Nhật Bản khắc phục hậu quả động đất và sóng thần
Nhật Bản đang tích cực xử lý các sự cố hạt nhân sau trận “siêu động đất” gây hậu quả nặng nề. Công ty điện lực Tô-ki-ô (TEPCO) cho biết đã khôi phục thành công khả năng làm lạnh tại lò phản ứng số 1 và số 2 của nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 2.
Hiện TEPCO đang tăng cường các nỗ lực nhằm khôi phục chức năng làm lạnh của lò phản ứng số 4. Tuy nhiên, sáng ngày 14-3, một vụ nổ đã xảy ra tại lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 do nổ khí hyđrô, khiến 11 người bị thương. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Y-u-ki-ô Ê-đa-nô xác nhận vụ nổ, song khẳng định lò phản ứng không bị vỡ, vỏ bọc lò phản ứng hạt nhân hầu như không bị hỏng và khả năng rò rỉ phóng xạ là rất thấp. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết lượng phóng xạ tại khu vực nhà máy sau khi xảy ra vụ nổ "ở mức bình thường". Theo một quan chức Nhật Bản, 22 người đã bị nhiễm phóng xạ và hơn 190 người đang bị phơi nhiễm do động đất gây rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân. Các nhân viên cứu hộ đang tiếp tục kiểm tra độ nhiễm phóng xạ ở những người mới đến các trung tâm cứu nạn.
Trước lo ngại tái diễn thảm họa Tréc-nô-bưn tại Nhật Bản, Tổng giám đốc Trung tâm Tréc-nô-bưn về các vấn đề an toàn hạt nhân, chất thải phóng xạ và sinh thái phóng xạ (U-crai-na), ông Mi-kha-in Bôn-đa-rơ-cốp (Mikhail Bondarkov) ngày 14-3 đã loại trừ khả năng này. Ông cho rằng, không thể xảy ra sự cố giống như ở nhà máy điện hạt nhân Tréc-nô-bưn ở Nhật Bản, bởi vì ở đó có thiết kế khác và đơn giản là không có gì có thể cháy được-ở đó chỉ có nước và u-ra-ni.
Trẻ em ở khu sơ tán lánh nạn. Ảnh: AFP |
Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết cường độ trận động đất hôm 11-3 là 9 độ rích-te, không phải 8,8 độ rích-te như đã công bố trước đó. Số thương vong vẫn đang tăng cao. Khoảng 2000 thi thể đã được tìm thấy vào sáng 14-3 tại hai khu vực bờ biển ở tỉnh Mi-y-a-gi, nơi bị ảnh hưởng nặng nhất của trận động đất vừa qua. Ước tính, tổng số người thiệt mạng đang tiếp tục tăng cao vượt quá con số 10.000. Khoảng 450.000 người tại tỉnh Mi-y-a-gi và các khu vực lân cận đã phải sơ tán.
Hiện đã có những đánh giá đầu tiên về thiệt hại kinh tế sau thảm họa. Nhà kinh tế trưởng Hi-rô-mi-chi Si-ra-ca-oa (Hiromichi Shirakawa) thuộc Credit Suisse (Nhật Bản) ước tính, thiệt hại có thể lên tới 171 đến 183 tỷ USD, cao hơn cả tổn thất trong trận động đất Cô-bê năm 1995. Thảm họa đã khiến nhiều tập đoàn lớn phải đình chỉ sản xuất vì mất điện như Sony, Mitsubishi, Toyota, Honda… Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ thực hiện kế hoạch cắt điện luân phiên từ sáng 14-3 tại thủ đô Tô-ki-ô và các khu vực lân cận vì TEPCO không thể cung cấp đủ điện. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo kế hoạch "bơm" 18.000 tỷ yên (khoảng 220 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ do lo ngại thảm họa có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với các ngân hàng thương mại và các thể chế tài chính của nước này.
Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm các nạn nhân dưới đống đổ nát ở Xen-đai. Ảnh: AFP |
Hiện Nhật Bản đang nhận được nhiều sự hỗ trợ của các nước trên thế giới nhằm khắc phục hậu quả. Các đội cứu hộ và viện trợ quốc tế tiếp tục đổ vào Nhật Bản. Trung Quốc đã cử một đội tìm kiếm và cứu hộ gồm 15 người tới tỉnh I-oa-tê bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trận động đất vừa qua. Bộ Tình trạng khẩn cấp của Nga cũng thông báo hai đội cứu hộ của nước này cùng hơn 70 nhân viên cứu hộ đã lên đường tới Nhật Bản. Bộ Kinh tế Hàn Quốc cho biết sẽ chuyển một phần khí tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu sang Nhật Bản để giúp giảm nhẹ tình trạng thiếu năng lượng tại nước này. Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc (Lee Myung-bak) cho biết sẽ cử thêm 102 nhân viên cứu hộ tới giúp Nhật Bản. Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đã đến vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, dẫn đầu các tàu khác của Mỹ cũng đang tiến về khu vực. Các nước như Cu-ba, Phần Lan, Lít-va, Mông Cổ, Băng-la Đét, Xri Lan-ca... cũng đề nghị tham gia hoạt động cứu hộ các nạn nhân động đất tại Nhật Bản. Một toán cứu hộ Anh cũng lên máy bay với hàng tấn thiết bị để cắt và nâng vật nặng. Ô-xtrây-li-a, Pháp, Thụy Sĩ và Xin-ga-po cũng cử các toán cứu hộ và nhiều chuyên gia khác để tiếp tay vào công tác cứu hộ. Cho tới nay, gần 70 quốc gia đã đề nghị giúp Nhật Bản. Các chuyên gia LHQ đã có mặt tại hiện trường để tiếp tay phối hợp các nỗ lực cứu hộ quốc tế và các đội cứu hộ địa phương.
YẾN NHI
Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Nhật Bản khắc phục hậu quả thiên tai Ngày 14-3-2011, tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam I-a-sư-a-ki Ta-ni-da-ki (Yasuaki Tanizaki), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với những tổn thất nghiêm trọng mà người dân Nhật Bản đang phải hứng chịu, đồng thời khẳng định tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Nhật Bản trong lúc khó khăn này. Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn thông báo ngoài việc hỗ trợ 200.000USD, nếu Chính phủ Nhật Bản thấy cần thiết, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng cử cán bộ y tế sang Nhật Bản góp phần khắc phục hậu quả do động đất và sóng thần gây ra. Đại sứ Ta-ni-da-ki chân thành cảm ơn lãnh đạo Việt Nam đã sớm có thư thăm hỏi và trợ giúp khẩn cấp 200.000USD cho người dân Nhật Bản trước thảm họa động đất, sóng thần ngày 11-3-2011. Đại sứ Ta-ni-da-ki cho biết phía Nhật Bản đang phối hợp với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nhật Bản trong công tác bảo hộ công dân Việt Nam, đến nay chưa có thông tin nào về việc người Việt Nam bị thương vong trong cơn động đất, sóng thần vừa qua. Việt Trung |
Ý kiến bạn đọc