Ai Cập cân nhắc giải tán tổ chức Anh em Hồi giáo

13:41, 12/07/2013

Sau khi ra lệnh bắt giữ và truy nã đối với hàng loạt lãnh đạo cấp cao của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) với cáo buộc kích động bạo lực và sát hại người biểu tình, chính quyền mới của Ai Cập hiện đang cân nhắc việc giải tán tổ chức này.


Nhật báo Almasry Alyoum số ra ngày 11/7 cho biết Bộ Bảo hiểm và Xã hội Ai Cập sẽ tổ chức một cuộc họp trong vòng 10 ngày tới để xem xét vấn đề trên.

Quyết định giải tán sẽ được công bố nếu kết quả điều tra do cơ quan công tố đang tiến hành cho thấy MB sử dụng trụ sở của mình làm nơi tàng trữ vũ khí và đã thành lập lực lượng dân quân riêng.

Hiện thủ lĩnh tinh thần tối cao của MB Mohamed Badie và một số lãnh đạo khác của tổ chức này đang đối mặt với các cáo buộc giết người, thành lập lực lượng dân quân và các nhóm khủng bố sau khi các nhà điều tra phát hiện được nhiều vũ khí cất giấu tại trụ sở chính của tổ chức này tại quận Moqattam ở Cairo bị phóng hỏa và cướp phá trong làn sóng biểu tình chống chính phủ ngày 30/6 vừa qua.

Trong khi đó, tân Thủ tướng Ai Cập Hazem al-Beblawi khẳng định sẽ không loại bất kỳ thành viên nào của MB ra khỏi nội các của ông, đồng thời cho biết vẫn đang cân nhắc thành lập một chính phủ lâm thời. Tuy nhiên, MB đã bác bỏ đề xuất của Thủ tướng Beblawi tham gia vào chính phủ mới.

Những người ủng hộ và phản đối Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi đã kêu gọi biểu tình trong ngày hôm nay (12/7) - ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo.

Người phát ngôn của MB Ahmed Aref cho biết tổ chức này sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc biểu tình hòa bình cho đến khi "cuộc đảo chính quân sự thất bại và sự hợp pháp quay trở lại" còn lực lượng phản đối Tổng thống bị phế truất Morsi cũng đã kêu gọi biểu tình lớn tại quảng trường Tahrir.

Trước những diễn biến căng thẳng trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc việc bắt giữ Tổng thống bị phế truất Morsi cũng như các thủ lĩnh khác của MB.

Phát biểu trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ai Cập Mohammed Kamel Amr, ông Ban Ki-moon lưu ý tới tình trạng bắt bớ và những hành động trả thù đang diễn ra tràn lan ở Ai Cập, đồng thời yêu cầu quốc gia này phải có trách nhiệm thực hiện những quy định của các công ước quốc tế liên quan đến quyền con người cũng như phải tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của trình tự tố tụng hình sự.

Ông kiên quyết phản đối những âm mưu "khai tử" bất cứ một đảng phái chính trị hoặc một cộng đồng nào tại quốc gia Bắc Phi này, kêu gọi các lực lượng chính trị ở đây cùng tham gia cuộc đối thoại dân tộc để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng nhắc lại việc Liên hợp quốc hoàn toàn ủng hộ những "nguyện vọng chính đáng" của người dân Ai Cập và khuyến cáo mọi người cùng kiềm chế để giải quyết mọi bất đồng của xã hội.

Mỹ cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo lâm thời và quân đội Ai Cập chấm dứt việc "bắt giữ tùy tiện" các thành viên MB, cho rằng động thái này sẽ chỉ càng kéo dài thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập.

Trong khi đó, Chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, Tướng James Amos cho biết trong những ngày gần đây, hai tàu chiến nước này tuần tra ở khu vực Trung Đông đã tiến gần hơn tới khu vực bờ Biển Đỏ của Ai Cập.

Đây được coi như là một động thái phòng ngừa sau khi quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi.

Mỹ thường đưa các tàu hải quân tới gần các quốc gia bất ổn để bảo vệ hay sơ tán công dân Mỹ trong trường hợp cần thiết, hoặc tham gia hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ gần Ai Cập không hoàn toàn có nghĩa là Washington đang chuẩn bị tiến hành một hành động quân sự.

Cùng ngày, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết nước này đang đẩy nhanh kế hoạch cung cấp 4 máy bay chiến đấu F-16 cho Ai Cập, bất chấp chính quyền của Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ xem xét lại mọi khoản viện trợ cho Cairo.

Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc khẳng định cơ quan này vẫn sẽ duy trì mối quan hệ quân sự lâu dài với Ai Cập, và sẽ hợp tác với người dân Ai Cập nhằm đưa một chính phủ do dân bầu một cách dân chủ quay trở lại.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố không tiến hành đàm phán về khả năng cho vay với Chính phủ lâm thời Ai Cập, đồng thời khẳng định quyết định của IMF liên quan đến vấn đề này sẽ phụ thuộc vào quan điểm của cộng đồng quốc tế.

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 11/7, phong trào "Anh em Hồi giáo không bạo lực" vừa được một số thành viên trẻ của MB thành lập đã đề xuất chấm dứt các hình thức bạo lực nhằm đổi lấy sự phóng thích ông Mohamed Morsi và tất cả các nhà lãnh đạo khác của tổ chức này.

Phát biểu với báo giới, ông Ahmed Yehia, điều phối viên của phong trào này, kêu gọi sửa đổi Tuyên bố Hiến pháp do Tổng thống lâm thời Adly Mansour ban hành hôm 8/7, đồng thời yêu cầu tổ chức bầu cử tổng thống trước cuộc bầu cử quốc hội, chấm dứt các phiên tòa quân sự xét xử dân thường, đặt ra các điều kiện đối với việc thành lập Ủy ban sửa đổi hiến pháp và mở cửa trở lại tất cả các kênh truyền hình tôn giáo.

Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo của MB không công kích "cuộc đảo chính quân sự" lật đổ ông Mohamed Morsi hoặc yêu cầu phục chức cho vị tổng thống dân bầu này.

Phong trào trên cũng kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị, trong đó có MB, tham gia các cuộc đối thoại dân tộc và soạn thảo lộ trình cho giai đoạn chuyển tiếp, đồng thời kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra sự thật bao gồm các thẩm phán độc lập để truy tố những người chịu trách nhiệm về các vụ bạo lực mới đây, nhất là vụ đụng độ đẫm máu xảy ra vào sáng 8/7 vừa qua trước cửa Lực lượng Vệ binh Cộng hòa khiến 53 người thiệt mạng và gần 500 người bị thương.

Trước đó, ông Assem Abdel Maged, lãnh đạo của tổ chức Hồi giáo Al Gama'a al-Islamiya có quan điểm cứng rắn và là đồng minh thân cận của MB, cho biết người ủng hộ ông Morsi sẽ "chiến đấu" để phục chức cho nhà lãnh đạo này.

Phát biểu trước những người ủng hộ ông Morsi tập trung tại quảng trường Rabaa al-Adawiya ở Đông Bắc Cairo, ông Maged đã bác bỏ các cuộc đàm phán với chính quyền lâm thời và kêu gọi người biểu tình tiếp tục ở lại các quảng trường, chiến đấu vì "tính hợp pháp dân chủ" và đạo Hồi.

Cùng ngày, các câu lạc bộ đang thi đấu tại Giải bóng đá hạng nhất quốc gia Ai Cập đã đề nghị Liên đoàn bóng đá nước này (EFA) hủy bỏ mùa giải hiện nay do những lo ngại về tình hình an ninh sau khi quân đội quyết định phế truất Tổng thống Mohamed Morsi.

Kể từ ngày 3/7, EFA đã quyết định hoãn vô thời hạn tất cả các trận thi đấu của giải. Đây là lần thứ hai liên tiếp Giải bóng đá hạng nhất quốc gia Ai Cập bị hủy bỏ. Mùa giải năm ngoái, giải đấu cũng bị hủy bỏ giữa chừng sau khi xảy ra thảm họa sân cỏ tại Port Said hồi đầu tháng 2/2012 khiến hơn 74 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương./.


vietnamplus.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nga và Mỹ chơi trò "câu giờ" trong vụ E. Snowden
Ngày 11/7, hãng Interfax của Nga đưa tin chính quyền Mỹ đã ngừng hối thúc Nga dẫn độ cựu nhân viên Cơ quan tình báo trung ương (CIA) Edward Snowden khi cả hai bên đều đang chơi trò "câu giờ" trong vụ này.
12/07/2013
Tạm dừng mở mới khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo GV trình độ CĐ, ĐH
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các cơ sở giáo dục ĐH về việc tạm dừng xem xét hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo mới thuộc khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên ở các trình độ CĐ, ĐH.
12/07/2013
Thủ tướng Luxembourg xin từ chức
Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu năm nhất ở châu Âu, vừa tuyên bố sẽ từ chức sau vụ bê bối sai phạm của sở Mật vụ nước này.
12/07/2013
Đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Xã hội đồng lòng góp sức, kỳ thi thành công
Buổi thi sáng 10/7 với khối B thi Hóa học, khối C và D thi Ngữ văn, đã khép lại đợt thi thứ hai của kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2013. Các trường đang tích cực chuẩn bị cho công tác chấm thi. Dự kiến kết quả sẽ được các trường công bố trước ngày 5/8.
11/07/2013