Ozomatli sắp đến Việt Nam
Ozomatli được thành lập ở Los Angeles, tên nhóm được lấy từ ngôn ngữ Nahuatl của người Aztec, nghĩa là con khỉ, một biểu tượng chiêm tinh, là vị thần đại diện cho lửa, vụ mùa và của nhảy múa và âm nhạc. Ban nhạc có số lượng đông đảo, thay đổi từ 7 đến 10 thành viên, trong đó ổn định nhất là 8 thành viên, ngang ngửa với Chicago hay Blood Sweat Tears. Dĩ nhiên, giống như 2 nhóm nhạc này, do ảnh hưởng từ jazz, quân số nhóm nhạc tăng cao vì các thành viên sử dụng kèn. Ozomatli còn kết hợp các yếu tố từ hip-hop nên có thêm DJ để chà đĩa, có rapper đọc rap. Cội rễ Latin nên Ozomatli không thể thiếu các thành viên chơi bộ gõ. Các thành viên của nhóm đến từ nhiều nguồn gốc chủng tộc khác nhau, thể hiện rất rõ tính chất “hợp chủng quốc” của Mỹ.
Các nhà phê bình đều đánh giá rằng không có album nhạc nào của Ozomatli có thể che khuất được yếu tố diễn live của nhóm. Cách tốt nhất để trải nghiệm với Ozomatli là xem họ diễn trực tiếp trên sân khấu, với sự ngẫu hứng và bùng nổ, với các phần độc tấu trống thường và trống conga. |
Nếu phải so sánh, dễ nhất là liên tưởng Ozomatli đến Santana với những bập bùng của samba, pha trộn salsa với Latin rock. Nhóm nhạc cũng có những bản nhạc “thân thiện với sóng phát thanh”, vốn là phương tiện quảng bá rất hữu hiệu ở Mỹ. Khái niệm “radio-friendly” chỉ các bài hát dễ lấy lòng được số đông chứ không phải các phân khúc chuyên biệt kiểu như “dân mê rock cuồng nhiệt” hay “cộng đồng Latin”.
Bản nhạc mở đầu đĩa Street signs, bài Believe hay bài thứ 4 (Whos discover) America đều là những bản nhạc cuốn hút. Đĩa Street signs được phát hành năm 2004 và giành giải Grammy Latin cho album rock alternative xuất sắc nhất. Ở album này, Ozomatli thử nghiệm với những âm thanh Trung Đông, sử dụng phần đệm của dàn nhạc Praha với các loại đàn dây Ả Rập ngay ở bài đầu tiên, nhắc nhớ tới
Kashmir của Led Zeppelin. Chủ đề của album cũng thay đổi, các yếu tố chính trị, khủng bố ở album trước (Embrace the chaos) được thay đổi thành hy vọng, tình yêu và nét đẹp (như ở bài Love and hope). Đôi lúc, tất cả những âm thanh rộn rã của salsa, hip-hop, funk được dừng hẳn để có một track nhạc đầy giai điệu êm dịu như ở Doía Isabelle... Đến đĩa Don’t mess with the dragon năm 2007, Ozomatli bắt đầu kết hợp thêm các yếu tố từ rock, punk, ska và chuyển sang chất liệu từ châu Á. K.C.Porter là nhà sản xuất đã đưa các tên tuổi như Ricky Martin, Selena lên đỉnh cao danh vọng.
Ông tham gia thực hiện 4 bản nhạc trong album giành 9 giải Grammy năm 1999, đĩa Supernatural của Santana. Ozomatli là nhóm nhạc được Carlos Santana chọn là nhóm diễn mở màn cho ông trong tour quảng bá album Supernatural.
K.C.Porter tham gia vào đĩa Don’t mess with the dragon ở vị trí nhà sản xuất và kết quả là âm thanh của Ozomatli sạch sẽ và tươi sáng hơn, dĩ nhiên vẫn tiếp tục sự pha trộn về văn hóa và dòng nhạc như nhóm đã làm từ khi khởi đầu. Đây là đĩa nhạc gần gũi với số đông công chúng, với dòng nhạc chủ lưu (mainstream) nhất trong các đĩa nhạc của Ozomatli.
Đĩa nhạc này, Ozomatli chia sẻ những điểm chung với nhóm nhạc thời thượng Black Eyed Peas nhưng ngược thời gian nhiều hơn về phía các nhóm funk của thập niên 70 như Sly and the Family Stone. Bài Don’t mess with the dragon là một kiểu mẫu cho sự hòa trộn, với nhịp điệu reggae cùng các nhạc cụ châu Á... Magnolia Soul khởi đầu như một bản nhạc soul thời 70 nhưng sau đó đoạn giữa được thêm vào phần đọc rap rất hiện đại. La Gallina thậm chí sử dụng cả tiếng accordion bên cạnh dàn kèn đặc trưng.
Khác với các nhóm nhạc được xếp vào dòng nhạc chính trị như the Clash hay Rage Against The Machine thường thể hiện quan điểm của mình “một cách giận dữ”, Ozomatli luôn giữ được cái nhìn lạc quan và hướng đến những thay đổi tích cực hơn là lo lắng, nổi giận đầy tiêu cực. Luôn có ánh sáng cuối đường hầm với các bản nhạc của nhóm.
Ý kiến bạn đọc