9 bí mật của cuộc khủng hoảng tại Barca
Có nhiều yếu tố chủ quan và cả khách quan khiến đội bóng xứ Catalan đánh mất hình ảnh mạnh mẽ như từng thể hiện trong mùa giải 2005-2006 (vô địch châu Âu và Tây Ban Nha).
Hai điểm nhấn:
Trong mùa giải này, Barca thường thua trong các trận mang tính quyết định, đặc biệt là trước đối thủ được tổ chức tốt từ hàng phòng ngự.
Những dấu hiệu khác biệt so với mùa trước: ghi ít bàn hơn, mắc sai lầm tuyến dưới nhiều hơn, và chơi với tâm lý căng thẳng hơn.
Việc bị Liverpool loại ở vòng hai Champions League, trên tư cách là đội đang giữ Cup, có lẽ là khoảnh khắc tồi tệ nhất với Barca suốt 3 năm qua. Dường như ly "cocktail" tuyệt hảo của HLV Rijkaard không còn giữ được vị ngon như trước. Vẫn còn quá sớm để nói đến hai chữ "sa lầy", song có thể khẳng định người khổng lồ xứ Catalan đang trong một vị thế rất khó khăn. 9 nguyên nhân dưới đây sẽ giải mã phần nào điều đó:
Lũ chấn thương
Barca có nhiều tháng chơi mà không có Eto'o và Messi, hai cầu thủ đóng góp lớn vào thành tích của đội mùa trước. Thiếu họ, khả năng ghi bàn giảm sút rõ rệt, đồng thời buộc Ronaldinho phải ôm đồm trọng trách trên hàng công.
Lỗi phòng ngự
Mùa bóng này, Barca thường xuyên mắc sai lầm tuyến dưới. Không ít trụ cột sa sút phong độ, trong đó đáng kể nhất là Marquez. Hậu quả là thủ môn Valdes chẳng mấy khi rỗi việc và phải vào lưới nhặt bóng kha khá.
Hay rơi vào trạng thái căng thẳng
Sức ép của một nhà vô địch Champions League và Liga (hai mùa liên tiếp) là quá lớn. Khi gặp đối thủ khó "xơi", Barca thường mất kiên nhẫn và rơi vào trạng thái căng thẳng. Mà với một đội chơi cống hiến như Barca, tâm lý thoải mái là một phần của chiến thắng.
Các ngôi sao, họ ở đâu?
Nhiều cầu thủ không giữ được phong độ tuyệt vời như mùa trước (do động lực hay tâm lý?). Đáng chú ý có Ronaldinho. Mặc dù đã ghi gần hai chục bàn ở Liga, người ta chưa thấy cựu cầu thủ hay nhất thế giới thể hiện 100% năng lực.
Trả giá vì không có tiền đạo thay thế
Khi sức tấn công giảm vì thiếu Eto'o và Messi, cảm giác "khát nước" thường xuyên tồn tại trên hàng tiền đạo. Gudjohnsen không phải chân sút "mắn", còn Saviola trận "đực", trận "cái".
Hay thua sau giờ nghỉ
Barca khởi đầu rất tốt, nhưng sau đó thường bị thủng lưới, nhất là trong hiệp hai. Đây là hậu quả của việc càng chơi, các cầu thủ càng cảm thấy căng thẳng. Có thể lấy ví dụ qua các trận tranh Siêu Cúp châu Âu (thua Sevilla 0-3), chung kết giải vô địch thế giới các CLB (Internacional 0-1), siêu kinh điển lượt đi (Reao 0-2), gặp Valencia ở vòng 23 Liga (1-2), Sevilla vòng 25 (1-2), lượt đi vòng 2 Champions League với Liverpool (1-2).
Vụ Eto'o "làm mình làm mẩy"
Việc tiền đạo Cameroon công khai cãi yêu cầu vào sân của Rijkaard và sau đó chỉ trích HLV này giống như một quả "bom" nhỏ nổ trong nội bộ Barca. Mặc dù sự cố đó đã trở thành quá khứ và cả "nạn nhân" lẫn "thủ phạm" vui vẻ bắt tay giảng hòa, người ta vẫn thấy dường như Barca đang lơi lỏng trong công tác quản lý.
Các quyết định của Rijkaard
Kể từ khi đặt chân tới Nou Camp, 2006-2007 có lẽ là mùa bóng nhà cầm quân người Hà Lan ra nhiều quyết định sai lầm nhất. Điển hình là việc đưa Motta vào đá trụ trong trận lượt đi vòng hai Champions League với Liverpool. Lẽ ra phải đôn Marquez lên đá cặp cùng cầu thủ này, sau khi bị Bellamy gỡ hòa, Rijkaard còn thay bằng một tiền vệ có xu hướng tấn công Iniesta - một hành động biếu không tuyến giữa cho đối phương - hậu quả thấy rõ là Riise dễ dàng ghi bàn ấn định tỷ số 2-1 ra sao.
Lũ tin đồn
Chưa bao giờ Barca phải đối mặt với nhiều lời đồn đến vậy. Ngoài thông tin liên quan đến việc đi ở của Ronaldinho, Messi, Eto'o, Xavi, và HLV Rijkaard, cựu huyền thoại Johan Cruyff còn khiến nhiều người tái mặt khi nhận xét chu kỳ thành công của Barca đã chấm dứt, cần phải thay máu. Trong vòng vây của hàng "tấn" thông tin liên quan, các thành viên trong đội không có được sự tập trung cao nhất.
Ý kiến bạn đọc