Nổ khinh khí cầu Ai Cập-thảm kịch tồi tệ nhất trong 200 năm
Vụ tai nạn này cho đến nay có lẽ là thảm kịch có thương vong cao nhất trong lịch sử loại phương tiện vận chuyển này.
Theo giới chức địa phương, vụ nổ khinh khí cầu ở thành phố du lịch Luxor vào sáng sớm 26/2 khiến 19 du khách thiệt mạng, trong đó có 9 người Hongkong (Trung Quốc), 4 người Nhật Bản, 2 người Pháp, 2 người Anh, 1 người Hungary và 1 người Ai Cập. Nhân viên điều khiển khinh khí cầu và một hành khách người Anh may mắn sống sót, nhưng vợ của hành khách người Anh đã thiệt mạng. Tuy nhiên cả 2 người này đều trong tình trạng bỏng nặng.
Điều tra ban đầu của cảnh sát cho biết, thảm họa diễn ra chỉ trong vài phút, trong khi phi công đang điều khiển khinh khí cầu tiếp đất trên một cánh đồng mía ở độ cao khoảng 9m. Khi phi công kéo một sợi dây thừng để ổn định khí cầu thì một đường ống dẫn khí bị nứt và bốc cháy
Phi công và hành khách sống sót đã nhanh chóng thoát ra phía ngoài thành của khinh khí cầu. Sau đó, khí gas cùng với hơi nóng do lửa từ đám cháy đã khiến chiếc khinh khí cầu bay vọt lên trời ở độ cao khoảng 300m trước khi phát nổ và bốc cháy.
Truyền thông Ai Cập cho biết, những người gặp nạn đã bị thiêu cháy. Do đó Bộ Y tế nước này sẽ phải sử dụng biện pháp kiểm tra ADN để xác định danh tính nạn nhân.
Thống đốc Luxor Ezzat Saad cho biết, 18 nạn nhân tử vong tại chỗ. Hai người Anh và 1 nhân viên điều khiển khí cầu được đưa tới bệnh viện nhưng một du khách người Anh tử vong sau đó vì chấn thương quá nặng.
AP dẫn lời những người dân chứng kiến vụ tai nạn cho biết nhiều du khách bị lửa bắt vào người và họ đã nhảy ra khỏi khí cầu.
Theo ông Saad, số nạn nhân của vụ tai nạn này đã vượt qua số thương vong trong vụ tai nạn kỷ lục năm 1989 - làm 13 người thiệt mạng do 2 khinh khí cầu va chạm nhau tại Australia - và trở thành sự cố tồi tệ nhất trong lịch sử 200 năm của loại hình di chuyển này.
Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, Thống đốc Luxor Ezzat Saad đã lập tức ban lệnh cấm tất cả các chuyến bay bằng khinh khí cầu trong thành phố. Các Bộ trưởng của ngành hàng không và du lịch cũng đã đến Luxor bắt đầu điều tra vụ tai nạn cũng như việc kiểm tra giấy phép hoạt động của khinh khí cầu và giấy phép cho phi công.
Hiện tại Ai Cập đang có những cáo buộc cho rằng, người điều khiển khinh khí cầu chính là người phải chịu trách nhiệm khi tìm cách nhảy ra ngoài thay vì dập lửa.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ báo Al Ahram của Ai Cập, Tharwat Agami, Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp du lịch thương mại Luxor cáo buộc ngành hàng không đã gia hạn giấy phép cho các nhà điều hành khinh khí cầu và những người khác dù biết các thiết bị của họ không đáp ứng yêu cầu an toàn. Việc đưa ra những quy định cũng như thanh tra độ an toàn của dịch vụ khinh khí cầu trở nên lơ là kể từ sau bất ổn chính trị lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak của nước này cách đây 2 năm.
Vụ nổ khinh khí cầu ở thành phố du lịch Luxor được xem là một đòn giáng mạnh vào ngành du lịch Ai Cập, một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước này trong bối cảnh ngành du lịch ở nước này đang có dấu hiệu hồi phục bất ổn chính trị.
Theo các nhà kinh tế nước này, trước khi xảy ra bất ổn chính trị, doanh thu từ ngành du lịch thường chiếm khoảng 11% tổng sản phẩm quốc nội của Ai Cập. Quan trọng hơn, du lịch là nguồn thu lớn thứ hai của Ai Cập, đứng sau nguồn kiều hối của người Ai Cập làm việc ở nước ngoài. Nó giúp giảm sự mất cân bằng thương mại, hỗ trợ việc mất giá của đồng bảng Ai Cập. Tuy nhiên, sau khi tình hình bất ổn xảy ra kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, doanh thu du lịch đã giảm chỉ còn 1/4 so với mức trước đây, nhà kinh tế Handoussa cho biết./.
Ý kiến bạn đọc