"Chết" vì tình
Bóng đá xứ Thanh “hưởng” cái chết đầu tiên. Một cái chết vì… tình, cái tình yêu mãnh liệt và bạo liệt của những CĐV xứ Thanh dành cho đội bóng con cưng mà cái sân Thanh Hóa nhỏ bé không thể bao chứa nổi nên... vỡ.
Không truyền thống trong quá khứ, không sợ hãi ở hiện tại, bóng đá xứ Thanh bước vào "chiến trường" V.League với danh phận đúng nghĩa của một chàng tân binh. Kỳ lạ thay, chàng tân binh đó không chỉ đứng vững mà còn tìm thấy sự tôn trọng ở những "lính cựu" qua những cuộc đọ súng bất bại từ đầu giải tới nay.
Nhưng giờ thì họ đã biết mùi thất bại đầu tiên. Cái "chết" đầu tiên, nhưng không phải là cái "chết" trên sân bóng. Một cái "chết" vì phán quyết xử thua vô tiền khoáng hậu của BTC giải. Một cái chết vì… tình, cái tình yêu mãnh liệt và bạo liệt của những CĐV xứ Thanh dành cho đội bóng con cưng mà cái sân Thanh Hóa nhỏ bé không thể bao chứa nổi nên... vỡ.
Các cổ động viên Thanh Hoá quá cuồng nhiệt với bóng đá |
Trả lời báo giới sau khi nhận phán quyết của BTC giải, nhà cầm quân Trần Văn Phúc cứ thẫn thờ: "Mạch trận bất bại của đội được giữ từ đầu giải đến giờ lại bị chấm dứt theo kiểu này thì tiếc quá".
Ông Phúc tiếc cũng phải bởi dẫu sao thì các học trò của ông cũng đã cày ải để giành được 1 điểm từ tay Đà Nẵng để rồi hôm nay kết quả đó thành trò đùa. Dẫu vậy, luật pháp có thể vô tình nhưng lòng người thì hữu tình. Ai đó đã nói rất đúng rằng, "chết vì yêu là sống trong tình yêu". Giữa thời bóng đá Việt trống vắng người xem như hiện tại, thử hỏi có mấy ai được tiếc như kiểu của ông Phúc và "chết" một cách sung sướng trong tình yêu của các CĐV như các cầu thủ xứ Thanh?
Đại biểu bóng đá Hà Nội chăng? Liệu cái đội bóng từng bị chính người hâm mộ mình hắt hủi với lời thề không đến sân xem để mua sự… buồn ngủ đó, có được hưởng cái "chết" hạnh phúc như Thanh Hóa?
Hay anh Hai Sài Gòn, Thép Miền Nam-CSG? Chỉ một chuyện Thép - Cảng mất sân Thống Nhất cho các hoạt động văn hóa cũng phần nào nói lên sức hút của đội bóng này ở mức độ nào. Cái sân Thống Nhất truyền thống của Cảng Sài Gòn năm xưa giờ là cái sân của những fan ca nhạc và ca sĩ, chứ đâu phải của dân mê quần đùi, áo số. Sân nhà còn mất thì huống chi là khán giả.
Sức sống của bóng đá giờ không nằm ở thành thị. Sức sống bóng đá giờ là của Thanh Hóa, vùng đất nghèo tiền, nghèo bạc nhưng lòng người dành cho bóng đá thì chan chứa, đong đầy yêu thương.
Chẳng thế mà người xứ Thanh ở trọ nơi phố thị nhìn những khán đài quạnh quẽ trên sân Hàng Đẫy mỗi khi có đội bóng Thủ đô thi đấu, để tự hào: Hãy về Thanh Hóa để thấy người xứ Thanh yêu bóng đá như thế nào?
Chẳng thế mà người trung niên tóc pha sương nhiều hơn muối Sài Gòn nhìn những 8x, 9x phát cuồng vì "Bi Rain", rồi nhìn sang những dòng thác người đổ tới sân Thanh Hoá trên tivi, mà… ghen tỵ. Ghen tỵ, nhưng cũng thấy tim mình như đập lại cái nhịp của một thời trai trẻ hừng hực đam mê bóng tròn của quá vãng.
"Dưới lưỡi Tu la đành bỏ mạng. Chết làm quỷ sứ cũng oai phong", Đoàn vương gia của Kim Dung tiên sinh, một đời phong lưu, đào hoa nhất mực chỉ bằng một câu nói. Thanh Hóa của ông thầy họ Trần "chết" dưới án phạt của BTC, nhưng đó cũng là một cái chết vì yêu thật lãng mạn và thật "oai phong", dẫu rằng chẳng ai muốn họ lại một lần nữa phải "chết" như thế.
Án phạt của BTC không làm mất đi tình yêu của người xứ Thanh với đội bóng của mình.
Án phạt của BTC không làm các fan mộ điệu Thanh Hóa khép cửa trái tim trước nhịp lăn của trái bóng.
Án phạt của BTC cũng không làm nguội lạnh câu hò sông Mã thúc quân trên những khán đài.
Án phạt của BTC cũng không thể khiến các học trò rất nhiệt của nhà cầm quân họ Trần mất lửa.
Án phạt của BTC sẽ giúp cho CĐV Thanh Hóa biết yêu đúng khuôn khổ và khuôn phép hơn để có thể giúp đội bóng của mình khỏi "chết" vì yêu.
Hy vọng là thế!
Ý kiến bạn đọc