang kinh doanh, bán bản quyền truyền hình tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vốn được coi là mảnh đất bóng đá rất màu mỡ. Thực tế, một kênh truyền hình thể thao của Việt Nam đã mua bản quyền của K-League có thời hạn 3 năm nhưng chỉ mới khai thác được một năm.
Tóm lại, khi Xuân Trường đầu quân cho Incheon United thì nó không chỉ đơn thuần là một hợp đồng tuyển quân, săn tìm cầu thủ thi đấu mà đằng sau đó còn cả mục đích thương mại không hề nhỏ. Trong thương vụ này, cả đôi bên đều là những người được lợi.
Kỳ 2: Cuộc chiến K-League và J-League, xem ai là số 1?
Ý kiến bạn đọc