Tại sao Mỹ thận trọng với diễn biến chính trị ở Ai Cập?

07:46, 08/07/2013
Trong cuộc họp với các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu nhằm tìm cách ứng phó với các diễn biến mới tại Ai Cập, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải đứng trước một lựa chọn khó khăn.

Người ta cho rằng ông có thể chỉ trích những gì đã diễn ra là cuộc đảo chính nhằm chống lại một tổng thống được bầu theo Hiến pháp và sau đó đình chỉ các viện trợ của Mỹ đối với quốc gia Bắc Phi này. Hoặc ông cũng có thể nhìn nhận rằng những gì vừa diễn ra tại Ai Cập là phản ứng xuất phát từ sự bất bình của dư luận đối với chính quyền do tổ chức Anh em Hồi giáo nắm giữ.
 
Tuy nhiên, ông đã lựa chọn một cách phản ứng trung lập, kêu gọi Ai Cập nhanh chóng thành lập chính quyền dân sự và yêu cầu cân nhắc lại các khoản viện trợ của Mỹ. Quyết định này của Tổng thống Obama đã phản ánh những quan ngại của các cố vấn an ninh rằng việc công khai ủng hộ một phe nào đó có thể sẽ "đổ thêm dầu vào lửa" và tạo cớ để các tay súng cáo buộc rằng Mỹ đang can thiệp vào cuộc khủng hoảng này. Bởi vậy, một phản ứng đúng mực và cân bằng là điều cần thiết để duy trì sự linh hoạt về mặt ngoại giao.
 

Tuy nhiên, lựa chọn này cũng cho thấy cách tiếp cận của ông Obama đối với phong trào "Mùa xuân Arập" là cân nhắc thận trọng và tránh áp đặt. Chiến lược ngoại giao "an toàn" của ông Obama, tương tự cách ông xử lý cuộc chiến tại Irắc mà ông cho là không nên diễn ra, đã giúp ông tránh khỏi việc phải triển khai quân đội Mỹ và khiến lực lượng này đối mặt với nguy hiểm.
 
Tuy nhiên, điều này cũng khiến ông phải đối mặt với các chỉ trích cho rằng Mỹ đã "bỏ mặc" những xung đột tại Trung Đông, can dự quá muộn và từ đó, dần đánh mất ảnh hưởng truyền thống của Washington trong khu vực. Việc không lên tiếng chỉ trích quân đội Ai Cập phế truất một tổng thống được bầu một cách dân chủ có thể cũng sẽ làm giảm uy tín của giới chức Mỹ khi họ nói về các vấn đề liên quan tới nhân quyền và cải cách dân chủ trên thế giới.
 
Các cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama ngày 4/7 đã thúc giục giới chức Ai Cập nhanh chóng thành lập một chính quyền dân chủ sau khi quân đội nước này phế truất Tổng thống Mohamed Morsi. Trong một tuyên bố, Nhà Trắng viết: "Các thành viên ban cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống (Obama) đã liên lạc với giới chức Ai Cập và các đối tác trong khu vực để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng đưa Ai Cập quay trở lại dưới dưới sự kiểm soát toàn diện của một chính quyền dân sự được bầu một cách dân chủ".
 
Tại Trung Đông, Mỹ đã từng tham gia một cách dè dặt trong liên minh quân sự để lật đổ nhà độc tài Muammar Gaddafi tại Libya. Tuy nhiên, ông Obama đã có cách tiếp cận thận trọng hơn trong cuộc nội chiến ở Syria - một cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người và buộc hàng trăm người khác phải đi tị nạn. Không chỉ để Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh Arập khác của Mỹ giữ vai trò dẫn dắt, Tổng thống Obama còn tiếp tục do dự khi cân nhắc hỗ trợ các vũ khí hạng nhẹ cho quân nổi dậy tại quốc gia này.
 
Dan Senor, người từng là cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu trong chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa Mitt Romney năm 2012, nói: "Tổng thống Obama thường không mấy mặn mà trong việc giải quyết các xung đột tại Trung Đông. Tôi luôn cho rằng có nhiều sự kiện quan trọng khiến ông ấy khó có thể tiếp tục thờ ơ như vậy trong khoảng hai năm qua, song có vẻ như tôi đã sai".

Mặc dù các quan chức Mỹ phản đối ý kiến cho rằng họ không dành đủ sự quan tâm đối với khu vực Trung Đông song rõ ràng chính quyền của Tổng thống Obama đang tích cực thực hiện chiến lược chuyển trọng tâm về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và dành nhiều tâm trí để giải quyết các sự việc trong nước, từ cân nhắc lại luật nhập cư Mỹ cho tới thúc đẩy các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Bản thân giới chức Nhà Trắng, những người phản ánh quan điểm của chính ông Obama, cũng thường xuyên nói tới các hạn chế của Mỹ trong việc định hướng các cuộc cách mạng tự phát tại Arập đã quét qua Bắc Phi, Syria và Yemen.
 
Việc Tổng thống Morsi bị phế truất tại Ai Cập được đánh giá là cơ hội thứ hai đối với ông Obama, người từng rút lại sự ủng hộ đối với cựu Tổng thống Hosni Mubarak và khiến ông này phải từ bỏ quyền lực khi đối mặt với các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố. Washington sau đó đã thúc giục các đảng phái tại Ai Cập xây dựng và tôn trọng dân chủ.
 
Người ta cho rằng Tổng thống Obama có thể tăng mức viện trợ phi quân sự - hiện đang ở mức 250 triệu USD trong tổng số 1,5 tỷ USD mà Cairô nhận được mỗi năm - và cử các phái viên tới Ai Cập để làm cố vấn cho tiến trình chuyển giao quyền lực về tay một chính quyền dân sự. Tuy nhiên, Ai Cập sẽ "nghe lời" Mỹ đến đâu hiện vẫn là một câu hỏi lớn.
 
Jon Alterman, phụ trách chương trình Trung Đông tại Viện nghiên cứu chính sách thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định: "Trước tình hình Ai Cập hiện nay, Mỹ rất khó để can thiệp một cách hiệu quả bởi người dân Ai Cập đều thấy rằng các rủi ro là rất lớn, bởi vậy họ khó có thể lắng nghe sự cố vấn từ bên ngoài, và khả năng để xua tan cơn bão chính trị đang hoành hành tại Ai Cập là rất khó khăn".
 
Các quan chức Mỹ đã nhận thức được rằng Ai Cập đứng trước một cuộc xung đột nghiêm trọng do con số người biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Morsi ngày càng tăng. Washington cũng tỏ ra thất vọng khi nhà lãnh đạo này không thể đưa ra các quyết sách chính trị và kinh tế quan trọng, mặc dù Ai Cập đã nhận được khoản đầu tư đáng kể theo chương trình viện trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
 
Đã từng có một số ý kiến cân nhắc việc liệu giới chức Mỹ có nên kêu gọi Anh em Hồi giáo tổ chức một cuộc gặp để xác định tương lai và các bước hành động cho chính quyền Ai Cập hay không, bên cạnh việc cử một số nhân vật nhiều kinh nghiệm và có tài để giúp ông Morsi vượt qua các thách thức. Tuy nhiên, mọi chuyện đã đổ bể khi các cuộc nổi dậy bùng phát và quân đội tiến hành can thiệp.
 
Chính quyền Obama có thể đã đánh giá sai dư luận khi Đại sứ Mỹ tại Ai Cập Anne Patterson gần đây nói rằng các cuộc biểu tình không phải là cách đem lại thay đổi. Nhiều người Ai Cập cho rằng tuyên bố của Patterson là ngầm ủng hộ ông Morsi và ngay lập tức đã chỉ trích điều này.
 
Aaron David Miller, người từng đóng vai trò là một cố vấn về Trung Đông cho sáu ngoại trưởng Mỹ, nói: "Thay vì có những nhận định nhanh chóng và sáng suốt về các hành động phi dân chủ của Anh em Hồi giáo, họ lại đưa ra thông điệp hết sức mập mờ, khiến nhiều người lầm tưởng thực chất chúng ta hậu thuẫn và ủng hộ chính quyền của ông Morsi. Và chính điều này đã xói mòn uy tín của Mỹ." Tuy nhiên, các quan chức Mỹ khẳng định toàn văn tuyên bố của bà Patterson đã cho thấy rõ bà không hề bày tỏ quan điểm ủng hộ bên nào trên chính trường Ai Cập.
 
Các Thượng nghị sỹ Mỹ thuộc cả hai đảng không chỉ trích Tổng thống Obama mà bày tỏ sự giận dữ đối với tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng mà họ cho là đã phá hỏng cơ hội để củng cố nền dân chủ tại quốc gia Bắc Phi này. Thượng nghị sỹ bang California Barbara Boxer thuộc Đảng Dân chủ nói: "Điều đáng buồn là tổ chức Anh em Hồi giáo không hoàn thành các cam kết mà họ đã hứa hẹn. Chúng tôi hy vọng rằng các bước tiếp theo trong tiến trình chuyển giao quyền lực tại Ai Cập có thể thực sự phản ánh hy vọng và khát khao của phần đông người dân quốc gia này"./.

vietnamplus.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chế độ nhập cư
Sau nhiều tháng tranh cãi, ngày 27/6 Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát đã thông qua một dự luật, theo đó sẽ cải cách sâu rộng chế độ nhập cư, tăng cường siết chặt an ninh các tuyến biên giới.
28/06/2013
Những điểm lưu ý thí sinh trước khi bước vào kỳ thi đại học, cao đẳng
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) năm 2013 vẫn giữ ổn định như những năm trước đây nhưng cũng có một số thay đổi nhằm bảo đảm kỳ thi đạt hiệu quả tốt hơn. Ðây là kỳ thi thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, nhất là các bậc phụ huynh và thí sinh dự thi cần nắm vững những điểm mới trong quy chế và các quy định bảo đảm đạt kết quả tốt trong kỳ thi.
27/06/2013
Nga, Mỹ bế tắc về Syria
Ngày 25-6, cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về việc tổ chức cuộc hội nghị hòa bình quốc tế về Syria đã không đạt được thỏa thuận do những bất đồng giữa hai nước về thời gian khai mạc hội nghị cũng như thành phần tham dự.
27/06/2013
Rơi máy bay cứu trợ lũ lụt ở Ấn Độ, chín người chết
Một chiếc máy bay lên thẳng Mi-17 V5 của Không quân Ấn Độ (IAF) làm nhiệm vụ cứu trợ tại khu vực bị ngập lụt nghiêm trọng thuộc bang Uttarakhand, thuộc miền Bắc Ấn Độ, đã bị rơi chiều 25/6, khiến chín người thiệt mạng.
26/06/2013