Chuyện của Quyến, chuyện của Thonglao
5 năm trước, Quyến và Thonglao từng được coi như là thần đồng của bóng đá Đông Nam Á, nhưng hiện nay, khi Thonglao đã trở thành một thủ lĩnh thật sự của ĐT Thái Lan thì Quyến lại phải... ra trước vành móng vì bán độ.
Có thể nói không quá rằng Văn Quyến và Thonglao là hai tài năng sáng giá nhất mà bóng đá Việt Nam và Thái Lan sản sinh được trong vòng 5 năm trở lại đây.
Giữa hai cầu thủ này có rất nhiều điểm chung, trong đó nổi bật nhất là khả năng tạo nên đột biến làm thay đổi thế trận nhờ vào những khoảnh khắc loé sáng của cá nhân.
Và thực tế là những thành tích mà Việt Nam và Thái Lan đạt được tại sân chơi khu vực và châu lục trong 5 năm vừa qua, dù là giải giao hữu hay chính thức, ĐTQG hay ĐT Olympic, đều in đậm dấu ấn của Văn Quyến và Thonglao.
Thế nhưng, trong khi tài năng của Thonglao mỗi ngày một chín muồi, và hiện nay tiền vệ này đã trở thành thủ lĩnh thật sự của ĐT Thái Lan, thì Văn Quyến lại sa chân vào vòng lao lý và giờ đây đang phải đứng trước vành móng ngựa để chờ nghe phán quyết về những hành vi nông nổi của mình.
Chứng kiến thất bại bẽ bàng trước Thái Lan ngay tại Mỹ Đình của Việt Nam vào hôm 24/1 vừa qua, chắc hẳn sẽ có không ít CĐV Việt Nam chạnh lòng nghĩ tới Quyến, và tưởng tượng rằng nếu như có Quyến trên sân thì có thể đội bóng chúng ta sẽ tránh được kết cục đáng buồn như vậy.
Và đâu chỉ có Quyến, vụ án bán độ tại SEA Games 23 của một số cựu tuyển thủ U-23 Việt Nam đã khiến đội bóng chúng ta mất đi hàng loạt cầu thủ xuất sắc như Quốc Vượng, Quốc Anh, Văn Trương, Hải Lâm, Bật Hiếu, Phước Vĩnh.
Nếu như có họ, có lẽ Thái Lan với nhạc trưởng Thonglao sẽ không thể thả sức tung hoành trên sân Mỹ Đình như chốn không người đến thế, để rồi trong cuộc họp báo sau trận, HLV Chanvit Phalajivin làm buốt lòng các nhà báo Việt Nam tại khán phòng bằng câu nói đầy ẩn ý: "Tôi yêu sân Mỹ Đình".
Vẫn biết rằng sai lầm nào rồi cũng phải trả giá, nhưng nhìn cảnh tượng có tới quá nửa đội hình chính của ĐT Việt Nam, mà tất cả trong số họ đều đang ở độ tuổi hai mươi, phải đứng trước vành móng ngựa để chờ nghe luận tội sao mà cay đắng, sao mà xót xa đến thế!
Hôm nay (26/1), phiên toà xét xử vụ án bán độ của các cầu thủ U-23 VN tại SEA Games 23 sẽ tiếp tục với phần luận tội của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Dự kiến bản đề nghị mức án dành cho các bị can sẽ được công bố vào cuối giờ chiều. |
Tất nhiên, các cầu thủ-bị cáo là người phải chịu trách nhiệm chính trong tấn bi kịch này, bởi họ đã vì một món lợi nhỏ trước mắt mà quên đi cả tương lai sự nghiệp của mình.
Nhưng nói như chủ toạ Lê Văn Ban tại phiên toà, để xảy ra cơ sự như vậy có phần lỗi không nhỏ của LĐBĐ VN, của CLB cũng như gia đình các cầu thủ, khi họ không có được sự sâu sát cần thiết để giúp con em mình lựa chọn một lối sống lành mạnh.
Càng nhói lòng hơn nữa khi chủ toạ Lê Văn Ban khẳng định rằng, BHL ĐT U-23 Việt Nam khi ấy, cụ thể là HLV phó Lê Thuỵ Hải và trợ lý ngôn ngữ Trần Hùng Cường, hoàn toàn có thể ngăn chặn được âm mưu dàn xếp tỷ số này ngay từ trong trứng nước nhưng họ đã không làm.
Chỉ cần HLV phó Lê Thuỵ Hải hay trợ lý ngôn ngữ Trần Hùng Cường dũng cảm thông báo toàn bộ sự việc với HLV trưởng Alfred Riedl trước giờ bóng lăn, thì vụ án có thể đã không xảy ra và các tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam đã không trở thành những bị cáo như ngày hôm nay.
Còn nhớ, tại Tiger Cup 1996 ở Singapore, khi xuất hiện thông tin nghi vấn một số trụ cột của ĐT Việt Nam bán độ, Trưởng đoàn bóng đá khi ấy là ông Tô Hiền đã có cách ứng xử rất có lý có tình, vừa thuyết phục được HLV trưởng Karl Heinz Weigang nguôi cơn thịnh nộ, vừa tạo cơ hội lập công chuộc tội cho nhóm cầu thủ nghi vấn. Cuối cùng ở giải năm đó, ĐT Việt Nam đã đoạt HCĐ một cách bình yên vô sự.
Tiếc rằng ở SEA Games 23 đã không có vị trợ lý HLV hay quan chức LĐBĐ VN nào có được cái dũng và cái trí như cố Trưởng đoàn Tô Hiền, và để dẫn tới kết cục giờ đây bóng đá Việt Nam đang có nguy cơ mất hẳn một thế hệ cầu thủ tài năng, mà hậu quả nhãn tiền là trận thua 0-2 đáng xấu hổ tại Mỹ Đình ngày 24/1 vừa qua.
Ý kiến bạn đọc