Thể thao VN với ASIAD: Nên và không nên...

23:25, 19/12/2006

Ở Asiad 15, thể thao VN đã gửi một lực lượng đông gấp đôi so với bốn năm trước ở Busan. Nhưng kết quả kém hơn bốn năm trước một HCV, và trong bảng xếp hạng thì tụt bốn bậc (từ 15 xuống 19).


Chúng ta đang ở đâu?
Đang trong tốp ba SEA Games, nhưng khi bước ra một đấu trường lớn là Asiad 15, thể thao (TT) VN rơi xuống đến hạng năm của khu vực Đông Nam Á khi xếp sau Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines. Tại Asiad 15, VN và Indonesia tụt hạng nặng (Indonesia tụt từ hạng 14 xuống 22).

Tuy nhiên, sự sa sút của VN và Indonesia không giống nhau về nguyên nhân. Với Indonesia, từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á những năm 1998-1999, TT của họ đã đi xuống rất đều do kinh phí đầu tư thể thao ngày mỗi cắt giảm. Trong khi đó, tiền cho TT VN ngày càng nhiều. Vậy tại sao thành tích của TTVN đi xuống?

Công bằng mà nói, dự báo của ông Nguyễn Hồng Minh - trưởng đoàn TTVN - không quá sai. Dù lượng HCV không đạt chỉ tiêu (từ 5-7 chiếc, trong khi thực tế chỉ đoạt ba), nhưng số HCB tăng gần gấp đôi (từ 7 HCB của Busan 2002 lên 13 HCB). Có nghĩa là cơ hội đoạt HCV của chúng ta nhiều hơn, nhưng trong thể thao một chút thiếu may mắn là phải trả giá bằng nước mắt. Cụ thể, ở nội dung cầu mây đội tuyển, dù chơi nhỉnh hơn Thái Lan và liên tục dẫn trước, nhưng chỉ cần một chút sơ sẩy là chúng ta chỉ đoạt HCB. Hay ở bida, Dương Anh Vũ có thời điểm làm đối thủ tái mặt trong trận chung kết, nhưng một chút sai lầm vì căng thẳng đã khiến anh thua trận. Nếu thêm được hai chiếc HCV ấy, TTVN đã giữ được hạng 15.

Thông cảm nhưng không thể không nói rằng chúng ta đã đầu tư quá nhiều cho những môn thể thao “dỏm”. Hầu hết các niềm hi vọng vàng của VN đều tập trung vào những môn chấm điểm cảm tính như thể hình, hay những môn mà trọng tài dễ làm thay đổi kết quả trận đấu như karate, wushu, taekwondo. Nếu mạnh về những môn “nhanh hơn - cao hơn - xa hơn” đúng theo tinh thần Olympic thì chẳng phải nơm nớp âu lo. Đánh giá trên cơ sở này mới thấy chúng ta còn kém người Thái rất xa, khi họ có được HCV chạy tiếp sức, HCV quần vợt đơn nam.

Riêng về cầu mây, không phủ nhận đây là môn hay, hai chiếc HCV là xứng đáng. Nhưng còn lâu mới hi vọng nó sẽ được đưa vào Olympic, khi trên thế giới hiện nay có không đến một chục quốc gia chơi môn này.

TTVN còn mông lung lắm dù chỉ mới lấy khu vực Đông Nam Á làm thước đo!

Đi và không đi

Ôi, wushu!

Sau khi xem hai trận chung kết wushu (nội dung tán thủ) của hai võ sĩ Phan Quốc Vinh và Nguyễn Đức Trung được THTT,  không ít người hâm mộ đã gọi điện về Tuổi Trẻ và cho rằng chẳng có gì hay ho để đầu tư cho môn này.

Trong võ thuật nói chung, nó thua xa lắc quyền anh, taekwondo, judo. Cách chơi không giống ai, dùng quyền cước mà đấm đá trúng mặt thì không có điểm, trong khi vật té lại có. Chưa kể lại hơi lai kiểu sumo khi đẩy ra khỏi đài hai lần thì thắng. Chơi như thế thì có vận động cách mấy, Ủy ban Olympic thế giới cũng không chấp nhận!

Ngay trước giờ xuất quân của TTVN, một đài truyền hình đã tổ chức cuộc bình luận trực tiếp giữa hai nhà báo với một nhà quản lý thể thao. Ở đó, các bên đã tranh luận nhau theo chuyện đi và không nên đi của nhiều môn thể thao. Người ủng hộ chuyện “nên đi” lập luận rằng phải đi mới biết mình ở đâu. Còn người bảo “không nên đi” cho rằng có quá nhiều môn đến Asiad như anh diễn viên đóng vai lính, vừa xuất hiện chỉ kịp “á” một tiếng là xong nhiệm vụ! Và đi như thế thì quá tốn tiền nhân dân.

Riêng chúng tôi thì nghĩ khác, đó là “đi như thế nào?”. Bởi nếu biết chắc thất bại nên không dự thì có lẽ World Cup chỉ có mấy đại gia chơi với nhau, và bóng đá chắc chắn không thể trở thành một môn được cả thế giới si mê như hiện nay. Bằng chứng ở châu Âu, những đội như Malta, Faroe... đá giải nào cũng mang thúng đi đựng bàn thua nhưng không bao giờ họ vắng mặt.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là đi đến những đấu trường thể thao quá tầm, chúng ta chí ít phải phấn đấu tự vượt mình. Và xem đây là cơ hội cọ xát nhằm phục vụ mục tiêu SEA Games. Đáng tiếc là đã có quá nhiều môn không làm được như thế, như điền kinh, bơi lội, bóng đá nữ... khi đến Asiad 15 với tư tưởng chủ bại. Nếu đi như thế thì quả đúng là không nên đi.


Theo Tuổi trẻ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những vấn đề của đội tuyển Việt Nam thời kỳ hậu ASIAD
Với nhiều cầu thủ chấn thương, lối chơi chưa ổn định do có những nhân tố mới và cả nền tảng thể lực chưa tốt là vấn đề lớn nhất với thày trò HLV Riedl, trước King’s Cup và xa hơn là Cup Đông Nam Á. Điều này thể hiện rất rõ trong chiến thắng giao hữu 1-0 trước Hải Phòng, chiều nay ở Nhổn (Hà Nội).
19/12/2006
West Ham - M.U: Khởi đầu không suôn sẻ cho Curbishley?
Vừa nhậm chức tại Upton Park, Alan Curbishley sẽ chưa thể nở nụ cười ở trận ra mắt vì West Ham của ông phải đương đầu với "ngọn núi" M.U.
17/12/2006
M.U "tặng quà" Giáng sinh ý nghĩa cho Van der Sar
Thủ thành kỳ cựu người Hà Lan, Edwin van der Sar đã được M.U tặng món quà Giáng sinh sớm với bản hợp đồng mới kéo dài thêm 1 năm.
16/12/2006
Cầu mây nữ đi vào lịch sử, nước mắt hạnh phúc lại tuôn rơi
Từ vị thế luôn khuất sau Thái Lan, cầu mây nữ Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh mẽ ở ASIAD Doha khi soán ngôi "Nữ hoàng" của đối thủ bằng cú hat-trick dự chung kết và cú đúp HC vàng. 20 năm tham gia tập luyện và suốt một thập kỷ đợi chờ, niềm khao khát vàng châu lục của cầu mây Việt Nam đã được giải toả.
15/12/2006