Câu chuyện điểm sàn
“Điểm thi cao”, “tăng điểm chuẩn”, đó có lẽ là cụm từ thường gặp nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay sau khi các trường ĐH, CĐ công bố điểm thi kỳ tuyển sinh năm nay. Lẽ tự nhiên là từ đó, rất nhiều người sẽ có suy đoán: “Điểm thi cao như vậy, chắc chắn, năm nay điểm sàn sẽ cao hơn năm trước”.
Thế nên, sau khi điểm sàn được công bố, về cơ bản giữ ổn định, một số người, trong đó có cả những người làm công tác quản lý giáo dục ĐH vội vàng cho rằng: Nếu điểm thi tăng cao mà điểm sàn vẫn không thay đổi, phải chăng, Bộ GD&ĐT đang nới lỏng đầu vào ĐH, CĐ? Hay Bộ GD&ĐT vì sức ép của dư luận mà tìm cách tăng nguồn tuyển cho trường ngoài công lập? Thậm chí, nhiều người còn khẳng định: Chất lượng đầu vào các trường ĐH, CĐ năm nay đi xuống…
1. Điểm sàn, thực sự đó là một câu chuyện vô cùng nhạy cảm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm trường ĐH và cả triệu thí sinh. Chính vì lẽ đó, năm nay, để có được quyết định cuối cùng, Bộ GD&ĐT đã vô cùng cẩn trọng, cầu thị.
Trước kỳ tuyển sinh, một diễn đàn lấy ý kiến riêng về điểm sàn đã được mở ra để lắng nghe ý kiến của chuyên gia và toàn xã hội. Đó là một căn cứ quan trọng để Hội đồng điểm sàn 2013 quyết định xây dựng điểm sàn theo cách tiếp cận hoàn toàn mới: Căn cứ vào phổ điểm, dựa trên tổng điểm bình quân của thí sinh chứ không phải chỉ dựa vào chỉ tiêu như mọi năm. Phổ điểm, cái mà nhìn vào đó có thể đánh giá quyết định về điểm sàn hợp lý hay không cũng lần đầu tiên được công khai trước dư luận. Cách làm này đã nhận được sự tán đồng và 100% biểu quyết của các thành viên trong Hội đồng điểm sàn 2013.
Từ phổ điểm có thể thấy, đỉnh phổ điểm năm nay dịch về phía tay phải (phía điểm cao) và điểm thi của thí sinh rải đều ở các mức điểm. Tổng điểm bình quân ở các khối A, A1, B, C, D1 lần lượt là: 13.29 – 12.85 – 14.43 – 13.61 – 13.41. Khối A, tổng điểm có số thí sinh đạt nhiều nhất là 9.5; khối A1 là 11.5; khối B: 12.5; khối C: 11,5 và khối D1: 12.5. Chính con số này là minh chứng sáng rõ nhất cho quyết định hợp lý của điểm sàn ĐH, CĐ 2013. Và, nếu muốn đánh giá, hãy nhìn vào con số thực tế của điểm thi thí sinh để có nhận định thực sự khách quan về điểm sàn.
Với nhận định: Điểm cao vì đề thi dễ, từ phổ điểm có thể thấy không phải như vậy. Năm nay, đúng là có nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng số thí sinh chỉ được 1 - 2 - 3 thậm chí 0 điểm cũng khá nhiều. Như vậy, không phải là đề thi ĐH, CĐ năm nay dễ mà là đề có tính phân loại cao, phù hợp với năng lực làm bài của học sinh. Bộ GD&ĐT khẳng định, cách ra đề như vậy sẽ tiếp tục được áp dụng cho những kỳ tuyển sinh sau.
Cũng chính vì tính khoa học, hợp lý, khách quan của điểm sàn năm nay, bên cạnh số cá nhân chưa thực sự hiểu, hầu hết các ý kiến đều là đồng thuận, hoan nghênh, ủng hộ, dù là người đứng đầu các trường top trên, top giữa hay các trường top dưới, trường ngoài công lập. Còn về tính ổn định của điểm sàn, không chỉ các nhà quản lý giáo dục mà phụ huynh, học sinh đều cho rằng, điểm sàn ổn định, đó là điều đáng mừng; nếu năm quá cao, năm quá thấp chắc chắn sẽ gây ra tâm lý hoang mang, căng thẳng.
Thí sinh xem điểm thi tại ĐH Vinh (Hà Tĩnh). Ảnh: T. Minh |
Như vậy, đâu phải tất cả thí sinh đạt được điểm sàn đều vào đại học. Từ điểm sàn, mỗi trường đều có quy định riêng về điểm trúng tuyển, tùy vào thương hiệu đào tạo. Thực tế là, hầu hết các trường có uy tín, chất lượng đào tạo tốt, điểm chuẩn vào trường ở mức trên sàn khá nhiều. Rất nhiều trường công bố điểm trúng tuyển vào trường ở mức 18 – 19 thậm chí từ 20 điểm trở lên. Do đó, có thể thấy, với điểm sàn năm nay, các trường top trên vẫn thu hút được sinh viên giỏi; trong khi đó, trường top dưới, trường ngoài công lập có thêm nhiều cơ hội tuyển những thí sinh có đủ năng lực học tập vào trường.
Chính với ưu điểm vừa đảm bảo được nguồn tuyển dồi dào cho các trường, vừa đảm bảo được chất lượng cũng như tín hiệu đồng thuận từ dư luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, nguyên tắc này có thể sẽ được tiếp tục sử dụng để tính toán điểm sàn cho những năm sau.
Ngày 8/8/2013, Hội đồng xác định điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ hệ chính qui năm 2013 đã họp và thảo luận phương án điểm sàn xét tuyển vào ĐH, CĐ. Sau khi xem xét các điều kiện: Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013; kết quả thi của thí sinh và phổ điểm từng khối thi; chính sách ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh; nhu cầu tuyển sinh theo cơ cấu vùng miền và loại hình trường, điểm sàn để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ đối với HS phổ thông ở khu vực 3 như sau:
Điểm sàn ĐH: Khối A: 13 điểm; khối A1: 13 điểm; khối B: 14 điểm; khối C: 14 điểm; khối D: 13,5 điểm.
Điểm sàn CĐ và điển sàn xét tuyển CĐ của các trường CĐ sử dụng kết quả thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT: Khối A: 10 điểm; khối A1: 10 điểm; khối B: 11 điểm; khối C: 11 điểm; khối D: 10 điểm.
Điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ của thí sinh liên thông chính quy theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT bằng điểm sàn hệ chính quy đối với từng khối thi.
Sau khi xét tuyển đối với thí sinh dự thi có nguyện vọng học tại trường, nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung. Thời hạn xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày, bắt đầu từ 20/8 và kết thúc chậm nhất ngày 31/10/2013.
Ý kiến bạn đọc