Vụ hét giá thuê sân Mỹ Đình: Ai vì người hâm mộ
VFF thường dùng từ 'nhiệm vụ chính trị', 'trách nhiệm quốc gia' để yêu cầu sân Mỹ Đình đưa ra mức giá thuê sân rẻ nhất nhưng ai vì quyền lợi của người hâm mộ còn là dấu hỏi.
Việc Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình đưa ra mức giá lên tới hơn 1,5 tỷ đồng là sự vô lý khó chấp nhận. Càng vô lý hơn khi đi sâu vào những chi tiết trong bảng giá mà phía sân Mỹ Đình đưa ra như tiền vệ sinh sân 442 triệu đồng, 94 triệu đồng cho tiền điện, 59 triệu cho tiền tưới nước, chi phí chăm mặt cỏ 234 triệu đồng, tiền công phục vụ lên tới 144 triệu đồng rồi cả hai khoản khá khó hiểu là tiền khấu hao trang thiết bị 191 triệu đồng và quỹ tái đầu tư sân lên đến 320 triệu đồng…
Người hâm mộ tới sân Mỹ Đình cổ vũ đội tuyển thi đấu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Rồi cả lượng nước tưới mặt cỏ được sân Mỹ Đình kê khai lên tới gần 5.000 m3, nếu chia đều, mỗi m2 mặt cỏ phải dùng đến gần một mét khối nước. Những chi tiết đó cho thấy Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình đã tận thu với ban tổ chức trận đấu này.
Cái gốc của chuyện "cò kè bớt một thêm hai" giữa VFF với Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình là do sự không hài lòng với nhau trong nhiều vụ việc trước đây. VFF thường lấy cớ sân Mỹ Đình là tài sản quốc gia nên phải có trách nhiệm phục vụ đội tuyển và chỉ chấp nhận trả cái giá bèo nhất để thu lợi nhuận tối đa cho mình. Một thành viên ban tổ chức trận tuyển Việt Nam - Olympic Brazil cách đây 5 năm cho biết số tiền lãi từ trận đấu này lên tới hơn chục tỷ đồng nhưng sân Mỹ Đình chỉ được trả 200 triệu đồng. VFF cũng thu lãi rất lớn từ các trận quốc tế khác nhưng chỉ trả cho ban tổ chức sân những khoản rất hẻo. Trong trường hợp này, bản thân VFF cũng muốn khai thác tối đa thương hiệu đội tuyển để làm dày ví của mình nhưng liệu sẽ có bao nhiêu tiền trong số đó được tái đầu tư cho đội tuyển hay phần lớn được dùng chi tiêu các khoản khác.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã nói trận đấu tuyển Việt Nam - Arsenal có ý nghĩa chính trị nhưng mức giá vé mà ban tổ chức đưa ra lên tới 1,5 triệu đồng và nếu mua cả cặp vé phải mất 3 triệu đồng, xấp xỉ với một tháng lương cơ bản, cho thấy không có nhiều người hâm mộ có thể với tới những cặp vé này. Nhiều người làm phép tính nhanh nếu ban tổ chức bán hết vé thì có thể thu tới hơn 35 tỷ đồng, chưa kể các khoản thu khác như tiền bán biển quảng cáo, bản quyền truyền hình… dự kiến lên tới gần chục tỷ đồng nữa.
Ở đây, HAGL và Eximbank là đơn vị tổ chức nên thầu luôn số biển quảng cáo này và chi phí này cũng phải được tính luôn vào các khoản thu, bởi việc tổ chức trận đấu 5 sao như trên sẽ mang lại rất nhiều về mặt hình ảnh, thương hiệu. Nếu trừ đi chi phí tổ chức khoảng hơn 40 tỷ đồng, đơn vị tổ chức cũng không đến nỗi phải lỗ quá lớn.
Rất nhiều người hâm mộ khó hiểu khi một hợp đồng lên tới hơn 40 tỷ đồng với đối tác nước ngoài được quyết định chỉ sau một buổi họp ngắn, còn khoản chi nhỏ hơn vài chục lần lại phải cò kè bớt một, thêm hai trong cả tuần mà không giải quyết nổi, thậm chí còn động tới Bộ rồi cả các cấp cao hơn. Nếu như cả hai phía đều xác định đặt lợi ích của người hâm mộ lên cao nhất thì chắc mọi chuyện đã không khó giải quyết đến thế.
Ý kiến bạn đọc