Những toan tính nào ẩn sau cuộc tấn công IS của Mỹ ở Syria
Cuộc không kích phiến quân IS tại Syria mà Tổng thống Obama phát động có thể là một “canh bạc ẩn chứa hậu hoạ khôn lường”.
Ngày 23/9, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết, quân đội Mỹ đã tấn công các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, bằng tên lửa Tomahawk, chiến đấu cơ và máy bay ném bom.
Đây là chủ trương nằm trong chiến lược 4 điểm đã được Tổng thống Mỹ Obama công bố hôm 10/9 vừa qua. Tuy nhiên, hành động này cũng gây ra những phản ứng trái chiều và điều ẩn dấu phía sau cuộc chiến cũng được dư luận quốc tế quan tâm.
Trong chiến lược của Tổng thống Mỹ, ông Obama sẽ “tổ chức những đợt không kích có hệ thống nhằm vào những tên khủng bố” “đang đe dọa đất nước mình, bất kể chúng ở đâu, dù là Syria hay Iraq”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tấn công IS ở Syria, Mỹ hy vọng “bắn một mũi tên trúng 3 đích”. Trên cơ sở tiêu diệt mục tiêu của IS, nhân đây Mỹ cũng cung cấp, trợ giúp cho phe đối lập mà Washington gọi là “ôn hòa” ở Syria, đồng thời gián tiếp đánh vào quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad thông qua sự lớn mạnh của phe đối lập.
Vì thế, mặc dù chính phủ Syria tuyên bố sẽ hợp tác với tất cả các lực lượng quốc tế chống IS ở Syria, nhưng Mỹ đã loại trừ Syria và Iran ra khỏi Liên minh quốc tế chống IS và còn phớt lờ cảnh báo của Syria rằng tấn công IS trên đất của họ phải được phép của chính phủ nước này nếu không sẽ bị coi là xâm lược.
Thông qua hành động tấn công IS ở Syria lần này, Washington lại bộc lộ tính cách “kẻ cả”, bất chấp luật pháp quốc tế, không tôn trọng Syria một quốc gia độc lập có chủ quyền và đang cộng tác với quốc tế để giải quyết vấn đề vũ khí hóa học và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho đất nước này. Ứng xử như vậy, Mỹ khó có thể biện minh cho sự ngạo mạn của mình, mặc dù dưới chiêu bài tấn công lực lượng khủng bố IS.
Sự phản ứng trái chiều
Ngày 23/9, ngay sau khi Mỹ tấn công IS ở Syria, Nga đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ và các nước đồng minh mở chiến dịch không kích chống tổ chức khủng bố IS ở Syria mà chưa được sự cho phép của nước này.
Theo AFP, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: “Bất kỳ hành vi can thiệp quân sự nào cũng cần được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế. Việc không kích ở Syria đòi hỏi phải có sự đồng ý của chính phủ Syria hoặc sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
“Những hành động nhằm thực hiện mục tiêu địa chính trị bất chấp chủ quyền của các quốc gia trong khu vực sẽ chỉ khiến căng thẳng leo thang và làm cả Trung Đông rơi vào bất ổn”.
Trong một diễn biến liên quan, một nhóm vũ trang ở Algeria có dính líu với IS vừa tung một đoạn video lên mạng tuyên bố bắt giữ một con tin người Pháp, đe dọa sẽ hành quyết người này. Bộ ngoại giao Pháp sau đó tuyên bố vụ việc này không ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Pháp với chiến dịch chống IS do Mỹ phát động, nhưng không tham gia tấn công IS trên lãnh thổ Syria.
Trước đó, Mỹ cho biết họ từ chối hợp tác với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và rằng Washington chỉ thông báo trước cho Damascus về các cuộc không kích này khi nó đã diễn ra.
Ngoại trưởng Syria Walid Muallem khẳng định việc tấn công IS mà không phối hợp với Syria là hành vi “gây chiến” với quốc gia này. Còn phe đối lập lại lên tiếng ủng hộ và cho rằng chiến dịch này sẽ đóng góp vào nỗ lực lật đổ chế độ al-Assad ở Syria.
Hệ quả vẫn còn đang ở phía trước
Tham gia cuộc tấn công vào lực lượng IS tại Syria còn có lực lượng của 5 nước Ả rập là Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Jordan, Bahrain và Qatar. Theo báo giới phương Tây, khoảng 20 - 25 cứ điểm của phiến quân IS bị phá huỷ trong cuộc tấn công kéo dài hơn 2 giờ liền.
Cuộc tấn công này diễn ra sau khi được Tổng thống Mỹ Obama ra lệnh và triển khai theo kế hoạch của Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ. Tổng thống Mỹ trước đó tuyên bố sẽ oanh kích quân IS ngay trên lãnh thổ Syria và cảnh báo Syria không nên ngăn cản máy bay Mỹ ném bom quân IS. Syria được coi là nơi tập trung khoảng hơn 70% lực lượng của IS.
Nhà báo kỳ cựu Mark Thompson, trên tạp chí TIME (Mỹ) ra ngày 23/9 cho rằng, Mỹ không kích IS ở Syria có thể coi là “canh bạc ẩn chứa hậu hoạ khôn lường”. Vì “các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào IS trên lãnh thổ Syria có thể tạm thời chặn đứng sự hoành hành, nhưng không thể quét sạch chúng”.
Ông Mark Thompson lý giải, các cuộc tấn công mới, nhằm vào những mục tiêu cố định của IS như các kho đạn dược, vũ khí và doanh trại, chắc chắn sẽ gây thiệt hại đáng kể. Nhưng chúng cũng sẽ buộc các chiến binh IS phải ẩn mình chờ thời cơ. Chúng sẽ di chuyển và trà trộn vào một số cộng đồng dân cư địa phương ở miền Đông Syria, với suy tính rằng Mỹ và đồng minh, vì lo sợ đe doạ tính mạng dân thường, mà sẽ không tấn công mình. Và khi đó, Mỹ gần như không thể ngăn chặn được và sẽ rơi vào tình thế bế tắc.
Ông Mark Thompson cũng bày tỏ sự hoài nghi bằng cách dẫn ra một thực tế trong cuộc chiến của Mỹ chống lực lượng khủng bố Taliban ở Afghanistan. Và ông cho rằng, Mỹ có thể gặp lại bài học về về cuộc chiến chống Taliban ở Afghanistan 13 năm trước.
Được biết, Mỹ đã lên kế hoạch huấn luyện khoảng 5.000 quân nổi dậy ở Syria trong năm tới, nhưng so với mấy chục ngàn phiến quân IS thì đây chỉ là một con số rất nhỏ. Ông Thompson đánh giá, sự bất tương xứng này là một trong những lý do khiến cuộc xung đột này có thể bị sa lầy.
Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey và Tư lệnh Lục quân Mỹ Ray Odierno cũng đã dự kiến, họ có thể sẽ phải đề xuất với Tổng thống Mỹ Obama về việc cử các nhóm nhỏ binh sĩ hoạt động trên bộ, nhằm đảm bảo tính chính xác của các cuộc không kích.
Vì thế, giới phân tích cho rằng, phát động cuộc chiến chống IS lần này, Tổng thống Obama tham vọng giải quyết được nhiều mục tiêu mà không phải xa vào cuộc chiến trên bộ tại đây, có thể là một “ảo tưởng” và không loại trừ khả năng lặp lại sai lầm “xôi hỏng bỏng không” một lần nữa.
Ý kiến bạn đọc