'Vấn đề của giáo dục Việt Nam là sự tha hóa'

08:41, 14/03/2013

Lấy dẫn chứng về vụ tiêu cực Đồi Ngô (Bắc Giang), Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng, đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của cả một hệ thống - khi nhiều người cả trong và ngoài ngành giáo dục đã không tôn trọng luật chơi.


Chiều 13/3, hàng nghìn sinh viên đã đến tham dự buổi nói chuyện của GS Ngô Bảo Châu về chủ đề "Phương pháp học tập". Ngồi dưới hàng ghế khách mời, Chủ tịch quỹ Hòa bình quốc tế, đại diện các đại sứ quán tại Việt Nam, bố mẹ và những thầy giáo cũ của giáo sư Ngô Bảo Châu đều chăm chú lắng nghe.

Mở đầu bài giảng, GS Châu cho biết, anh hay được các em sinh viên hỏi về bí quyết học tập, và thường trả lời rằng không có bí quyết gì, quan trọng là niềm say mê. "Điều đó không sai nhưng chưa đầy đủ. Tôi bắt buộc phải trả lời như thế khi chưa suy nghĩ thấu đáo. Hôm nay là cơ hội tốt để tôi làm điều đó, dù vất vả để hoàn thành nhưng cũng rất ý nghĩa", GS Châu nói.

Bài giảng của GS Ngô Bảo Châu được chia làm ba phần, bao gồm: Cái gì là động cơ căn bản cho việc học tập, học chữ hay học làm người và chúng ta học như thế nào. Anh cho biết, không có tham vọng đưa ra câu trả lời thấu đáo và đầy đủ cho cả ba câu hỏi mà chỉ là sắp xếp thành những suy nghĩ tản mạn của mình, làm thành những câu trả lời không cầu toàn.

Chủ tịch quỹ Hòa bình quốc tế, đại sứ các nước tại Việt Nam và hàng nghìn sinh viên đã đến nghe GS Ngô Bảo Châu giảng về "phương pháp học tập". Ảnh: Hoàng Thùy.

Đi sâu vào phần "học như thế nào", GS Châu cho biết, ngày xưa học chữ thánh hiền thì quan trọng nhất phải có chí - có chí đi bắt đom đóm làm đèn đọc sách thâu đêm. Nhưng trong việc học tập, tiếp thu kiến thức khoa học của nhân loại hiện tại thì có chí thôi không đủ.

GS Châu nhấn mạnh, trong một trò chơi, ít người chơi một mình, để trò chơi thực sự cuốn hút, người chơi thực sự triển khai tiềm năng tư duy của mình để đi đến bất ngờ, tìm ra sự sáng tạo, cuộc chơi phải có bạn chơi, trọng tài. Cụ thể, nhờ vào internet, ta có thể tìm thấy nhiều tài liệu và học tập miễn phí trên mạng theo chương trình của một số đại học tên tuổi.

Nhưng dù có được cung cấp mọi tài liệu, theo dõi bài giảng miễn phí thì người học cũng không học được nếu ở nhà một mình. Ngồi nghe bài giảng trên mạng không phải là trò chơi thú vị vì không có đối thủ, đồng đội, mục tiêu, lộ trình, giải thưởng…Đó là những thứ không liên quan gì đến nội dung nhưng lại là những cái người đi học cần để có thể phấn đấu đến cùng. Mỗi người có thể học một mình và tập trung cao độ trong một tuần, nhưng cần có tập thể, thầy giáo, lớp học để duy trì mức độ học tập.

"Gợi ý của tôi là tại sao các bạn không tự tổ chức cùng học với nhau theo giáo trình, bài giảng, tư liệu học tập trên mạng. Thầy giáo cũng có thể sử dụng tài liệu miễn phí thành tài liệu học chính khóa. Trên lớp các thầy không nhất thiết phải giảng cả buổi mà có thể cho sinh viên xem trước bài giảng trên mạng, dành thời gian để giải thích thêm, trả lời những câu hỏi, thậm chí quay lại bài cũ nếu sinh viên chưa hiểu rõ một số khái niệm và hướng dẫn các em làm bài tập. Cuối cùng là tổ chức thi cử nghiêm túc", GS Châu nói.

Theo GS Châu, thiếu tổ chức, con người không có bản năng duy trì nỗ lực của mình trong một thời gian dài. Thiếu tranh biện con người sẽ nhanh chóng lạc vào con đường chủ quan, con đường luôn luôn dẫn tới cái đích là sự bế tắc.

"Đã rất nhiều người chỉ ra những bất cập của nền giáo dục nước nhà, và tôi cũng thấy không cần thiết phải góp thêm một tiếng nói của mình vào đó. Nhưng nếu chỉ nêu một vấn đề lớn nhất, thì đó chính là mức độ tha hóa của cả một hệ thống", GS Châu nói.

GS Châu dẫn chứng, vụ Đồi Ngô, học sinh quay phim giám thị vi phạm quy chế thi là việc chưa có tiền lệ trong lịch sử loài người. Đây là câu chuyện buồn, là tiếng chuông cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của cả một hệ thống. Khoan quy trách nhiệm cho một cơ quan, cá nhân, mà suy nghĩ về việc xảy ra sẽ thấy rất nhiều người từ trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài ngành giáo dục đã không tôn trọng luật chơi.

GS Ngô Bảo Châu cho rằng bên cạnh tính trung thực thì học tập cần có tổ chức, kỉ luật, say mê và quả cảm. Ảnh: Hoàng Thùy.

Theo GS Châu, kết quả của kì thi tốt nghiệp đáng ra phải mang tính thiêng liêng trong đời học sinh lại trở thành một trò đùa - trò đùa muốn khóc. Các trường đại học ở Mỹ, như ĐH Chicago nơi anh làm việc, họ thành công không phải vì họ giàu, có nhiều giáo sư xuất sắc hay cơ sở vật chất đầy đủ, mà đó là vì tinh thần fairplay. Ở đó, mọi hành vi ăn gian đều bị trừng trị nghiêm khắc.

"Sự trung thực là một trong những điểm quan trọng nhất cho câu hỏi học như thế nào? Trung thực khó học trong sách vở và để trẻ trung thực, người lớn phải làm gương. Ngoài tính tổ chức, trung thực, kỉ luật thì cần niềm say mê và giữ được say mê, làm động cơ cho việc học tập", GS Châu nhấn mạnh.

Giám đốc khoa học của Viện Toán cao cấp cũng chia sẻ, khi anh viết bài giảng này, có người bạn đã góp ý rằng bên cạnh niềm đam mê đừng bỏ quên sự quả cảm. Sự quả cảm rất cần, không để lười biếng, hèn nhát dụ dỗ, quay lưng lại với sự thật. Theo kinh nghiệm của anh, khi vượt qua biên giới của những gì đã biết để thực sự đuổi theo cái chưa biết thì quả cẩm rất cần, để đi tìm cái mới trong hành trình cô đơn và kéo dài nhiều năm.

"Sau khi làm luận án tiến sĩ xong tôi thi tuyển vào một Viện nghiên cứu ở Pháp nhưng tôi trượt. Buổi phỏng vấn đầu tiên, người ta hỏi tôi nghiên cứu gì, tôi nói "Bổ đề cơ bản", họ cười và tôi bị đánh trượt. Người ta không tin tôi", GS Châu kể và cho biết đó là một khó khăn. Đến năm 2002, khi quay lại làm bổ đề cơ bản, anh làm việc say sưa. Nhưng đến năm 2006, khi mở rộng công trình, anh hiểu đó là con đường cụt và khi đó bản thân còn không tin vào mình nữa.

Lúc này, anh tình cờ nói chuyện với một người đồng nghiệp về công trình ông ấy cách đó 20, 30 năm. Ông ấy cho rằng nó không có ý nghĩa, nhưng anh lại thấy đó là mảng cuối cùng mà anh thiếu. "Bế tắc nhưng nếu tôi không cố gắng nỗ lực trước đó thì khi người bạn nói, tôi cũng không thể nhận ra đó là mảng còn lại của mình", GS Châu cho hay.

Anh khẳng định, niềm say mê không bao giờ ổn định, thế nên quá trình học cần có tập thể, để khi không còn đam mê vẫn phải cố hoàn thành bổn phận của mình. Mặt khác, đam mê có thể ra đi thì cũng có thể quay lại, nên không được bỏ cuộc. "Khi tôi đọc quyển sách thấy nó khó, tôi thường nghĩ không phải bản chất nó khó mà người viết tồi. Thế nên tôi sẽ viết lại cho dễ hiểu hơn dù mất thời gian, và ít nhất là phải tìm hiểu cặn kẽ các vấn đề", GS Châu chia sẻ.


vnexpress.net

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nổ khinh khí cầu Ai Cập-thảm kịch tồi tệ nhất trong 200 năm
Vụ tai nạn này cho đến nay có lẽ là thảm kịch có thương vong cao nhất trong lịch sử loại phương tiện vận chuyển này.
28/02/2013
Thượng viện Mỹ phê chuẩn Bộ trưởng Quốc phòng
Với 58 phiếu thuận và 41 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 26/2 đã bỏ phiếu phê chuẩn ông Chuck Hagel làm tân Bộ trưởng Quốc phòng.
27/02/2013
Những điểm mới trong thi, tuyển sinh năm 2013 liên quan tới thí sinh
Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) vừa chính thức ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điểm mới cho thi, tuyển sinh năm 2013. Trong đó, Bộ GD và ÐT quy định thêm đối tượng tuyển thẳng gồm: thí sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Ô-lim-pích khu vực và quốc tế; trong đội tuyển tham dự hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào
27/02/2013
Ông Raul Castro đã được bầu lại làm Chủ tịch Cuba
Ngày 24/2, ông Raul Castro đã được bầu lại làm Chủ tịch Cuba, và người em của vị lãnh tụ huyền thoại Fidel khẳng định rằng đây sẽ là nhiệm kỳ lãnh đạo cuối cùng của ông.
25/02/2013