Phát triển thể thao thành tích cao: Cần hướng đi bài bản
HGĐT- Xây dựng và phát triển các bộ môn thể thao thành tích cao là mối quan tâm hàng đầu của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch. Để các môn thi đấu thể thao như Pencatsilat, Usu trở thành thế mạnh có thể gây bất ngờ và gặt hái được thành công trên đấu trường thể thao khu vực thì sự đầu tư đúng đắn về cơ sở vật chất, đào tạo bài bản về trình độ VĐV sẽ là yếu tố quyết định đến thành tích các môn thể thao trong thi đấu.
Tập luyện kỹ thuật xuất đòn của VĐV Pencatsilat.
|
Nhìn lại khoảng thời gian 2007, 2008, 2009, tại các đấu trường khu vực, các Đại hội TDTT toàn quốc, các môn thi đấu như Pencatsilat, Usu với các VĐV tiêu biểu như: Nguyễn Việt Hoàng (HCV môn Usu), Lục Quốc Tuấn (HCV môn Pencatsilat) đã gây tiếng vang rất lớn trong con mắt các nhà thể thao chuyên nghiệp khi đưa về những tấm huy chương cao quý cho tỉnh nhà. Chính từ đây, thể thao thành tích cao tại tỉnh ta mới có sự quan tâm hơn của các cấp, các ngành. Hiện nay bộ môn thi đấu thể thao thành tích cao được đào tạo hết sức cơ bản, bao gồm các môn, Pencatsilat, Usu, bóng ném nữ, bóng chuyền nữ, vật nữ và môn đẩy gậy. Các môn thi đấu này có tổng cộng 58 VĐV, đang được đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện thi đấu thể thao tỉnh. Nhận định chung cho thấy, các môn thi đấu thể thao tại tỉnh ta chủ yếu mang tính chất phong trào, thiếu chuyên nghiệp. Vì vậy, khi nói đến thể thao thành tích cao, chúng ta phải để cập tới các yếu tố cơ bản mang tính quyết định, đó là khâu tuyển chọn và đào tạo. Theo đánh giá của ông Hoàng Khắc Giang, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh thì, hiện nay các môn thi đấu thể thao thành tích cao tại tỉnh ta vẫn “khát” nguồn nhân lực, kể cả từ tuyển chọn VĐV thực sự có năng khiếu và HLV có nhiều kinh nghiệm trên đấu trường thể thao. Hơn nữa, hiện nay “bài toán” khu vực huấn luyện đang trở lên bức thiết, khi SVĐ C10 tu sửa thì toàn bộ các môn thể thao phải dồn về Trung tâm để huấn luyện vừa không đảm bảo không gian huấn luyện vừa không đúng với yếu tố kỹ thuật. Tuy vấn đề cơ sở vật chất có tác động ít nhiều đến công tác huấn luyện, nhưng cơ bản để có thành tích cao trong các bộ môn thi đấu, quan trọng vẫn là khâu đào tạo và kỹ năng thi đấu.
Giải quyết vấn đề này, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao đã cố gắng khắc phục bằng cách, tăng dần mức sinh hoạt cho các VĐV, tạo điều kiện về chỗ ở VĐV, tiến hành tập huấn đan xen giữa các môn thi đấu, đồng thời bố trí thời gian hợp lý để các VĐV vừa có thể học văn hoá vừa tham gia tập luyện. Mùa giải thể thao toàn quốc năm 2009, tỉnh ta cũng gặt hái được khá nhiều thành công trên đấu trường khu vực, với 24 loại Huy chương các loại. Tuy nhiên về mặt bằng chung, thể thao thành tích cao tại tỉnh ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chung và sự mong đợi của khán giả tỉnh nhà. Đôi khi sức ép thành tích đã vô tình tạo áp lực trên đôi vai các VĐV thi đấu.
13h30 chiều 7.7, chúng tôi có mặt tại khu vực huấn luyện các VĐV thi đấu thể thao thành tích cao của tỉnh. Quả thật, có tận mắt chứng kiến mới thấy được sự vất vả của các HLV, VĐV trong quá trình tập luyện..., dưới nền nhiệt độ ngoài trời trên 40 độ C đã tạo lên cái nóng hầm hập trong nhà thi đấu, tuy nhiên các VĐV vẫn nhiệt tình huấn luyện. Một huấn luyện viên môn Pencatsilat cho biết, vì đang huấn luyện để các VĐV tiếp tục thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc nên chúng tôi phải gấp rút đưa ra các bài huấn luyện cuối cùng trước khi các em lên đường tham dự giải. Anh cũng cho biết, Đại hội TDTT toàn quốc đã diễn ra từ đầu tháng 3 và sẽ kết thúc vào tháng 12, hiện nay đội tuyển Hà Giang mới chỉ giành được 2 Huy chương đồng...
Giữa giờ nghỉ giải lao, VĐV Thuý Hằng, bộ môn bóng ném nữ bật mí, đến tháng 9/2010 môn bóng ném nữ sẽ chính thức lên đường khởi tranh, tập luyện cũng thật vất vả, nhưng chúng em sẽ chiến đấu hết mình, thi đấu bằng chính năng lực của mình để các tỉnh bạn phải nhìn Hà Giang với con mắt khác..., sự tự tin của Hằng và các VĐV bóng ném nữ khiến tôi thầm cảm phục và hy vọng những thành công sẽ đến với các em, những tấm Huy chương sẽ đánh giá khách quan nhất, và là kỳ vọng nhất đối với các em trên đấu trường thể thao khu vực...
Việc đầu tư cho thể thao thành tích cao, ai cũng biết không phải là vấn đề “một sớm một chiều” mà đó là cả một quá trình, một đoạn đường đầy chông gai và thử thách. Chúng ta cần biết chọn môn thi đấu là sở trường, phù hợp với khả năng các VĐV, hơn nữa khâu tuyển chọn VĐV, thuê HLV cũng phải được sàng lọc kỹ. Chúng ta không quá đặt nặng thành tích trên vai các VĐV và HLV, đôi khi “bệnh thành tích” sẽ đốt cháy đi niềm đam mê của các VĐV khi theo nghiệp thể thao. Trước hết, vấn đề cải tạo nhà huấn luyện phải đặt lên hàng đầu, cần hoàn thiện hệ thống đào tạo VĐV năng khiếu lên đội tuyển trẻ và đội tuyển tỉnh. Tăng cường thi đấu cọ xát với các tỉnh và khu vực để có những kinh nghiêm quý báu. Đầu tư về chế độ dinh dưỡng đảm bảo cho VĐV huấn luyện và thi đấu, có chính sách thu hút tài năng trẻ, HLV giỏi từ khu vực. Có như vậy, thể thao thành tích cao tại tỉnh ta mới có những bước đi bài bản, đúng chiến lược.
Ý kiến bạn đọc