Vì sao Gangnam Style gây sốt?
07:30, 18/10/2012
Không đậm vẻ son phấn và phẫu thuật thẩm mỹ, không nuột nà mỹ miều như phần lớn các clip ca nhạc khác của xứ Kim chi, nhưng Gangnam Style vẫn gây sốt toàn cầu. Vì sao vậy?
Virus âm nhạc Gangnam Style
Với hơn 450 triệu lượt người xe trên trang chia sẻ hình ảnh Youtube, đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng ở Anh, đứng thứ nhì ở bảng xếp hạng Billboard của Mỹ, lập kỉ lục Guiness về số người thích nhất trên trang Youtube… vũ điệu nhảy ngựa nổi tiếng Gangnam Style, tạm dịch là “Phong cách Gangnam” đã gây nên một cơn sốt trên toàn cầu.
Tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, một màn trình diễn Gangnam Style tập thể của gần 1.000 vũ công từ khắp nơi trên thế giới đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của công chúng. Một vũ công người Hà Lan tham gia màn trình diễn khẳng định, “tại Hà Lan, Gangnam Style rất được yêu thích”.
Trong lúc đó, tại một căn cứ hải quân của Thái Lan, các sỹ quan và thủy thủ người Thái cũng đang say mê trong vũ điệu "Gangnam Style".
Cơn sốt “Gangnam style” thậm chí lan sang cả những đứa trẻ chưa biết nói khi những hình ảnh được đưa lên trang chia sẻ Youtube cho thấy, cậu bé Benjamin 10 tháng tuổi tại Tufnell Park, London chỉ chịu ăn khi được nghe bài hát "GangnamStyle" ưu thích của bé…
Gangnam Style đang gây sốt. Nhưng đến bây giờ, người ta vẫn tự hỏi phía sau sự thành công của Gangnam Style, là do một phép màu, hay là do một chiến lược quảng bá quá thành công của các nhà sản xuất Hàn Quốc?
Vì những thông điệp đại chúng và toàn cầu!
Được tung lên trang mạng Facebook từ ngày 15/7, tức là cách đây 3 tháng, ca khúc nhạc Rap Gangnam Style của ca sỹ Psy đã liên tục lập những kỉ lục mới, và hiện nay đang tiến dần trong bảng xếp hạng 10 ca khúc được xem nhiều nhất trong lịch sử trang mạng Youtube. Bài hát mô tả lối sống khoa trương của tầng lớp nhà giàu mới nổi ở quận Gangnam, quận giàu có nhất ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Một nội dung châm biếm tinh tế, kết hợp với điệu nhảy ngựa hài hước, ngay từ ban đầu đã thu hút sự chú ý của một lượng lớn khán giả. Và sự bùng nổ của các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook, đã giúp nó lan rộng ra khắp các châu lục như một thứ virus âm nhạc.
Quận Gangnam ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc là nơi khơi nguồn cảm hứng cho bài hát này. Với cái tên là “Phía Nam con sông”, tại Gangnam này, chỉ có 1% người dân Seoul sinh sống, nhưng đa phần đều giàu có. Một căn hộ ở đây có giá trung bình 716 ngàn USD (tức xấp xỉ 15 tỉ đồng Việt Nam) là khoản tiền một hộ gia đình Hàn Quốc phải tích cóp trong 18 năm.
Đây cũng là nơi tập trung những cửa hàng cửa hiệu xa xỉ, các câu lạc bộ thâu đêm, những dịch vụ thời thượng như phẫu thuật thẩm mỹ, massage với mức giá cao ngất ngưởng. Và người dân tại đây chi tiêu cho giáo dục nhiều gấp 4 lần mức trung bình cả nước.
Nhưng sự giàu có của Gangnam đơn thuần đến từ cơn sốt nhà đất từ cuối những năm 1970 đến đầu năm 2000. Và tại Hàn Quốc, người ta nhắc đến Gangnam là luôn kèm theo sự ganh ghét bởi quan niệm cho rằng, người dân tại đây được hưởng cuộc sống tốt nhất, luôn tiêu xài hoang phí để phô trương, song sự giàu có lại không xuất phát từ sự chăm chỉ làm việc và đức tính hy sinh – vốn là tính cách của dân tộc Hàn.
Và trong thời buổi kinh tế khó khăn này, bài hát Gangnam Style đã nhấn trúng tâm lý đó.
Trong lời bài hát, ca sỹ Psy luôn vỗ ngực nói mình có “phong cách Gangnam”. Nhưng thay vì nhảy trong vũ trường quán bar, anh khiêu vũ trên xe buýt. Thay vì đến câu lạc bộ thể hình cao cấp, anh tập thể dục tại phòng tắm hơi như người bình dân. Thay vì phong cách của người dân Gangnam là tao nhã sành điệu, thì Psy đem đến hình ảnh một con người quê mùa và thô kệch.
Theo ông Hern Sik Kim, giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược văn hóa và Ấn phẩm của Hàn Quốc, ẩn đằng sau bài hát là nhiều thông điệp mang tính đại chúng và toàn cầu.
“Những xu hướng và phong cách sống tại Gangnam có ảnh hưởng đến cả đất nước Hàn Quốc. Người ta thèm muốn được sống tại Gangnam. Người ta cũng ganh ghét với nó. Vì thế, bài hát Gangnam Style mang tính châm biếm về thói sống xa hoa đã đánh trúng tâm lý của người dân Hàn Quốc. Còn trên bình diện quốc tế, nội dung phê phán lối sống vật chất giữa lúc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng khiến nó được chú ý”, ông Kim phân tích.
Một chiến lược quảng bá thành công
Tính đại chúng và toàn cầu là điều không ai có thể phủ nhận, nhưng còn những lí do khác khiến cho Gangnam Style trở thành “cơn sốt”. Ít ai biết rằng, cậu bé trong đoạn đầu của bài hát là một cậu bé gốc Việt, con của một cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Những nhân vật trong bài hát đều đại diện cho nhiều nhóm người khác nhau trong xã hội, vì thế nó thể hiện được tính đại chúng tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, vũ điệu nhảy ngựa độc đáo và vui nhộn trong Gangnam Style cũng mang dáng dấp của điệu nhảy đình đám “Maccarena” cách đây hơn chục năm từng khiến thế giới chú ý.
Bản thân ca sỹ Psy đã làm một điều ít có tiền lệ tại Hàn Quốc: “Châm biếm” những gì được gọi là “phong cách” của xứ Hàn. Cùng với ngoại hình khác lạ với các ngôi sao Hàn Quốc khác – vốn thường đậm vẻ son phấn và phẫu thuật thẩm mỹ, Psy lại đem đến vẻ ngoài chân chất, đã khiến khán giả phương Tây thích thú.
Nhưng trên hết, là chiến lược quảng bá rầm rộ cho ca khúc, từ việc kí hợp đồng với ông bầu Scooter Braun - quản lý của ca sỹ đình đám Justin Bieber để lăng xe tại Mỹ, đến tung clip bài hát miễn phí bản quyền trên trang mạng chia sẻ Youtube để tận dụng sức mạnh của mạng xã hội. Và mới đây, ca sỹ Psy đã có buổi biểu diễn miễn phí tại Hàn Quốc để tăng sức mạnh quảng bá cho ca khúc này.
Dù được khen hay bị chê, thì rõ ràng ca khúc Gangnam Style đã có công quốc tế hóa nền âm nhạc KPOP ra thế giới. Và ẩn đằng sau đó, là một nền xuất khẩu dịch vụ đang bùng nổ. Riêng tại quận Gangnam này, số lượng người truy cập các trang web để tìm tour du lịch Gangnam đã tăng 30-40% mỗi ngày.
Nếu trước đây, du khách quốc tế đổ về Gangbook, tức phía Bắc con sông Hàn để khám phá đền đài, cung điện cổ, thì ngày nay một dòng du khách đang đổ về Gangnam, tức phía Nam con sông, để khám phá cuộc sống hiện đại và hào nhoáng đã được mô tả trong bài hát Gangnam Style.
Ý kiến bạn đọc