“Thầy Giáp”
Tiếng gọi thân thương và kính trọng ấy là của thầy trò Trường Tiểu học Thăng Long (Hà Nội) dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ở ngôi trường ấy, Người từng có thời gian dạy học ngay từ những ngày trường mới thành lập...
Vị cha già đáng kính
Sáng 7/10, buổi chào cờ đầu tuần của Trường tiểu học Thăng Long diễn ra khác với thường lệ. Hàng trăm học sinh đã lặng im trong phút mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người thầy đã từng dạy môn Lịch sử tại đây vào những năm 1939. Rồi ngay chiều hôm ấy, Ban Giám hiệu nhà trường, đại diện Hội cha mẹ học sinh, đại diện phụ huynh học sinh cùng một số học trò đã đến xếp hàng để viếng Người tại tư gia số 30 Hoàng Diệu - Hà Nội.
Sáng 8/10, tại Phòng truyền thống của nhà trường, rất nhiều em học sinh lớp 2, lớp 3 tập trung xem lại những bức ảnh đã ố màu theo thời gian được treo trang trọng trên tường. Đấy là những bức ảnh về thế hệ nhà giáo đầu tiên của nhà trường, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một học sinh cho biết, hôm qua cô giáo hiệu trưởng đã dành khoảng 1/3 thời gian chào cờ đầu tuần để nói về Đại tướng, một trong những nhà giáo đầu tiên của nhà trường khiến chúng em càng thêm ngưỡng mộ và kính trọng. Hôm nay, trong giờ ra chơi, chúng em lại vào đây để xem lại hình ảnh của cụ.
Cô giáo Phan Thị Thắng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Khoảng 10h sáng 4/10, tôi được con trai cụ Giáp gọi điện báo là ông mệt nặng. Thâm tâm tôi chỉ mong cụ sẽ khỏe lại ngay sau đó thôi. Tuy nhiên, khoảng 7h30 tối hôm ấy, gia đình gọi điện báo thầy đã ra đi. Mặc dù đã được báo về sức khỏe của cụ từ trước nhưng tôi vẫn cảm thấy bàng hoàng, hụt hẫng. Cảm giác ấy vẫn đeo bám tôi mãi mấy hôm nay. Đặc biệt, có một tối, khi xem lại những thước phim về Đại tướng trên truyền hình, hai hàng nước mắt tôi cứ thế chảy dài trên má. Con gái ôm vội đến ôm cổ mẹ và hỏi: “Tại sao mẹ khóc”. Con gái tôi mới tiểu học, cháu còn quá nhỏ để hiểu rằng, người vừa qua đời là một nhân cách lớn".
Hãy dạy các con cách đọc sách
Giở tập tài liệu trên tay, cô Thắng cho biết, ngoài những tư liệu ở phòng truyền thống, cô còn giữ rất nhiều bức ảnh chụp cùng Đại tướng trong những lần người đến thăm nhà trường. Năm 1995, cô giữ chức hiệu phó nhà trường và hai năm sau, cô được chụp ảnh chung cùng thầy Giáp trong ngày khai giảng. Từ đó về sau, cô may mắn nhiều lần được gặp thầy Giáp. Bởi thành thông lệ, cứ vào dịp lễ tết nào đó, hoặc đơn giản chỉ là ngày khai trường, thầy cùng phu nhân lại sắp xếp thời gian đến thăm Trường Thăng Long. Mấy ngày hôm nay, lúc ngồi một mình, cô lại giở bức ảnh cũ ra xem mãi như một kỉ vật quý giá.
Hiệu trưởng Thắng chia sẻ, có thể có nhiều người đã từng xem về cụ, được biết cụ qua phim ảnh và sách báo nhưng nếu may mắn được gặp cụ ngoài đời, mới thấy đó là người thầy rất gần gũi, giản dị và vô cùng đáng kính. Cô Thắng nhớ rõ, mỗi lần thầy đến thăm, ai cũng mong ngóng ra cổng, chờ đợi như trông ngóng một người cha, một người ông. Và khi xe vào, các cháu cứ thế chạy ùa ra, có cháu còn tự nhiên, quàng tặng thầy chiếc khăn quàng đỏ.
Lần cuối thầy về thăm trường là năm học 2002- 2003, thầy về dự khai giảng cùng nhà trường. Lúc ấy, thầy căn dặn nhà trường phải tích cực dạy tốt học tốt, giáo dục học sinh phát triển toàn diện và có thói quen đọc sách. Chính vì vậy, thầy đã nhiều lần tặng sách do chính ông viết cũng như những cuốn sách do đích thân ông cùng phu nhân tuyển chọn tại các nhà sách. Hiện, thư viện nhà trường còn giữ đến hàng trăm đầu sách do Đại tướng tặng. Ghi nhớ lời dặn dò ấy, nhà trường đã duy trì phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay” trong nhiều năm qua.
Trường tiểu học Thăng Long, theo một số tài liệu, vào những năm 1935 -1938 là một trong những trung tâm vận động thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương ở Hà Nội, nơi tuyên truyền giáo dục tư tưởng cách mạng cho học sinh. Tháng 5/1939, Võ Nguyên Giáp nhận dạy môn Lịch sử tại Trường tư thục Thăng Long, Hà Nội (nay là Trường Tiểu học Thăng Long), do Hoàng Minh Giám làm giám đốc nhà trường.
|
Ý kiến bạn đọc