"Syria chiến thắng kẻ thù không cần tới vũ khí hóa học"
Thủ tướng Syria Wael Nader al-Halqi ngày 17/9 tuyên bố Damascus có các biện pháp khác để giành chiến thắng trước kẻ thù mà không cần tới vũ khí hóa học.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Al-Ahd của Liban, Thủ tướng al-Halqi đặt câu hỏi: "Nếu Syria có các phương tiện phù hợp hơn cho mục đích của mình, tại sao lại phải sử dụng vũ khí hóa học?", đồng thời khẳng định rằng việc đồng ý bàn giao kho vũ khí hóa học cho quốc tế không có nghĩa là nước này không còn cách khác để giành thế cân bằng chiến lược.
Thủ tướng al-Halqi cho biết quyết định của Syria về việc phá hủy kho vũ khí hóa học theo thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Nga là nhằm "tránh đổ máu" và không làm ảnh hưởng đến khả năng đánh bại kẻ thù của quân đội nước này. Ông al-Halqi cũng nhấn mạnh rằng Syria có khả năng vô hiệu hóa bất kỳ mối đe dọa tấn công của đối phương bằng đường không và các loại tên lửa tiên tiến.
Syria cấp bằng chứng phe đối lập tấn công hóa học
Cùng ngày, phát biểu tại phiên họp nội các, ông al-Halqi tuyên bố rằng chính phủ nước này hoan nghênh tất cả các sáng kiến chính trị thực tâm ủng hộ đối thoại đân tộc, nhất là Hội nghị hòa bình Geneva 2, đồng thời nhấn mạnh rằng những chiến thắng ngoại giao gần đây của Syria sẽ giúp tăng cường các giải pháp chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia này.
Thủ tướng al-Halqi cũng đề cao các thành tựu to lớn mà nhân dân Syria đã giành được trong cuộc chiến chống kẻ thù, trong đó có những "chiến thắng ngoại giao nổi bật" giúp ngăn chặn cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ phát động. Ông al-Halqi cho biết hiện kho dự trữ lúa mỳ chiến lược của Syria lên tới 3 triệu tấn và chính phủ nước này đang cung cấp hàng cứu trợ cho hơn 5,2 triệu người dân.
Cùng ngày, thủ lĩnh cấp cao của Liên minh dân tộc Syria (SNC) đối lập Ahmad Jarba đã hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực làm vô hiệu hóa "cỗ máy chiến tranh" của chính quyền Damascus.
Trong một bài phát biểu trên kênh truyền hình Arab, thủ lĩnh Jarba nói: "Việc sát hại dân thường Syria chỉ chấm dứt khi cỗ máy chiến tranh của chính quyền Damascus bị ngăn chặn, bằng việc cấm sử dụng đường hàng không, pháo binh, tên lửa và vận chuyển vũ khí hóa học." Giải pháp này cần được thực hiện dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc.
Tuyên bố trên được thủ lĩnh SNC đưa ra trong bối cảnh năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an tiến hành nhóm họp tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York để thảo luận về dự thảo nghị quyết do Pháp đề xuất liên quan tới việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria.
Theo các nguồn tin ngoại giao, dự thảo của Pháp đề xuất bao gồm yêu cầu Liên hợp quốc có hành động đối với Syria dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc trong trường hợp chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không tuân thủ kế hoạch do Hoa Kỳ và Nga về tiêu hủy vũ khí hóa học của Damascus.
Phát biểu tại Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry khẳng định thỏa thuận chung giữa Nga và Hoa Kỳ về tiêu hủy các kho vũ khí hóa học của Syria cần phải được hậu thuẫn bằng một nghị quyết của Liên hợp quốc.
Trả lời báo giới tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, ông Kerry nói: "Thỏa thuận này chỉ xảy ra khi Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết có về vấn đề vũ khí hóa học của Syria" và đảm bảo những cam kết của chính quyền Tổng thống Assad được thực thi.
Cũng trong ngày 17/9, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng trước chỉ trích của quân đội Syria cho rằng Ankara đã hành động vội vàng khi bắn hạ một trực thăng của Syria trong lúc chiếc máy bay này "lượn nhầm" vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cáo buộc Ankara cố tình làm gia tăng căng thẳng tại khu vực dọc biên giới giữa hai nước.
Syria thừa nhận xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói: "Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã làm điều cần thiết." Theo ông Erdogan, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải hành động sau khi trực thăng của Syria không đáp lại những cảnh báo của Ankara.
Trước đó, quân đội Syria cho biết một chiếc trực thăng MI-17 của họ chiều 16/9 bi mất tích khi thực hiện nhiệm vụ giám sát các âm mưu thâm nhập lãnh thổ tại khu vực Yunusieh giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau khi phát hiện chiếc máy bay này lạc vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ ở cự ly ngắn, phía Syria đã lệnh cho máy bay trở lại không phận Syria. Đáng tiếc, lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay khi nó đang rời khỏi không phận Thổ Nhĩ Kỳ, khiến máy bay rơi xuống phần lãnh thổ Syria làm 2 phi công thiệt mạng.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi các đối sách về an ninh tại khu vực biên giới sau khi một máy bay chiến đấu của nước này bị không lực Syria bắn hạ hồi tháng 6/2012. Theo đó, bất cứ yếu tố quân sự nào tiếp cận lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ từ Syria sẽ được xem là một mối đe dọa và được coi là mục tiêu quân sự
Ý kiến bạn đọc