Premiership & xu hướng trở lại châu Á
Tấm gương Park Ji-Sung
Trước đây, Nhật Bản đi đầu trong xu hướng xuất khẩu cầu thủ sang các nền bóng đá lớn mạnh hơn họ ở châu Âu và Nam Mỹ. Tuy nhiên, gần đây, do đặc thù về lối chơi cũng như đang phải trải qua thời kỳ quá độ, bóng đá Nhật Bản chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu ngôi sao chủ yếu sang Nam Mỹ, nhất là Brazil, để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
Sau Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh trào lưu đưa cầu thủ của mình sang các nền bóng đá phát triển. Nhìn về phong cách thi đấu, bóng đá Hàn Quốc có những nét tương đồng với bóng đá châu Âu vốn sử dụng nhiều thể lực và tốc độ, chơi bóng đa dạng chứ không chỉ bóng ngắn, bóng sệt.
Cho đến thời điểm này, Park Ji-Sung đang là ngôi sao châu Á nổi tiếng nhất, thành công nhất trong lịch sử khi khoác áo một CLB lớn tại châu Âu. Cùng với M.U, Park trở thành cầu thủ châu Á đầu tiên đoạt danh hiệu Champions League (mùa 2007/08). Trên bình diện quốc nội, M.U của Park cũng đang thống trị Premiership và bản thân Park có một vị trí quan trọng ở hàng tiền vệ.
Thành công của Park Ji-Sung có thể được xem như một biểu tượng, một hình mẫu để các giới cầu thủ châu Á nhìn vào. Xem cách Park chơi bóng và chứng minh giá trị tại M.U, cảm giác khoảng cách về trình độ giữa bóng đá châu Á vốn bị xem là vùng trũng với bóng đá đỉnh cao châu Âu đã bị xóa nhòa.
Vài năm gần đây, sự sáp nhập của LĐBĐ Australia vào châu Á khiến cho số lượng cầu thủ chơi bóng ở trời Âu của châu lục này tăng vọt. Người ta không quên những gương mặt lẫy lừng một thời của bóng đá Australia thành công tại Premiership như Mark Viduka, Harry Kewell và bây giờ là Tim Cahill, Brett Emerton… Nói cách khác, Australia cũng là một tấm gương để các nền bóng đá châu Á khác học tập.
Tóm lại, ngày càng có nhiều lý do xích lại gần nhau giữa các CLB bóng đá hàng đầu của châu Âu với giới cầu thủ châu Á. Trong đó, sự phát triền về chất, về chuyên môn giờ được đánh giá là quan trọng sau thành công vang dội của Park Ji-Sung.
Ý kiến bạn đọc